Thứ Hai, 14/10/2024 23:28 CH
Bác bảo vệ - truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Chủ Nhật, 15/05/2016 07:16 SA

- Ê! Có thấy thùng rác ở ngay trước mặt không hả? - miệng hét, mắt trừng, tay giơ cao… ý chừng như muốn cộp cho vỡ đầu người bị hét ra ngay lập tức. Những lúc như vậy, tôi không gọi “bác” mà kêu “lão”. Ghét không chịu được! Là một ông cai trường, ốm nhách với bộ dạng thiếu ăn lâu năm mà cứ làm như mình là thiên sứ bảo vệ môi trường vậy.

 

Minh họa: PV

Ấy là tôi đang kể với các bạn nỗi bực dọc của mình về bác bảo vệ trường tôi. Già rồi. Cao, gầy nên nhìn xương xẩu và lều khều lắm. Làm bảo vệ kiêm luôn tạp vụ. Nói vậy cho sang chứ công việc cụ thể là rót nước bưng trà, quét dọn các phòng học và chịu trách nhiệm đảm bảo sự sạch sẽ cho khu WC của học sinh. (Làm cho WC của học sinh sạch sẽ - việc gần như không tưởng). Nói nôm na dễ hiểu là làm bảo vệ kiêm quét rác. (Bác có thêm nghề tay trái là bấm huyệt, xoa bóp, xức dầu xức thuốc nếu học trò chúng tôi lỡ có mẻ đầu sứt trán. Ngay sau khu nội trú, bác trồng một vườn rau, vừa để ăn cho an toàn, vừa làm thuốc - bác “giải trình” vậy nếu có đứa nào hỏi).

 

Ai chẳng biết làm bảo vệ là lo trật tự an ninh cho trường học. Ngỗ ngược đánh đấm bị bác sờ gáy lôi đầu lên gặp ban giám hiệu là đúng. Có sức chơi có sức chịu, không đứa nào dám cử cẳng gì. Ghét nhất là chuyện bác “dài tay”. Nghe đâu làm năm nay nữa là về hưu rồi. Tin ấy làm tôi thấy nhẹ người. Thôi, về nghỉ ngơi đi, tuổi già sức yếu mà cứ nhặt nhạnh, quát tháo miết chịu sao thấu. Khổ lắm. Bác như người tàng hình á, cũng dòm trước ngó sau nhưng chưa thấy bác đâu thì đã bị tóm đầu. Những chuyện chúng tôi làm cứ ngỡ trời không biết đất không hay nhưng chẳng có một phi vụ nào lọt qua con mắt cú vọ của bác. Từ chuyện đi học trễ, không đóng thùng, buộc vở bằng khăn quàng, nói tục, đánh nhau, vứt rác đến trốn tiết, hút thuốc, đánh bài… đều bị bác nhéo tai kéo vô phòng gặp ban giám hiệu. Hay thiệt, xuất hiện rất đúng lúc, rất kịp thời. Cứ y như đến phút thứ 45 của tiết học thì có trống vậy, lũ chúng tôi mà bày trò quậy phá gì trong trường là bị bác tóm ót ngay.

 

Thôi, chuyện tác phong đến trường không nghiêm túc bác nhắc nhở thì cười hề hề không ý kiến. Còn chuyện vứt rác là chuyện của cờ đỏ và lớp trực tuần, căn cớ gì bác cứ rước việc vào thân cho khổ vậy - tôi hống hách nói vậy nếu bác nhắc nhở chuyện vứt rác bừa bãi. Quá lắm thì lớp rớt thi đua, giáo viên chủ nhiệm khiển trách, nặng hơn thì hạ một bậc đạo đức. Những mức kỷ luật ấy với mấy tên học trò “đàn anh” như tôi đây thì xem là chuyện nhỏ. Phiền nhất là bị bác gõ đầu, nheo nhéo ca bài xanh sạch đẹp bằng cái giọng nửa Bắc nửa Nam, nghe đau não gớm. Mà nói cho cùng, nếu đứa nào cũng bỏ rác đúng nơi quy định thì lấy đâu ra công việc cho bác. Thà mới quét sạch sẽ mà đem rác vứt thì nổi đóa cũng được, đằng này nhiều lúc mình không cố tình nhưng vì tiện tay hay nôn rồi vô ý thả nhẹ cọng rác xuống cũng bị xách tai. Mệt chưa!

 

Tôi không ưa bác, bác ấy cũng chẳng yêu gì tôi. Huề cả làng. Giữ gìn vệ sinh, nhắc nhở mấy đứa ngỗ ngược là chuyện của bác. Xả rác, la cà lêu lổng là chuyện của tôi. Vậy nhé! Nước sông không phạm vào nước giếng là được.

 

* * *

 

Chị gái mất tích không lý do. Bố mất. Mẹ mất. Chuyện xảy ra chỉ trong một tuần. Hắn thay đổi dữ dội. Có lẽ cú sốc đó quá sức chịu đựng với một chàng trai lớp 11. Hắn trở nên lầm lì và gan góc. Những buổi rỗi rãi, hắn nằm vắt vẻo trên cây ổi nếp sau nhà. Không ăn ổi bao giờ nhưng hắn thích leo lên đó. Nó là chỗ riêng của hắn, chỉ một mình. Nằm nhìn xa xa, lơ đễnh đưa tay rứt những trái ổi, không kể non già, ném ra đằng trước. Rứt ném, rứt ném… Được một lúc, hắn buông thõng hai tay, đăm chiêu nghĩ ngợi rồi nhảy phóc xuống đất.

 

Lại la cà…

 

Dù được xếp vào loại học sinh cá biệt thì mấy nàng trong lớp cũng khó lòng mà ghét hắn được. Mấy nàng vừa sợ vừa mến gọi hắn bằng biệt danh “đại ca hào hoa”. Bọn con trai thì xem hắn như thủ lĩnh, phe tóc dài thì cứ mê mệt cái nết bụi bặm, bất cần. Cũng có lý do cả. Hắn ngổ ngáo, ta đây nhưng không bức bách con trai, chẳng hiếp đáp con gái bao giờ.

 

Ngày xưa hắn chăm ngoan học giỏi nhưng từ sau cú sốc ấy, hắn trở nên hư đốn - tôi thuật lại nguyên văn lời của nàng lớp trưởng. Đến trường chỉ để nghêu ngao hát và bày trò quậy phá. Ngồi trong lớp mà mặt cứ để ngoài cửa sổ. Nhưng phải công nhận là hắn thông minh. Nhất là mấy môn tự nhiên, như là sự thông minh thiên bẩm ý. Hễ gọi tên thì thường là hắn trả lời đúng. Thầy cô nào cũng khen sáng dạ và than thở chuyện ý thức học tập lầm lạc của hắn.

 

* * *

 

- Nè Sơn! Quay lại nhặt túi ni lông vừa thả xuống đem bỏ vào thùng rác coi!

 

- Đâu hay dữ trời! Ổng mà chết chắc không ai dám vái đâu! - miệng lầm bầm nhưng vẫn quay đầu lại lượm cọng rác bỏ vô thùng.

 

Với ai thì đừng hòng hắn tuân lệnh nhưng bác Đảm thì khác. Không nên mích lòng lão phù thủy đó làm gì. Rồi chuyện gì ổng cũng đem trình với giáo viên chủ nhiệm, rồi khiển trách, rồi viết điểm điểm, rồi tìm gặp người nhà, rồi… vân vân. Phiền chết đi được! - Bác Đảm hét hô, hắn lầm lì làu bàu trong bụng.

 

- Sơn! Cổng trường là nơi tập kết rác hả? Lượm nhanh bì ni lông đó bỏ đúng nơi đúng chỗ coi. Bao bì ni lông là thứ hủy diệt con người nhanh nhất đó, có biết không? - Lại ca xanh sạch…! - Sơn đổ quạu nói như thách:

 

- Bác kiêm luôn việc dọn dẹp rác ngoài trường học hả?

 

- Nhiệm vụ của bác là bảo vệ sức khỏe chính mình, có biết rác…

 

- Đừng ca bài đó nữa, chán lắm!

 

- Giờ đứng trả treo chứ không làm hả?

 

- Nếu đó là nhiệm vụ của bác thì bác nhặt đi! - Sơn nói bằng giọng trịch thượng rồi đâm thẳng vô lớp ngồi. Bác Đảm lắc đầu rồi đi theo cái bao ni lông đang bị gió hất ra đường nhựa. Kít… tiếng xe thắng cà mạnh xuống đường…

 

Lâu nay, đứa nào toác đầu chảy máu thì bác Đảm là người nhanh tay nhanh chân sơ cứu và chuyển ra trạm xá. Hôm nay bác chảy máu thì lũ học trò chỉ biết thót tim đứng nhìn người ta đưa bác lên xe cứu thương.

 

Trường có bảo vệ mới. Công việc là đánh trống, xách tai những đứa bợm bãi. Chuyện quét dọn có lớp trực tuần lo. Không còn nghe tiếng oai oái kêu đem rác bỏ vào thùng, không còn nghe bài ca xanh sạch… Buồn, cảm giác bị giằng xé thật không dễ chịu… Cũng từ đó, Sơn chịu học.

 

Trường tổ chức hoạt động ngoại khóa. Lớp 11A được khen ngợi vì ý tưởng trình diễn thời trang từ rác của Sơn. Buổi biểu diễn thành công. Hiệu ứng của nó thật tốt. Mấy đứa không tiện tay vứt ném giấy, rác lung tung nữa. “Đại ca hào hoa” đi đầu trong việc bỏ rác đúng nơi quy định thì đứa nào dám tùy tiện ném vứt nữa! - Mấy nàng kẹp tóc thỏ thẻ với nhau như thế.

 

- Có đứa nào biết tình hình bác Đảm không?

 

- Chấn thương sọ não nặng. Liệt nửa người rồi!

 

Mấy đứa trong lớp hỏi han nhau về tình hình sức khỏe của bác Đảm sau tai nạn. Thằng Sơn im lặng lắng nghe.

 

* * *

 

Tôi quyết địnhphục sinhmình. Tuân thủ giờ giấc, nội quy trường lớp. Đi học thì chăm chú nghe giảng, về nhà ôn luyện không ngừng. Kiên trì học, nhẫn nại rèn luyện, quyết tâm sáng tạo. Với tôi bây giờ, niềm vui lớn nhất là tìm tòi, suy ngẫm…

 

Tôi tham gia cuộc thi Học sinh sáng tạo khoa học kỹ thuật của trường, sản phẩm máy nhặt rác làm từ đồ phế thải được chọn đi thi cấp tỉnh rồi cấp quốc gia. Tôi mừng lắm. Niềm vui vỡ òa khi sản phẩm đó đoạt giải nhất. Chị phóng viên hỏi ý tưởng sản phẩm bắt nguồn từ đâu, tôi khai thật: Có lần ta tập sau vườn trường chơi bời về muộn. Trưa nắng chang chang, nhìn thấy bác Đảm cầm chiếc gậy dài, trên đầu có gắn cái dao nhọn. Bác cắm phập chiếc gậy có gắn dao xuống đất để lấy rác lên. (Bác bị đau cột sống nên không cúi xuống nhặt rác được). Khi trường phát động cuộc thi, tôi nhớ ngay đến cây gậy nhặt rác của bác... 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek