Thứ Sáu, 11/10/2024 09:26 SA
Giữa mùa tuyết trắng mơ tết “hoa vàng - cỏ xanh”
Thứ Bảy, 13/02/2016 11:00 SA

Ảnh: TRUNG UYÊN

“Tết sắp đến rồi đấy, nếu giờ này đang ở Việt Nam thì sẽ làm gì nhỉ?” - câu hỏi ngỡ bâng quơ của bạn giữa mùa đông nước Đức lạnh giá - như thể hé mở cả bầu trời kỷ niệm trong lòng cả kẻ hỏi lẫn người nghe.

 

Mặc kệ bên ngoài lớp kính cửa sổ là đất trời trắng xóa tuyết như muốn hòa làm một, mặc kệ những hàng cây trơ trụi lá “ngủ đông” và tiếng chim xao xác, những ngày tết xưa cũ vẫn cứ hôi hổi tràn về làm nôn nao cả tâm hồn.

 

Ừ thì nếu giờ này đang ở quê nhà thì chắc ngày vài bận đi dạo chợ hoa nơi trung tâm thành phố. Ghiền cái chợ hoa ấy không chỉ bởi bao hương sắc nảy nở từ những bàn tay cần cù - khéo léo mà còn ghiền bởi phút tình cờ gặp lại bạn học xưa - thầy cô cũ, và nhất là bởi những gương mặt xứ nẫu buồn - vui; hớn hở - âu lo theo mỗi nhịp điệu bán - mua, mưa - nắng.

 

Hoa này cho mẹ, hoa này cho cha, hoa này cho dì, còn hoa này cho anh, cho chị, cho em gái nhỏ nhé… Mỗi chậu hoa được hối hả chở về, cẩn thận đặt nơi sân nhà - là ẩn ý cho bao ước vọng về một năm mới an vui, may mắn.

 

Đi giữa “rừng” hương sắc tràn trề nhựa sống, giữa bao tiếng nói cười - mặc cả rộn rã ấy - bảo sao lòng không hân hoan cho được.

 

Những ngày tháng 2 lạnh giá, tuyết trắng xóa nơi nước Đức càng dễ khiến nỗi nhớ thương cái ấm áp, hân hoan của ngày tết nơi quê hương xâm chiếm nhiều tâm hồn Việt - Ảnh: TRUNG UYÊN

 

Ừ thì nếu giờ này đang ở quê nhà thì chắc sẽ ngồi bên nồi bánh tổ hít hà mùi nếp, mùi gừng; để một lần nữa nghe dì tỉ tê về ý nghĩa ngưỡng vọng tổ tiên của món bánh mộc mạc ấy, về những cái tết xưa lắc lơ có hình bóng ông ngoại - bà ngoại của mình vun vén. Bao cái tết rồi dì vẫn nấu món bánh ấy với tất cả tỉ mỉ, cẩn trọng. Bánh ngon có lẽ không chỉ bởi gừng cay - nếp dẻo, bởi bàn tay thành thục mà còn bởi gói ghém trọn tấm lòng thành.

 

Ừ thì nếu giờ này đang ở quê nhà thì chắc sẽ hồi hộp đứng nơi ban công đợi phút giao thừa, đợi cơn mưa pháo hoa tuôn rơi từ ngọn tháp cổ, và đợi cả tuổi mới. Đó chắc chắn cũng là giây phút đẹp nhất để thầm thì những ước nguyện trong hành trình mới!

 

Ừ thì nếu giờ này đang ở quê nhà thì chắc sẽ đi lễ chùa, thầm thì cầu chúc an vui cho những người thương yêu. Mọi âu lo xin ký gửi cả vào năm cũ. Ngày đầu năm nhớ chỉ dành cho những vẹn tròn thôi nhé!

 

Dẫu biết càng nhắc tết thì sẽ càng… thèm tết, vậy mà không thể tự ngăn mình kể bạn nghe bao điều về cái tết nơi xứ sở “hoa vàng - cỏ xanh”. Bạn có tin rằng bạn sẽ bị nơi ấy “bỏ bùa” một cách từ từ khi đôi chân bạn líu ríu giữa cánh đồng lúa non mướt mát, khi đôi mắt bạn chan chứa dáng vóc biển trời - núi sông tươi đẹp, khi tâm hồn bạn gặp gỡ những tâm hồn xứ nẫu luôn tươi màu hy vọng - màu mến thương - dẫu gian khó cuộc đời bủa vây,…

 

Tháng Giêng của người nơi quê nhà hẳn thật sự “ngon như một cặp môi gần” (*), còn tháng Giêng của người tha hương nơi trời Âu là những phút giây lần tìm về những ngày tết cũ. Những lúc đi bộ trong tuyết rơi dày, lòng chẳng ước gì hơn cái nắng ấm ngày xuân nơi quê nhà, những sắc mai - sắc đào ướp hương đất trời, hay bữa cơm gia đình ngày tết rôm rả.

 

Tờ lịch nước Đức vốn chẳng có ngày âm, vậy nên từ đầu tháng Chạp đã cẩn thận đánh dấu 29 tết, mùng 1 tết… Giờ của Đức sau giờ Việt Nam 6 tiếng, nhớ quy đổi để kịp gọi điện thoại chúc tết gia đình ngay phút đầu năm mới và hẹn nhau cái tết khác sum vầy.

 

Thật ra, du học sinh Việt cũng có kiểu vui tết riêng, đúng tinh thần “ăn nhanh - dẹp gọn” bởi còn một mùa có tính “sát thương tâm hồn” hơn cả mùa tết - đã ngấp ngé bên thềm: mùa thi!

 

Tết của chúng tôi thường là bữa ăn chung vào ngày cuối tuần với mấy chiếc bánh chưng mua từ cửa hàng thực phẩm châu Á (giá khoảng 6 Euro đến 10 Euro/bánh, tùy trọng lượng, tức khoảng 144.000 đến 240.000 đồng/bánh), ít hạt dưa, hạt bí và vài món ăn Việt khác tự nấu. Thế đã là tết! Thế là hết tết! Thế là lại vùi mình trong sách vở với bao nỗi lo “truyền thống” của đời sinh viên.

 

Tại những thành phố lớn của Đức như Berlin, Munich…, việc vui Tết Việt sẽ xôm tụ hơn bởi thường có chương trình hẳn hoi với văn nghệ, buffet tết, xổ số, chụp ảnh bên mâm ngũ quả - hoa mai - hoa đào giả, câu đối… Đó cũng là dịp để phái đẹp và trẻ con diện đủ sắc áo dài rực rỡ. Nơi xứ người, cái tết như vậy đã là ấm vô ngần.

 

Nơi xứ người, nhiều vật phẩm ngày tết có thể mua được khá dễ dàng, nhưng chẳng thể nào mua được hương tết, hồn tết, niềm hân hoan sum vầy ngày tết đích thực. Vậy nên, xin cảm ơn những xa cách đã giúp vỡ lẽ ý nghĩa cũng những niềm hạnh phúc từng ngỡ là giản dị ấy.

 

---------

(*) Một câu trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu

 

TRUNG UYÊN

(Cộng hòa liên bang Đức)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tìm lại một thời thơ Phú Yên
Chủ Nhật, 14/02/2016 11:00 SA
Dấu xưa
Thứ Bảy, 13/02/2016 18:00 CH
Hào khí Tây Sơn trong tiếng trống oai hùng
Thứ Bảy, 13/02/2016 13:00 CH
Lối xưa xe ngựa
Thứ Sáu, 12/02/2016 14:00 CH
“Cây kéo vàng” sắc xuân
Thứ Sáu, 12/02/2016 13:00 CH
Người lưu dấu ca cổ
Thứ Năm, 11/02/2016 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek