Thứ Ba, 08/10/2024 21:51 CH
Nhà rông - biểu tượng tinh thần của người Ba Na
Thứ Ba, 10/05/2016 10:07 SA

Nhà rông văn hóa dân tộc Ba Na ở thôn Phú Lợi (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) - Ảnh: L.MINH

Về với buôn làng ở miền núi Phú Yên, điều dễ nhận thấy và thích thú là được ngắm nhìn những ngôi nhà sàn nhấp nhô, chạy dọc dài trên những triền núi. Người Ba Na tự hào vì đã sáng tạo một ngôi nhà với kiến trúc độc đáo, đó là những ngôi nhà rông sừng sững, cao vút được dựng lên giữa làng, thách thức với mưa to gió lớn.

 

Theo già làng Ma Nghĩa, nguyên Bí thư Đảng ủy xã vùng cao Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), nhà ở, nhà sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc sống trên dãy Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung, các dân tộc thiểu số Phú Yên nói riêng đều có lối kiến trúc đặc trưng, thích ứng với thiên nhiên và điều kiện sống của dân tộc mình. Nhà rông là một di sản vật thể về kiến trúc do người Ba Na sáng tạo không lẫn lộn với bất cứ dân tộc nào. Ma Nghĩa dẫn giải: “Thời nay, cái mà người ta thường gọi nhà rông văn hóa là để chỉ nhà sinh hoạt cộng đồng thuộc buôn làng. Mỗi nơi làm một kiểu. Có nơi nhà được làm theo kiểu mái tranh, vách gỗ, sàn liếp lồ ô; có nơi nhà được làm sàn và vách bằng gỗ, mái ngói; có nơi nhà được làm với mái tôn, sàn vách bê tông cốt thép… Nhưng tựu trung đều có chức năng chung là nơi sinh hoạt của dân làng”. Nhà rông Ba Na được dựng nên cũng nhằm mục đích đó. Song công trình nhà rông được người Ba Na tự hào, coi nó là biểu tượng tinh thần, nơi lưu giữ “linh hồn” của dân tộc mình bởi lối kiến trúc quyện với quan niệm tâm linh trong quá trình tạo dựng.

 

Ngày xưa, một ngôi nhà rông được xây dựng tốn nhiều công sức của dân làng. Họ phải làm sao cho mái nhà rông vươn lên thật cao, cao vút như muốn chọc thủng tới các mảng mây xanh. Đứng ở những góc nhìn khác nhau, mái nhà rông giống như một mũi mác vững chãi; như một cánh buồm no gió giữa đại dương; một lưỡi rìu khổng lồ đủ sức quật ngã mọi cây cối của đại ngàn. Làm một ngôi nhà rông thời ấy to lớn, vững chãi và đẹp đẽ mà nguyên vật liệu chỉ có ở rừng (cây, mây, tranh, tre, nứa lá). Công cụ thực hiện lại hết sức thô sơ. Khi xây dựng xong nhà to rộng, mái cao vút, uy thế và sức hợp quần của dân làng càng lớn mạnh.

 

Theo già làng La O Tý, nguyên Trưởng thôn Phú Lợi, xã Phú Mỡ, thời nay làm nhà rông có cái cưa, cái đục, cái bào bằng máy. Thời trước để làm nên cái nhà rông phải huy động tối đa công sức của dân làng. Từ khi bắt tay xây dựng đến lúc hoàn thành độ hơn 5 tháng, nhưng việc đốn cây lấy gỗ và các vật liệu xây cất phải chuẩn bị tới 3 năm.

 

Già làng La O Tý kể: “Mỗi ngày, hơn chục trai làng thay nhau khiêng vác, vượt qua nhiều suối sâu, đèo cao để đưa được một cây về nơi tập kết. 10 cây cột cái, vành thước rưỡi là những cây lõi ké, lõi muồng chết rục được lấy từ rừng làng Ma Lươm cách trung tâm thôn chừng vài chục rựa (khoảng 20km) đường rừng. Một cây to cả người ôm, qua nhiều lần đẽo gọt, cùn mòn vài ba lớp rìu mới thành cột. Công cụ làm nhà chỉ có rìu, rựa, dao bảy, dao ba…, khom lưng mà đẽo, khất ngàm, bện mây. Hai mái nhà rông cao vút lợp toàn tranh săng. Tranh giũ sạch lá, lấy toàn cọng, lợp duyệt (dày đường mè) nhưng được cái 10 năm sau mới lợp lại. Nhà rông xây dựng xong, dân tin làng đã có Yàng ngự trị, già làng tổ chức lễ ăn mừng trong 3 ngày đêm liền”.

 

Theo ông La Văn Lung, già làng thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, nhà rông Ba Na có chức năng xã hội rất quan trọng. Đó là nơi tụ họp để quyết định những vấn đề hệ trọng, sống còn của dân làng. Ở đó, già làng đưa ra những quyết sách cần thiết cho bà con bàn thảo như: ngày bắt đầu mùa phát rừng làm nương rẫy; phán quyết thi hành những vi phạm luật tục, tập quán; hòa giải những xích mích, va chạm giữa các thành viên trong làng...

 

Nhàrông Ba Na, nơi con trai chưa vợ, đàn ông góa vợ tới ngủ ban đêm. Nơi mọi người được nghe già làng, nghệ nhân kể chuyện, truyền bảo về chiến công bám đất, giữ làng; nghe hát khan về đạo lý, cách ứng xử giữa người với người; truyền dạy, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc…

 

Dù trải qua bao biến thiên nhưng trong tâm tưởng người Ba Na, nhà rông vẫn là nơi lưu giữ các giá trị tinh thần, nơi tổ chức đời sống vật chất và tinh thần, nơi in đậm bản sắc để dân tộc Ba Na tồn tại và phát triển từ bao đời nay.

 

MẠNH MINH TÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek