Thứ Sáu, 11/10/2024 07:23 SA
Hào khí Tây Sơn trong tiếng trống oai hùng
Thứ Bảy, 13/02/2016 13:00 CH

Trống trận Tây Sơn - Ảnh: PV

Tương truyền rằng trên những chặng đường đánh đuổi quân xâm lược, người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ đã sử dụng dàn trống 12 chiếc làm hiệu lệnh, cổ vũ tinh thần chiến đấu của ba quân. Trải qua bao thăng trầm, tiếng trống gắn liền với những chiến công hiển hách của Tây Sơn tam kiệt, trong đó có chiến thắng Ngọc Hồi - Ðống Ða lừng lẫy, vẫn được người dân gìn giữ, trở thành một biểu tượng văn hóa của đất võ Bình Ðịnh.

 

Phóng viên Báo Phú Yên đã phỏng vấn nhạc sĩ - Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Gia Thiện, Giám đốc Nhà hát Tuồng Ðào Tấn - người có rất nhiều năm gắn bó với trống trận Tây Sơn, về loại hình nghệ thuật đặc biệt này.

 

HÀO KHÍ TÂY SƠN

 

* Thưa nhạc sĩ Nguyễn Gia Thiện, theo các tài liệu, trống trận Tây Sơn gồm 12 trống tượng trưng thập nhị địa chi với những thang âm khác nhau. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về điều này?

 

- Tương truyền rằng ý tưởng về dàn 12 trống là của vua Quang Trung, để khích lệ tinh thần chiến đấu của ba quân. Từ 3 trống phát triển lên 6 trống rồi 12 trống. Con số 12 trống không chỉ tượng trưng cho 12 con giáp mà còn tượng trưng cho 12 giờ trong một ngày, 12 tháng trong một năm. Tại sao người ta không bố trí nhiều trống hơn nữa trong một dàn trống? Vì số 12 là con số linh thiêng đối với người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng.

 

Trống trận Tây Sơn gồm bốn phần là Hợp quân, Hành quân, Xung trận phá thành và Khải hoàn. Nghệ thuật diễn tấu 12 trống rất công phu, người biểu diễn phải múa dùi trống như các bộ võ, có lúc phải trở ngược dùi để đánh. Điều đặc biệt nữa là trong khuôn nhịp kết bài phải gõ đủ 12 tiếng trên 12 trống. Đây là kỹ thuật rất khó, không phải ai học cũng trình diễn được.

 

* Có ý kiến cho rằng trống không có giai điệu, chủ yếu là giữ nhịp cho dàn nhạc. Vậy mà ở trống trận Tây Sơn, giai điệu lại rất rõ nét.

 

- Thực ra thì trống có giai điệu đấy chứ. Một cái trống cũng có nhiều âm sắc, ví dụ: tùng, tang, rụp, cắc… Dàn 12 trống càng có nhiều giai điệu hơn, có trầm có bổng. Trong bài diễn tấu 12 trống, tiết tấu, giai điệu càng phong phú, khi xuất quân thì hân hoan khí thế, lúc vây thành, phá thành thì mạnh mẽ hùng tráng, và khi ca khúc khải hoàn thì trang nghiêm song không kém phần vui tươi. Như vậy, trống có giai điệu, chính nhờ giai điệu mà trống có sức hấp dẫn người nghe.

 

* Nhạc sĩ nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng trống trận Tây Sơn có nhiều nét tương đồng và liên quan mật thiết với nhạc tuồng, nhạc bài chòi?

 

- Thực ra thì trống trận Tây Sơn gần gũi với nhạc tuồng nhiều hơn. Bởi vì trống trận và nhạc tuồng đều xuất phát từ nhạc tế lễ. Trống trận Tây Sơn và nhạc tuồng gắn bó mật thiết với nhau, có nhiều điểm giống nhau khi thể hiện tính chiến đấu; còn bài chòi sử dụng trống rất ít, để giữ nhịp cho người hát. Chính vì thế, có thể nói trống trận Tây Sơn gắn bó với nghệ thuật tuồng nhiều hơn là với bài chòi.

 

ĐƯA TIẾNG TRỐNG VANG XA

 

Nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Gia Thiện - Ảnh: VIỆT PHƯƠNG

* Trống trận Tây Sơn như một loại hình nghệ thuật đặc biệt, có sự cộng hưởng giữa yếu tố quân sự và âm nhạc dựa trên nền âm nhạc cổ truyền. Phải chăng vì vậy mà trống trận Tây Sơn trở thành một biểu tượng văn hóa của đất võ Bình Định, thưa nhạc sĩ?

 

- Ngoài Bình Định, không một nơi nào trên đất nước Việt Nam có dàn 12 trống, và không một nơi nào trên đất nước Việt Nam diễn tả những trận đánh oai hùng, có voi gầm ngựa phi qua bài trống. Trống trận Tây Sơn vừa thể hiện tinh thần thượng võ, vừa thể hiện tính nhân văn. Đặc biệt, trong cách diễn tấu 12 trống, nghệ sĩ còn tôn vinh võ thuật. Nếu đi sâu nghiên cứu sẽ thấy nhạc võ và võ nhạc của đất Tây Sơn rất phong phú. Bình Định là đất võ trời văn; trống trận Tây Sơn là một trong những biểu tượng của đất võ Bình Định.

 

* Tiếng trống Tây Sơn đã đi vào những tác phẩm mang hơi thở đương đại của ông như thế nào?

 

- Tôi rất say mê nhạc võ Tây Sơn. Khi mới tốt nghiệp, tôi theo thầy Văn Bá Anh và được thầy truyền dạy cách diễn tấu bài trống này. Nghệ sĩ Ưu tú Văn Bá Anh là người Phù Mỹ, không phải ở đất Tây Sơn, nhưng đất Phù Mỹ cũng có dàn 12 trống nổi tiếng. Tôi đoán là khi nhà Nguyễn truy sát nhà Tây Sơn, một số nghệ nhân đã về Phù Mỹ lánh nạn và truyền dạy bài trống trận này… Về sau, khi được học sáng tác, tôi nghĩ mình sáng tác âm nhạc mà không phát huy được một biểu tượng văn hóa của Bình Định thì rất thiếu sót. Thế nên, tôi đã sáng tác một số tác phẩm khai thác âm sắc, tiết tấu của trống trận Tây Sơn như “Hào khí Tây Sơn”, “Vượt qua giông bão”, “Những chàng trai Tây Sơn”, “Mênh mang vó ngựa cung đàn”… Tôi nghĩ mình đã đi đúng hướng, sáng tác dựa trên âm nhạc cổ truyền của một vùng miền, đồng thời góp phần vào việc quảng bá, phát triển trống trận Tây Sơn.

 

* Xin cảm ơn nhạc sĩ!

 

VIỆT PHƯƠNG (thực hiện) 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Dấu xưa
Thứ Bảy, 13/02/2016 18:00 CH
Lối xưa xe ngựa
Thứ Sáu, 12/02/2016 14:00 CH
Về nơi thờ tự vị Thống soái đất Phú
Thứ Tư, 10/02/2016 11:00 SA
Tân Hội Xưa
Thứ Hai, 08/02/2016 11:00 SA
Câu đối Tết
Thứ Hai, 08/02/2016 07:00 SA
Hơn 1.000 học sinh tham gia
Thứ Hai, 01/02/2016 07:53 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek