Thứ Ba, 15/10/2024 17:22 CH
Dòng sông quê ngoại
Thứ Tư, 10/02/2016 09:00 SA

Một góc sông Ba - Ảnh: N.LƯU

Sông Đà Rằng dài đến 374km chảy qua hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum trên Tây Nguyên trước khi đổ dốc xuôi về tỉnh Phú Yên, người Phú Yên ta gọi là Đà Rằng, còn ở phần thượng lưu thì gọi là sông Ba. Tên Đà Rằng xuất phát từ tên Ea Drang của người Chàm cổ, có nghĩa là “dòng sông lau sậy”. Đó là những kiến thức mà mãi sau này được học địa lý và đọc nhiều thông tin tôi mới có được. Còn ngày trước, khi học cấp hai, anh em chúng tôi luôn tự hào rằng chỉ ở quê ngoại mình mới có một con sông đẹp, hiền hòa và nhiều kỷ niệm đến thế. Dòng sông của tuổi thơ ấy đã theo chúng tôi đi khắp các nẻo đường lang bạt khi lớn lên, và con sông đã theo vào cả trong những giấc mơ ở xa vạn dặm.

 

Dòng nước trong veo, thong thả chảy xuôi ra biển giữa hai bãi cát rộng xa tít tầm mắt, chia đôi địa phận mà theo ngoại tôi thì ngày xưa, thời Việt Minh, người ta gọi bên này sông, nơi của quê ngoại ở xã Hòa Thắng thuộc Tuy Hòa 2, còn bên kia sông nhìn thăm thẳm một lũy tre làng dày đặc là Tuy Hòa 1. Thời đó, những chuyến đò ngang thường đưa bộ đội qua sông về chiến khu 1. Đò ngang vẫn qua lại trên sông hàng chục năm sau hiệp định đình chiến, trong giấc ngủ trẻ thơ tôi vẫn thường nghe tiếng gọi đò lảnh lót giữa đêm khuya vắng.

 

Lớp trẻ chúng tôi không biết soi dưa có tự bao giờ. Hàng năm, cứ sau mỗi mùa lụt, con sông lại nắn dòng một cách tự nhiên, lúc thì dòng nước chảy sát bờ bên này, lúc lại chảy xuyên về bãi bên kia, thế mà dân làng vẫn xác định được soi dưa của mỗi nhà, từ đời này sang đời khác. Soi dưa của người dân thôn Phú Lộc (quê ngoại) ở bên kia sông trồng dưa hấu, dưa gang, mướp và bí ngô. Để trồng dưa, người ta phải đào sâu hơn một thước cát, đến lớp phù sa màu mỡ mới đặt hạt. Những mầm non trồi lên rồi bò dài trên cát. Chỉ sau một thời gian, cả bãi sông mênh mông, tít tắp một màu xanh lá đan kín mặt cát và rực rỡ các loại hoa vàng, ong bướm nhiều màu sắc kéo nhau về thụ phấn, bãi sông trở nên sinh động lạ thường! Mỗi chủ soi có một cái chòi giữ dưa bằng khung tre, vách và mái đều được che, lợp bằng những tấm rạ đan theo kiểu đánh tranh. Không gì thú vị bằng đêm đêm chèo ghe qua sông ngủ trong chòi để canh soi, chúng tôi thường dẫn theo một con chó và một con mèo, chúng rất nhanh nhẹn, cứ ra đến bến là chúng nhảy lên trước, đúng ghe của nhà mình. Chúng tôi trải chiếu trên nền cát, nằm trong chòi với cây đèn hột vịt học bài hoặc đọc truyện, nghe gió rì rầm ngoài bãi sông len vào vách trống mát rượi, trong lúc hai con vật nuôi thân thương xuyên vào màn đêm đi săn chuột và chiến đấu quyết liệt khi có kẻ trộm dưa. Sắp vào mùa thu hoạch, trái nằm ngổn ngang trên đám như lũ heo con, da láng bóng căng tròn dưới ánh mặt trời ban ngày hoặc phản chiếu ánh trăng vào những đêm trăng sáng, trông ngộ nghĩnh và thú vị vô cùng! Rồi những chiếc ghe lặc lè sang sông chở đầy dưa, bí các loại, cảnh gánh gồng nhộn nhịp và tấp nập thương lái mua gom, đưa hàng của bãi sông đi đến nhiều tỉnh xa bán trong các phiên chợ tết. Những buổi trưa, lũ trẻ không ngủ, rủ nhau ra sông thi bơi hoặc chơi trò ném dưa chìm xuống đáy nước, rồi thi nhau lặn tìm bắt được vừa bơi vừa ăn..., tiếng hò reo vang dậy cả khúc sông. Ngày ấy, nước sông trong veo với độ sâu hơn hai mét nước mà vẫn nhìn thấy đáy, lũ trẻ chúng tôi thường uống nước sông mát ngọt như nước giếng! Những đêm trăng, bãi sông là nơi thanh niên của vùng quê có truyền thống thượng võ tổ chức thi thố võ nghệ hoặc túm tụm nghe người lớn tuổi kể chuyện đời xưa.

 

Ngày đó cùng học với chúng tôi ở Trường trung học Văn Minh (gần chợ Phong Niên) có mấy bạn từ khu 1 sang trọ học, thứ bảy hàng tuần nhóm chúng tôi thường chèo thuyền đưa các bạn sang sông. Cho đến mùa hè cuối năm đệ tứ (lớp 9 bây giờ), trái tim bắt đầu biết rung cảm trước một chiếc lá rơi nghiêng trên mặt nước thì cũng là lúc tôi tiễn một người bạn gái qua sông. Tôi đi thêm một đoạn rất xa nữa mới dừng lại, nhìn theo bóng dáng em với chiếc áo trắng học trò bước đi liêu xiêu trên cát nóng xa mãi, xa mãi; bóng em nhỏ dần rồi mất hút sau lũy tre làng mà tôi chưa đến đó bao giờ! Lòng cứ lâng lâng một cảm giác rất lạ, đêm nằm trong chòi giữ dưa, dưới ánh đèn hột vịt cặm cụi chép lại bài thơ thất ngôn bát cú mà thầy dạy Văn đã cho học thuộc lòng:

 

“Thức trắng đêm nay viết trắng giòng

Gửi người áo trắng cách bên sông

Đường về bên ấy qua cầu trắng

Sông trắng thuyền trôi, nước trắng trong

Nhà nàng có một vườn hoa trắng

Bướm trắng đua nhau đến vẽ vòng

Em gái từng cô lòng gợn trắng

Da người trong trắng mắt người trong”.

 

Những năm tháng thanh bình của làng quê bên sông Đà Rằng qua mau, chiến tranh tràn đến, dòng sông nhuốm máu! Trai làng ra đi hầu hết, người lên rừng kháng chiến, kẻ đi lính Sài Gòn, đêm đêm bom, pháo rền vang. Bãi sông buồn hiu hắt! Nhưng dòng sông vẫn âm thầm đưa nước về tưới cho hơn 20.000ha của cánh đồng Tuy Hòa, và người dân hiền hòa, chất phác ở hai bên bờ sông vẫn cần cù bám ruộng, giữ làng để cho một vùng nông nghiệp trù phú nhất miền Trung.

 

Chiến tranh đi qua, thanh bình trở lại với dòng sông. Những người con của đất Phú đi xa đã mỏi, quay về thăm lại quê hương núi Nhạn, sông Đà nay nhiều thay đổi, cầu Đà Rằng mới rộng, dài tấp nập xe cộ vào ra, thành phố đàng hoàng to đẹp hơn xưa. Máy móc nông nghiệp, phương tiện vận chuyển đã thay thế sức người, đồng lúa Tuy Hòa đạt trên 12 tấn/ha. Thời gian nông nhàn trong năm dài ra, trai, gái làng về thành phố tìm việc làm sau mùa vụ nhưng không dễ dàng lắm! Bên cạnh đó, văn minh đô thị tràn về nông thôn một cách nửa vời làm biến đổi cảnh quan làng quê, lũy tre xanh mất dần, karaoke đầu trên xóm dưới mở hết công suất không giờ giấc... Công việc đã khác, đời sống đã khác và các trò vui cũng đã đổi thay!

 

Cuộc sống và công việc đưa tôi bôn ba đây đó khắp nơi, hành trang cứ đầy lên mãi những kỷ niệm trong đời. Nhưng dòng sông quê ngoại vẫn như nguồn cội nuôi tôi khôn lớn trong những năm đầu đời, như cái gốc cho mình trưởng thành đi xa. Những kỷ niệm êm đềm về dòng sông quê ngoại đã in sâu vào ký ức tôi, mãi mãi…

 

HOÀNG NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tìm lại một thời thơ Phú Yên
Chủ Nhật, 14/02/2016 11:00 SA
Dấu xưa
Thứ Bảy, 13/02/2016 18:00 CH
Hào khí Tây Sơn trong tiếng trống oai hùng
Thứ Bảy, 13/02/2016 13:00 CH
Lối xưa xe ngựa
Thứ Sáu, 12/02/2016 14:00 CH
“Cây kéo vàng” sắc xuân
Thứ Sáu, 12/02/2016 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek