Chủ Nhật, 06/10/2024 19:30 CH
Nhà thơ Văn Công và “Một chặng đường thơ”
Chủ Nhật, 05/08/2007 14:00 CH

Nhà thơ Văn Công là một trong những gương mặt quen thuộc của nền thơ cách mạng miền Nam từ nửa thế kỷ nay, mặc dù suốt đời ông vẫn xem mình là một chiến sĩ cách mạng hơn là một nhà thơ. Tác phẩm của Văn Công luôn song hành cùng những chặng đường cách mạng. Đọc Một chặng đường thơ, người ta có thể thấy rõ cuộc đời cách mạng - nghệ sĩ đầy sôi động của ông.

 

070804-Van-cong.jpgVăn Công tên thật là Cao Xuân Thiêm, được sinh ra ở Nghệ An, mảnh đất có bề dày văn học, lại là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng. Chứng kiến nỗi nhục mất nước, với bầu máu nóng sục sôi, Văn Công hăêng hái lên đường Tìm cuộc sống (1943):

 

Không thể khoanh tay ngồi xó bếp

Nhìn đau thương bao phủ mái đầu xanh

 (…) Ta đi tìm chân trời rộng mở

Tìm hương thơm muôn thuở viết bài ca

 

Cũng như nhiều đấng nam nhi khác của thời đại, chàng trai trẻ Cao Xuân Thiêm đã dấn thân vào phương Nam xa xôi để tìm lẽ sống. Đó là hành trình gian khổ, là con đường chông gai chỉ dành cho những ai có chí lớn. Có những lúc phải Ngủ bên hè phố nhưng vẫn thả hồn mơ tới một chân trời mới lạ:

 

Nằm ngủ trên hè phố thảnh thơi

Buông tầm mắt biếc ngó chân trời

Chùm sao Bắc Đẩu vời tay vẫy

Vùng dậy mà đi kẻo sáng rồi

 

Đó là lúc phong trào cách mạng đã bừng lên soi rọi vào những cuộc đời nghèo khổ. Rồi Cách mạng tháng Tám nổ ra. Văn Công theo đoàn quân Nam Tiến vào tới Phú Yên, giới tuyến của Việt Minh và Pháp lúc bấy giờ. Mảnh đất tươi đẹp và giàu tình nghĩa này đã làm rung động tâm hồn của người chiến sĩ trẻ tuổi trong những buổi Hành quân (1947):

 

Hạt sương lạnh rung rinh đầu ngọn cỏ

Trắng long lanh đùa nắng sớm đu đưa

Hoa phong lan mỉm cười duyên rộ nở

Ngát hương rừng dòng suối ngọt ngâm thơ

 

 (…) Chia củ sắn lùi, cắn đôi hạt muối

Ăn lót lòng truyền hơi ấm cho nhau

Vinh dự nào được làm anh bộ đội

Dưới trời xanh sao sáng rọi trên đầu

 

Những tưởng chỉ chiến đấu ở nơi đây một thời gian ngắn rồi về quê hương, nào ngờ chiến tranh cứ tiếp diễn và miền đất nghĩa tình này đã giữ chân Văn Công đến suốt đời.

 

Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, Văn Công là cán bộ dân vận, đôi chân săn chắc của ông rong ruổi khắp các buôn làng ở miền tây Phú Yên và Tây Nguyên. Năm 1954, ông sơ kết chặng đường gian khổ ấy trong bài Hát tiếp bài ca:

 

Chín năm kháng chiến trường kỳ

Chín năm gian khổ dạn dày gió sương

Ngược xuôi qua mọi nẻo đường

Ba lô, dép lốp núi rừng xông pha.

 

Sau khi hiệp định Giơnevơ ký kết, ông tiễn các đồng chí lên tàu đi tập kết ra Bắc, còn mình trở lại núi rừng tiếp tục hoạt động bí mật. Họ hẹn hai năm sau gặp lại, nào ngờ đất nước tiếp tục bị chia cắt lâu dài. Trong khi các cán bộ tập kết quặn lòng nhớ miền Nam trong từng bữa ăn giấc ngủ; thì ở trong Nam, Văn Công cũng nhớ quê hương miền Bắc trong từng giấc ngủ bữa ăn. Bởi vậy, hình ảnh Phú Yên - Nghệ An thường trở thành nỗi ám ảnh trong thơ ông:

 

Thấy Đà Rằng tưởng Lam Giang trước mắt

Thấy Chóp Chài ngỡ đỉnh Hồng Sơn

 (…) Tiếng tôi hát sẽ vơi niềm cay đắng

Tưởng Bắc Nam sẽ đoàn tụ một nhà.

(Tuy Hòa mến yêu - 1957)

 

Trong giai đoạn đau thương này, Văn Công làm thơ rất nhiều, trong đó có bài Người cộng sản (1958) được lấy làm tên cho cả tập thơ in chung xuất bản ở Pháp năm 1968. Ông đoạt giải Nhất thơ trên Báo Thống Nhất, giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965)… Có ai hay rằng, tác giả của những bài thơ nổi tiếng này đang đóng vai một người dân tộc thiểu số sống trên núi rừng Phú Yên: “Bảy năm quấn chiếc khố tời / Bảy năm râu mọc tóc dài cải trang”(Chiếc khố tời - 1959). Ông cũng không dám lập gia đình vì sợ ảnh hưởng tới công tác cách mạng. Đến khi nhiều bạn bè cùng lứa trở thành  ông ngoại đã lâu, Văn Công mới bắt đầu làm cha:

 

Ba đi suốt cả một thời

Bốn lăm tuổi sương sa dày đôi mái

Bốn lăm tuổi mới sinh nàng con gái

Tuổi xế chiều chập chững biết làm cha !

 

Bạn hỏi tôi sao anh để muộn mà

Chuyện dể hiểu – hai bảy năm chinh chiến

Hai bảy năm lời thề chưa trọn vẹn

Có lúc nào ngồi suy tính chuyện riêng tư.

(Đặt tên con - 1972)

 

Trên quê hương thứ hai của mình, Văn Công hăng say tham gia công tác cách mạng. Ông từng làm Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa, mảnh đất đã gắn bó với ông suốt một thời gian khó, rồi làm Phó Chủ tịch, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh. Bận bịu với nhiều công việc hành chính, Văn Công vẫn làm thơ để ghi nhớ các chặng đường cách mạng của mình. Sau khi trao công việc lại cho thế hệ trẻ, Văn Công về hưu, khép lại một thời sôi động và tiếp tục duyên nợ với thơ.

 

Giờ đây, Văn Công chuyên tâm viết hồi ký để ghi lại một thời đấu tranh gian khổ, để trả nghĩa đồng bào, đồng chí. Tuổi cao nhưng ông vẫn Say nàng thơ như thuở thanh niên:

 

Đời không thể thiếu thơ

Nếu thiếu thơ làm sao vượt qua sóng gió

Thời đạn bom xương rơi máu đổ

Nhờ có thơ mà thanh thản cuộc đời.

 

(Đọc tập thơ Một chặng đường thơ của Văn Công - NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh)

PHẠM NGỌC HIỀN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Khi nhà văn “chơi” web
Thứ Bảy, 04/08/2007 14:00 CH
Rihanna - Diva mới của dòng nhạc R&B
Thứ Bảy, 04/08/2007 07:33 SA
Truyện ngắn không biến mất
Thứ Sáu, 03/08/2007 10:06 SA
Con đường âm nhạc tháng 8
Thứ Năm, 02/08/2007 07:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek