Thứ Hai, 14/10/2024 11:27 SA
Lặng lẽ trả ơn đời
Thứ Tư, 27/07/2016 14:00 CH

Ông Long đến thăm đôi vợ chồng già, nghèo khó ở thôn Nguyên An, xã Sơn Nguyên - Ảnh: NGỌC DUNG

Mang nặng ân tình người đất Phú cưu mang trên dòng đời lưu lạc, hơn 10 năm nay, ông miệt mài đi xin gạo, xin tiền, xây nhà, làm cầu… giúp đỡ người nghèo như một cách để trả ơn đời, trả ơn người đất Phú. Trên bước đường thiện nguyện kết nối yêu thương, ông đã thắp lửa tin yêu cho bao phận người khốn khó. Ông tên là Nguyễn Ngọc Long ở thôn Nguyên An, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa.

 

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thị trấn Ba Đồn (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), lúc ông Long mới lên 5 tuổi thì cha mất, 6 năm sau mẹ buộc lòng gửi ông đến sống nương nhờ gia đình người cậu ruột ở Huế. 11 tuổi, ông Long bắt đầu sống tha phương xứ người.

 

Ở nhà cậu ruột, Nguyễn Ngọc Long được ăn cơm ngày ba bữa, được đến trường học chữ, gặp bạn bè mới. Nhưng hàng ngày nhìn bạn bè trang lứa có cha mẹ quấn quít bên cạnh, nhiều đêm về nằm trên chiếc giường nhỏ hẹp, cậu bé Long ứa nước mắt tủi thân. “Nhà mình nghèo, mẹ không đủ sức chăm lo cho bốn anh em con. Con cố gắng chịu khó, siêng năng, chăm ngoan gắng học hành, vâng lời cậu mợ…”, lời dặn dò của mẹ luôn văng vẳng bên tai cậu bé.

 

Người cậu tốt bụng thương đứa cháu nhỏ mồ côi cha, lại sống xa mẹ nên gắng sức bảo bọc Long học đến lớp đệ tứ (lớp 9 bây giờ). Nhưng mợ (vợ cậu) cảm thấy mệt mỏi khi trên vai gánh thêm trách nhiệm nuôi Long nên hàng ngày nói nặng nhẹ, người cậu ruột lại thường đi làm xa. Quá buồn lòng, ông Long đành phải dứt áo ra đi…

 

Ân nghĩa người đất Phú

 

Thương cảm cậu bé mới 15 tuổi đầu lạc loài nơi đất khách, ông Trương Chái - một người đàn ông tốt bụng ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), đưa cậu bé Long về nhà nuôi dưỡng. Ông Long ngậm ngùi xúc cảm: “Ở nhà người cha nuôi, tui được ăn cơm no, được mặc quần áo lành lặn, được thương yêu, chăm sóc như con cái ruột thịt trong nhà. Đến tận sau này, khi tui cưới vợ, sinh con, cuộc sống gia đình tui những lúc khó khăn đói khổ, thiếu ăn, thiếu mặc, gia đình cha nuôi luôn dang rộng vòng tay giúp đỡ các con tui có chén cơm ăn lót lòng, có tấm áo mặc lành lặn trong ngày đông tháng giá…”.

 

Trên bước đường lưu lạc nhiều nơi trên đất khách quê người, người dân Phú Yên luôn hết lòng đùm bọc cưu mang ông Long. Những tình cảm ấm áp mà gia đình người cha nuôi Trương Chái và những người dân đất Phú khác dành cho một đứa trẻ lang thang như ông, cả đời này ông Long không thể quên.

 

Ở vào cái tuổi 73 - cái tuổi gần đi trọn một đời người, thấu cảm không biết bao nhiêu nỗi niềm buồn vui trong cuộc sống, mỗi lần nhắc ơn nghĩa ấy, ông Long đều rưng rưng xúc động. Ông nghẹn lời: “Tôi mang nợ người Phú Yên nhiều lắm. Một món nợ ân tình không sao trả hết…”

 

Ngôi nhà của ông Long nằm khuất sâu trong một con hẻm nhỏ ở thôn Nguyên An, xã Sơn Nguyên. Vậy mà, chỉ mới chạy xe đến ngã ba Ngân Điền, hỏi thăm ông Long chữ thập đỏ hầu như ai cũng biết. Ông Long cười hiền hậu: “Chắc là do bà con thương mến mình”. Bà con thương mến là bởi không chỉ bản tính ông hiền lành, thật thà, chân chất mà gần 20 năm nay, ông luôn tận tình xin tiền, xin gạo, vận động xây nhà cho những đứa trẻ mồ côi cha mẹ, những người già cả không nơi nương tựa, những số phận chẳng may gặp cảnh tai ương… nơi đây.

 

“Trong cuộc sống, không ít người có lúc gặp cảnh không may. Mình đã sống trong cảnh khổ cực nhiều rồi nên thấu hiểu”, ông Long giãi bày cho công việc từ thiện mà bản thân tình nguyện gắn bó gần 20 năm qua. Hơn nữa, Phú Yên bây giờ là quê hương thứ hai của ông, đặc biệt xã Sơn Nguyên - vùng đất mà gia đình ông sinh sống đã hơn 37 năm nay. Tình đất, tình người nơi này đã gắn bó với ông như máu thịt.

 

Lặng lẽ trả ơn đời

 

Ông Long bồi hồi nhớ lại: “Năm 1979, tôi đưa vợ con đến xã Sơn Nguyên lập nghiệp. Ngày ấy, ở nơi núi rừng hoang sơ rậm rạp này chỉ có hơn chục nóc nhà, cuộc sống buổi đầu khó khăn không sao kể hết…”. Hàng ngày, ông cùng vợ con phát rừng, chọt lỗ trồng lúa rẫy để kiếm cái ăn qua ngày. Những tháng ngày ấy, cả nhà chỉ ăn khoai, sắn cầm hơi. Sau bao năm cặm cụi khai khẩn đất hoang, cái đói ở gia đình ông dần dà bị đẩy lùi.

 

Thời gian sau này, người đến lập nghiệp ở vùng kinh tế mới Sơn Nguyên ngày càng nhiều. Những người đến sau không còn nhiều đất canh tác nên cuộc sống rất khó khăn. Đêm nằm trằn trọc không sao chợp mắt, sáng ra ông Long nói với vợ: “Hay là mình đem đất chia cho người ta. Tội nghiệp người ta đói khổ quá. Mình nghĩ sao?”. Vợ ông gật đầu đồng ý. Gần một hecta đất mà gia đình cất công khai hoang trước đó, ông Long đem chia cho một số người khó khăn. Hồi ấy, không ít người ở Sơn Nguyên ngạc nhiên về quyết định này của vợ chồng ông Long. Chuyện ngạc nhiên và cảm kích của người dân Sơn Nguyên với ông Long không dừng lại ở đấy.

 

Hơn 37 năm lập nghiệp trên vùng đất mới, cuộc sống không mấy khấm khá khiến vợ chồng ông Long không xây nổi một ngôi nhà đàng hoàng để ở. Người chị gái ông ở TP Hồ Chí Minh nhiều lần đến thăm, thấy gia cảnh em trai khó khăn, nhà cửa thấp nhỏ, lụp xụp, bà thương cảm nên đã kêu gọi con cái và trích tiền tiết kiệm của mình, giúp ông Long xây một căn nhà ngói 50m2 với hơn 80 triệu đồng.

 

Ở thôn Nguyên An này, hầu như ai cũng biết gia cảnh khó khăn của ông Long. Vợ chồng ông sinh cả thảy 7 người con, 4 trai 3 gái. Trong 4 người con trai thì có 2 người không được bình thường. Người con trai đầu Nguyễn Trung Hiếu trong những năm tháng đi bộ đội ở chiến trường K chẳng may bị thương ở đầu. Khi xuất ngũ về nhà, tâm tính thường xuyên bất ổn, hay cáu gắt vô cớ, bản thân nhiều khi mất kiểm soát. Đến nay, đã 53 tuổi mà anh Hiếu vẫn chưa lập gia đình. Còn người con trai thứ ba Nguyễn Ngọc Anh Tuấn trong ngày xuất ngũ, trên đường trở về nhà thì bị cửa xe ô tô sập xuống chấn thương ở đầu. Di chứng này khiến anh thường xuyên bị động kinh mỗi khi tiết trời thay đổi, thường đập phá đồ đạc, chửi bới mọi người… Nhìn hai con như vậy, tóc vợ chồng ông Long mỗi ngày mỗi bạc.

 

Gia cảnh khó khăn là vậy, nhưng hàng ngày ông Long vẫn dành thời gian đi làm từ thiện khiến nhiều người lấy làm ngạc nhiên. Với mức phụ cấp ít ỏi (chỉ hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, còn gần 10 năm trước hầu như không có một đồng giắt túi), vậy mà ông vẫn miệt mài với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” giúp người nghèo khó trên địa bàn. Ông tự nhủ: “Cuộc sống gia đình mình nghèo khó thật. Nhưng nhiều người vẫn còn cơ cực hơn. Nếu có thể giúp được chút gì cho ai đó thì mình sẽ cố hết sức …”.

 

Kết nối thương yêu

 

Y Vương ở thôn Nguyên Xuân, người dân tộc Chăm H’Roi - một trong những người được ông Long giúp đỡ lúc gia đình lâm nạn, bày tỏ: “Ông Long tốt lắm. Lúc nhà mình bị cháy, ổng đứng ra tích cực kêu gọi mọi người giúp đỡ. Ổng lo lắng cho mình y như người trong nhà”. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại cảm giác chứng kiến tất cả tài sản trong nhà thoáng chốc bị thiêu rụi, Y Vương vẫn còn run.

 

Hôm ấy, giữa trưa tháng bảy trời nắng như nung, cả nhà Y Vương đi rẫy. Bếp lửa nấu ăn lại đặt sát vách, trước đó gia đình Y Vương lại sơ ý không dập tắt hết lửa trước khi ra ngoài, gặp gió nam cồ thổi ào ạt, vậy là lửa bốc cháy dữ dội. Loáng chốc, căn nhà Y Vương đã bị thiêu trụi. Người trong làng chạy lên rẫy báo tin, Y Vương chân thấp chân cao chạy về, nhìn thấy nền nhà trơ trọi, Y Vương run rẩy ôm mặt. Lúc đó, ông Long và nhiều người trong làng chạy đến. Ông lập tức báo cáo lãnh đạo địa phương xin chủ trương vận động giúp Y Vương. Mì ăn liền, gạo, quần áo, mùng mền... là những thứ ban đầu mà ông Long cùng với một số người trong buôn đi vận động. Tiếp đến, ông kêu gọi thanh niên trong làng đến giúp chặt cây dựng nhà, cắt tranh để làm tấm lợp. Sáng sớm hôm sau, gác hết mọi việc riêng tư trong gia đình lại, ông Long chạy xe đến Hội Chữ thập đỏ huyện, tỉnh tiếp tục xin quần áo, vật dụng cho gia đình Y Vương.

 

Nhiều người ở xã Sơn Nguyên này bảo rằng, nếu nói về những việc ông Long đã làm cho người nghèo nơi đây có thể kể cả ngày không hết. Ví như chuyện ông Long vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ tiền xây dựng hai chiếc cầu gỗ và cầu bê tông bắc qua suối Cạn để các em nhỏ, học sinh và 80 hộ dân ở các tập đoàn 6 và 7 thuận tiện đi lại trong mùa mưa bão. Hay như chuyện ông tình nguyện khâm liệm miễn phí cho những người nghèo lúc mất, chuyện ông đi xin từng miếng ván gỗ về nhà cùng với cậu con trai hì hục đóng quan tài cho những người cùng khổ lúc mất không có tiền lo hậu sự...

 

Trong căn bếp thấp lè tè, lợp tôn nóng bức, cô con dâu út Cao Thị Hoàng Anh đang lúi húi chuẩn bị bữa trưa, quay sang chúng tôi mỉm cười hạnh phúc khi nhắc đến ba chồng: “Đi đâu tụi em cũng thấy vui khi gặp nhiều người nói, ba tụi bay được lắm, luôn lo lắng giúp đỡ cho người nghèo. Vậy là tụi em vui rồi…”. 

 

Với hoàn cảnh hết sức khó khăn, vợ bệnh nằm liệt giường hơn 2 năm nay, hai người con trai lại không được bình thường, nhưng ông Long vẫn lo nghĩ cho những người nghèo khó hơn mình. Ông kết nối với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ở TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Khánh Hòa giúp đỡ cho hàng ngàn lượt người nghèo, khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em mồ côi ở địa phương và một số địa phương trong tỉnh với tổng trị giá hơn 1,5 tỉ đồng. Ông Long là một trong những tấm gương điển hình “Dân vận khéo” của tỉnh, người cán hộ hội tiêu biểu duy nhất của Phú Yên trong phong trào thi đua yêu nước toàn quốc giai đoạn 2010-2015.

 

Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lê Thế Minh

 

NGỌC DUNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sao Việt nói không với “lưỡi bò”
Chủ Nhật, 24/07/2016 10:00 SA
SNSD, 9 năm 1 chặng đường
Chủ Nhật, 24/07/2016 09:31 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek