Thứ Hai, 14/10/2024 15:27 CH
Tống quái - nghi thức độc đáo của người Chăm H’roi
Thứ Ba, 05/07/2016 10:00 SA

Diễn viên huyện Đồng Xuân trình diễn nghi thức Tống quái tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên năm 2016 - Ảnh: TUYẾT DIỆU

Nghi thức Tống quái (xua đuổi tà ma) được tổ chức trong các lễ hội truyền thống của người Chăm H’roi trên địa bàn huyện Đồng Xuân từ bao đời nay. Kỹ thuật trình diễn độc đáo của nghi thức này tạo nên sự hấp dẫn và cuốn hút nên thường được “sân khấu hóa” ở các lễ hội văn hóa các dân tộc tỉnh Phú Yên.

 

Kỹ thut trình diễn độc đáo

 

Nghi thức Tống quái của người Chăm H’roi huyện Đồng Xuân vừa được trình diễn tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên lần IX năm 2016 (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh). Cây nêu được dựng lên là nơi để Yàng (trời) cư trú, 3 ché rượu cần đặt xung quanh cây nêu tượng trưng cho lễ vật cúng tế thần linh. Đây là hai yếu tố cần thiết trong nghi thức Tống quái được thiết kế trong không gian trình diễn. Đội múa gồm 5 diễn viên. Nhạc cụ diễn tấu đệm cho điệu múa xua đuổi tà là trống đôi và cồng ba. Dàn cồng ba giữ vai trò diễn tấu hòa âm trong suốt quá trình nghi thức diễn ra.

 

Nghệ nhân múa chính đóng vai già làng, 4 người cầm gậy đóng vai người dân trong làng trong nghi thức Tống quái. Già làng được tạo hình nổi bật. Khuôn mặt người nghệ nhân được trang điểm kỹ bằng các nét vẽ mực đen tạo ra những đường vằn trên khuôn mặt có thần thái oai nghiêm và có phần hung tợn nhằm dọa cho ma quỷ sợ hãi trong nghi thức này. Nghệ nhân đóng vai già làng thành thạo kỹ thuật sử dụng trống đôi và có kỹ thuật hình thể uyển chuyển. Ông diễn tấu trống đôi nhuần nhuyễn. Lòng bàn tay đập vào mặt trống với tần suất cao phô diễn đôi bàn tay khỏe khoắn với kỹ thuật vê - vuốt trên bề mặt trống tạo ra các tiết tấu đặc biệt cuốn hút. Say theo nhịp trống là kỹ thuật hình thể uyển chuyển.

 

Diễn viên La Mo Xuân Lĩnh, đoàn nghệ thuật dân gian huyện Đồng Xuân, đóng vai già làng trong nghi thức Tống quái tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên năm 2016, cho biết: “Tôi học sử dụng trống đôi, cồng chiêng từ năm 14 tuổi. Các nghi thức diễn tấu cồng chiêng và trình diễn trong các lễ hội của buôn làng tôi đều được học từ người lớn tuổi. Qua năm tháng, tôi biểu diễn ở các lễ hội và tham gia trình diễn tại các ngày hội văn hóa các dân tộc trong và ngoài tỉnh. Vai diễn già làng phải diễn tấu trống đôi với tiết tấu dồn dập kết hợp với các điệu nhảy và điệu múa mạnh mẽ để dọa ma. Vì vai diễn đòi hỏi phải kết hợp nhiều kỹ năng khác nhau nên có rất ít nghệ nhân người Chăm H’roi hiện nay có thể diễn tấu được vai già làng trong nghi thức Tống quái”.

 

Đội diễn viên phụ họa gồm có 4 người đóng vai người dân theo già làng trừ ma sử dụng đạo cụ là gậy tre trình diễn động tác múa gậy chủ yếu là mô tả hành động dùng gậy xua đuổi tà ma.

 

Diễn viên La Xuân Nghinh, thành viên Đoàn nghệ thuật huyện Đồng Xuân, chia sẻ: “Người diễn vai người dân sử dụng đạo cụ là gậy tre để múa phải là người nhạy cảm với nhịp điệu của dàn trống đôi, cồng ba và có kỹ thuật hình thể uyển chuyển để có thể diễn xoan và trình diễn các động tác ước lệ nghiêm trang của nghi thức Tống quái”.

 

Chị Đoàn Thị Mỹ Thoa, một người dân thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), chia sẻ: “Tôi rất thích thú khi xem trình diễn nghi thức Tống quái của đội huyện Đồng Xuân tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên năm 2016. Các động tác múa vừa cổđiển vừa hài hước tạo ra không khí hoang dã và ma mị rất độc đáo”.

 

Tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Phú Yên năm 2016, nghi thức Tống quái đã đạt giải A ở hạng mục thi Trình diễn lễ hội truyền thống.

 

Cần được bảo tồn và phát huy

 

Theo các già làng người Chăm H’roi ở huyện Đồng Xuân, nghi thức Tống quái thường được tổchức trong các dịp lễ hội lớn của đồng bào Chăm H’roi như: lễ hội đâm trâu xoay cột - nơi người dân tạ ơn trời đất, thần linh và cầu xin thần linh ban cho dân làng gặp nhiều may mắn tốt lành, tai qua nạn khỏi; lễ mừng sức khỏe hay còn gọi là lễ mừng thọ nhằm tạ ơn trời đất và thần linh đã cho con người sức khỏe, bình yên; tổchức tang ma cho người chết…

 

Già làng Sor Điền Thanh ở thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), cho biết: “Tống quái thường là nghi thức được tổchức cuối trong các nghi lễ cúng tế lớn của người Chăm H’roi chứ không tổchức riêng thành một lễ hội. Cúng Tống quái nhằm mời thần ác và xua đuổi ma quỷ ra xa khỏi người, khỏi nhà, khỏi làng…; đồng thời xin Yàng phù hộ, giúp đỡ cho cuộc sống người dân được bình an, vô sự.

 

Theo bà Lê Thị Như Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đồng Xuân, nhiều nghệ nhân người Chăm H’roi ở huyện Đồng Xuân đều công nhận kỹ thuật trình diễn của nghi thức Tống quái rất đặc sắc và độc đáo. Tuy nhiên hiện nay, các lễ hội văn hóa của người Chăm H’roi cũng đã đơn giản hóa nên nhiều nghi thức bị bỏ qua, trong đó có nghi thức Tống quái. Vì vậy, ngành Văn hóa huyện Đồng Xuân sẽ tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của nghi thức Tống quái bằng cách tham gia trình diễn tại các lễ hội văn hóa trong và ngoài tỉnh. 

 

DIỆU ANH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek