Thứ Sáu, 11/10/2024 07:27 SA
Tìm lại một thời thơ Phú Yên
Chủ Nhật, 14/02/2016 11:00 SA

Gành Đá Đĩa - Ảnh: PV

Bài thơ “Tìm lại một thời thơ Phú Yên” là tiếng lòng của nhà thơ Việt Phương (tác giả tập thơ “Cửa mở”) đăng trên đặc san Xuân Phú Yên 1990, mùa xuân đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh 27 năm trước.

 

Việt Phương từng in đậm dấu chân ở Phú Yên trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp và mảnh đất này đọng lại trong lòng nhà thơ bao kỷ niệm thẳm sâu:

 

Trăng chảy lung linh loang loáng đêm

Biển xa mờ ảo, mở xa thêm

Ta thả mình trên đồng sao dại

Tìm lại một thời thơ Phú Yên

 

Chẳng biết nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có đọc tứ thơ này của Việt Phương hay không, chỉ biết rằng trong truyện “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Nguyễn Nhật Ánh đã rung động đến nao lòng:

 

Ngồi im trong gió, nghe đêm rớt

Chợt thấy hoa vàng trên cỏ xanh

 

Như một cơ duyên, truyện được dựng thành phim với những cảnh quay ở Phú Yên làm ngất ngây khán giả, tạo nên một hiện tượng điện ảnh độc đáo trong năm qua. Và Phú Yên, nhờ sự chắp cánh của nghệ thuật thứ bảy, được mệnh danh là xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh”. Như một hiệu ứng tốt lành, bạn bè cả nước và quốc tế đã bắt đầu đến Phú Yên nhiều hơn để thưởng ngoạn cảnh thật, người thật còn hấp dẫn hơn cả trong phim, cảm nhận sâu hơn vẻ đẹp đài các mà lặng lẽ, kiêu sa mà mộc mạc của vùng đất này.

Bạn tôi - nhà thơ Văn Công Hùng từng thống khoái không thể tả khi đọc thơ của chính mình trong đêm thơ Nguyên tiêu núi Nhạn giữa trong veo trăng và vằng vặc gió, luôn đúc kết rằng: Thơ “kinh lắm”. Nhiều “đặc sản” chết tên với từng vùng đất như “Gió Tuy Hòa” lồng lộng trong thơ Trần Mai Ninh. Nhiều vùng đất khác cũng có gió hào sảng, ngang tàng nhưng chỉ có gió Tuy Hòa là vào thơ ca.

 

“Cảo thơm lần giở trước đèn” đọc lại những vần thơ tiền nhân về đất Phú Yên với biết bao tự hào và cảm khoái. Phan Thanh Giản - vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ đầu thế kỷ XIX - khi qua Phú Yên để lại bài thơ “Quá Bi Sơn cảm tác” (Cảm tác khi qua núi Đá Bia):

 

Nhất phiến sơn đầu thạch

Cao quyền xuất bích tiêu

… Lặc bi nhân hà khứ

Lữ khách tứ thiểu thiểu

(Mảnh đá đầu non dựng

Tầng cao ngất một phương

… Chạm bia người đã vắng

Lữ khách chạnh lòng thương).

 

Nguyễn Trường Tộ - nhà văn hóa, nhà cải cách tiêu biểu thế kỷ XIX, cũng “Quá Bi Sơn ngẫu tác” (Cảm hứng bất chợt khi qua núi Đá Bia) với câu cuối vô cùng hào sảng như tính khí người Phú Yên thứ thiệt:

 

Địa tác bàn xang, hải tác bôi (Lấy đất làm bàn ăn, lấy biển làm chén uống rượu).

 

Đèo Cả - Đá Bia đã được tạc vào tuyên đỉnh (một trong chín đỉnh ở Thế Miếu - Đại Nội Huế), là một trong những cảnh quan diễm lệ nhất đất nước và được “tạc” vào thơ Hữu Loan trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp năm 1946:

 

Đèo Cả!

Đèo Cả!

Núi cao ngút!

Mây trời Ai Lao

Sầu đại dương!

Dặm về heo hút

Đá Bia mù sương…

 

Xứ sở “hoa vàng trên cỏ xanh” đi vào thơ Văn Công thật đằm thắm, nhẹ nhàng:

 

Đồng xanh lúa trổ thơm mùi sữa

Đi giữa Phú Yên đẹp dịu dàng

(Đi giữa Phú Yên năm 1956)

Tuy Hòa ơi ngày mai sẽ đến

Bụi mù tan, chim bướm nhởn nhơ bay

Đỉnh Nhạn Tháp ánh trăng lồng ánh điện

Cửa Đà Rằng buồm giăng cánh về đây

(Tuy Hòa mến yêu, 1957)

 

Gành Đá Đĩa - kiệt tác thiên nhiên độc nhất vô nhị Việt Nam, từng được “tạc” vào thơ Liên Nam những ngày khói lửa năm 1966:

 

Chiều An Ninh những ghềnh đá

nhấp nhô

Cát sải tới chân trời sóng vỗ

Những hàng dương reo gió

Mặt trời treo trên núi xa

Nghe tiếng em hò trên biển mặn

Kéo ghe về đậu bến quê ta

Tiếng hát bay quanh cột buồm gió đánh

Cột buồm gầy như dáng ông cha

Có những người em phiêu bạt

Trôi cánh buồm trên biển bao la…

 

Trần Mai Ninh trong “Tình sông núi” đã ngất ngây trước một Sông Cầu:

 

Gặp Sông Cầu khó rời tay!

Sông Cầu của đất nước này là duyên

Vũng Lắm dăm lá thuyền

Nhiều dừa che ít mái tranh

Vừa đẹp, vừa lành,

Hỏi ai tới đó sao đành lòng đi?

 

Những nhà thơ quê hương luôn gửi lòng mình về cố quận. Trần Huiền Ân một thời thao thức “Ta trở về đây sông nước ơi” trong tập “Năm năm dòng sông thơ”, gửi hồn về Thủy Xá, về Hỏa Xá… mà từ ngữ ngày nay gọi là “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” - kiệt tác phi vật thể của nhân loại. Phạm Cao Hoàng cũng trải lòng mình về cố hương trong một chiều buồn xa xứ:

 

Chim ơi! Chim có về quê cũ

Cho gởi lòng qua mấy bến sông

 

Một mùa xuân mới lại về, nối tiếp những mùa xuân đất nước. Các tour du lịch xuân của bạn bè cả nước đang hướng về vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh”. Những người con Phú Yên xa xứ càng trải lòng mình với quê hương cố thổ trong mùa xuân này, để ngậm ngùi mà không buồn tủi như hơn một lần nhà thơ tiền chiến Phú Yên Đỗ Huy Nhiệm từng thổn thức:

 

Vườn xuân, nắng mới, mai đang đẹp

Em lạnh lùng qua, chẳng đoái hoài

Em hỡi vô tri, hoa biết tủi

Đầm đìa châu lệ, hạt sương mai.    

 

BA ÐÀ RẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Dấu xưa
Thứ Bảy, 13/02/2016 18:00 CH
Hào khí Tây Sơn trong tiếng trống oai hùng
Thứ Bảy, 13/02/2016 13:00 CH
Lối xưa xe ngựa
Thứ Sáu, 12/02/2016 14:00 CH
Người lưu dấu ca cổ
Thứ Năm, 11/02/2016 14:00 CH
Về nơi thờ tự vị Thống soái đất Phú
Thứ Tư, 10/02/2016 11:00 SA
Giọt xưa ngân lên tiếng mẹ
Thứ Ba, 09/02/2016 08:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek