Thứ Ba, 15/10/2024 19:21 CH
Nhớ thương mùi tết
Thứ Hai, 08/02/2016 00:00 SA

Trong tâm thức của người Việt, hầu như ai cũng lưu giữ ít nhiều những khoảnh khắc giao thừa linh thiêng - giờ phút kết thúc một năm cũ và bắt đầu một năm mới (tính theo âm lịch). Để đón tết nhà nào cũng lo mua sắm, trang hoàng hoa lá, nấu nướng và chuẩn bị đón khách. Điều đặc biệt nhất có lẽ là việc chăm lo phần mộ, sửa sang bàn thờ, nhang khói cúng kính tưởng nhớ những người thân đã mất. Sự sum họp gia đình theo nghĩa thực và theo niềm tin tâm linh là cả nhà quây quần trong ngày tết bao gồm cả người đã khuất, qua tưởng vọng khói nhang. Dường như ai cũng hình dung trong những sợi khói lung linh trên bàn thờ đang có sự hiện hữu của người xưa. Ngày xưa lúc má còn má hay nhắc thế nọ thế kia. Ngày xưa lúc cha còn, cha hay ngồi chỗ bộ ván gõ, kiểu ngồi thế này... Trong một gia đình nếu không có sự tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác dù chỉ bằng kỷ niệm nhắc nhở thì dường như có hơi thiêu thiếu!

 

Minh họa: HƯNG DŨNG

 

Truyện “Tối ba mươi” của Thạch Lam có một chi tiết ai cũng nhớ, đó là hình ảnh hai cô gái tên Liên và Huệ đêm giao thừa bơ vơ trong nhà săm, định lấy cái ly cũ làm bát cắm hương, bày biện mâm cỗ tết nhưng lại ngần ngại vì nghĩ đến sự ô uế của nó. Ở nơi tủi nhục ấy, mùi nhang khói gợi nỗi ám ảnh cay đắng về những ngày tháng trong sáng và ngôi nhà bình yên; nhưng nếu không có mùi hương quen thuộc của đêm ba mươi, chắc Liên và Huệ càng đau đớn hơn. Nhàvăn Bình Nguyên Lộc trong truyện “Quyển gia phổ” xây dựng hình ảnh nhân vật Thụ, người gốc Bắc, vô miền Nam đã lâu. Vào tối giao thừa, Thụ đội khăn xếp, mặc áo dài rất nghiêm trang đến nhà người bạn tên Tồn, chỉ để tìm không khí gia đình, để được thắp nén nhang lên bàn thờ mà tưởng nhớ đến tổ tiên và những người thân ở xứ Bắc xa xôi.

 

Ngày tết là ngày gia đình. Không ai nhớ và ghi chép được mọi việc có tên và không tên trong nhịp điệu gấp gáp, hối hả của những ngày cuối năm. Chỉ có mùi hương (thứ vô hình, không hiện hữu) là được giữ lại trong kỷ niệm, trong tình yêu thương. Sẽ nhớ không nguôi mùi bánh thuẫn, bánh kẹp, bánh in; mứt gừng, mứt bí thơm nồng; sẽ khó quên mùi khói bếp nấu bánh chưng bánh tét, mùi thịt kho, mùi áo quần, vải vóc, đồ đạc giặt phơi; mùi vôi, mùi sơn tô sửa nhà cửa, mùi lá cây đốt từ đống rác gom sau nhà, và còn mùi hoa vạn thọ trồng quanh mép sân, mùi hoa thược dược, hoa mai, hoa cúc... Mùi của tết là mùi tổng hợp lại của nhiều thứ mùi, nhưng đặc biệt ở chỗ nó còn được tẩm ướp thêm mùi nhớ thương của ký ức. Người ta luôn gợi nhắc tết nọ, tết kia, so sánh tết năm này, năm khác, chính vì vậy mà tết luôn đầy tràn những cảm xúc không tên.

 

Ngày tết là ngày của mẹvìmẹlà linh hồn của tết. Với bản tính chắt chiu, tằn tiện nên thường các bà mẹ sẽ nói tết năm nay làm gọn gọn, không bày vẽ nhiều, nhưng rồi mẹ sẽ tối mắt tối mũi lo sắm sửa, dọn dẹp, nấu nướng và điều khiển con cái quay cuồng trong “vũ điệu tết” theo mẹ. Mẹ quyền uy trong bếp và từ tay mẹ đủ thứ mùi vị lan tỏa, ấm áp cả gian nhà. Mẹ vất vả tham khảo giá cả thị trường rồi lại than thở vì mua đắt, mua hớ. Mẹ làm không nghỉ từ sáng sớm đến canh khuya trong niềm hạnh phúc được chăm lo cho gia đình, con cái. Những người không còn mẹ sẽ thèm được mẹ mắng mỏ, căn dặn, nhắc nhở đủ điều vào những ngày tết. Mẹ biến quê hương thành quê nhà gần gũi và biến những cái gọi là phong tục, tập quán thành thói quen tự nhiên của mỗi nhà, mỗi người.

 

Chắc nhiều người nhớ bài thơ “Tết của mẹ tôi” của nhà thơ Nguyễn Bính: “Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều/ Mẹ tôi lo liệu đủ trăm điều...”. Người mẹtrong bài thơ Nguyễn Bính giống như nhiều bà mẹ khác gắn với nếp sinh hoạt gia đình và sự lo toan, tần tảo. Từ việc lớn như lau dọn bàn thờ, vẽ cung trừ quỷ đến những việc như mua pháo cho con, mừng tuổi đầu năm..., mẹ đều làm hết. Nguyễn Bính viết nhiều về mùa xuân, về tết và bài thơ “Tết của mẹ tôi” đã ghi lại khá chân thực nếp sinh hoạt ngày tết của một thời, vai trò người mẹtrong việc bảo lưu các giá trị tinh thần. Nhưng Nguyễn Bính cũng chỉ tưởng tượng thôi, qua quan sát, vì ông mồ côi mẹ từ lúc ba tháng tuổi. Nhà thơ ra đi vào đúng dịp Tết Nguyên đán (1966), đến nay vừa tròn 50 năm. Nửa thế kỷ đã đi qua, chuyện quét vôi trừ tà, vẽ cung đuổi quỷhay chuyện đốt pháo mừng tết giờ đãkhông còn, nhưng trong thơ Nguyễn Bính vẫn chứa chan tình yêu mẹ và tình yêu dân tộc!

 

Mỗi năm tết có một mùi hương, mỗi năm thường có những kỷ niệm nhớ thương về tết. Có khi là mùi mứt bị cháy, có khi là mùi hoa nở sớm quá nồng nàn. Mùi vị cũng như kỷ niệm chỉ được lưu giữ khi nó gắn với cảm xúc con người. Nguyễn Du trong tác phẩm “Truyện Kiều” nổi tiếng có tả tâm trạng Kim Trọng khi tương tư Thúy Kiều bằng câu thơ “Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình”. Không có mùi nào có tên là “mùi nhớ” chỉ có Kim Trọng nhớ Kiều nên mùi hương quen thành cái cớ hóa thành mùi nhớ.

 

Ngày nay, con người hiện đại có thể tạo ra nhiều thứ mùi như mình muốn. Thành phố bây giờ không chỉ có mùi khói bụi, mùi nước hoa, phấn son và đủ thứ các mùi nước thơm khử mùi. Vậy nên tết đến là dịp trưng bày đủ các vật dụng, các mùi vị, màu sắc long lanh làm thỏa mãn nhu cầu ngày càng tân kỳ của con người. Đã có những sản phẩm hoa làm từ đất sét, từ vải, từ giấy với những mùi hương hoa như thật; đã có những chiếc bánh giả nhìn thơm và ngon như bánh thật; đã có nhang điện, đèn điện để trên bàn thờ... Tết không cần xa hoa, phô trương lãng phí nhưng tết cần nhất là mùi chân thật. Giống như con người cần có gia đình, ngày tết là ngày sum họp nên mùi nhớ nhất vẫn là mùi của niềm vui sẻ chia, yêu thương thật lòng. Một đứa nhỏ nhảy tưng tưng với cái bánh chưng được gói riêng, hay sung sướng vì được mẹ cho cái bánh bị cháy sém, chắc chắn sẽ nhớ mùi hương đó và lưu giữ nó trong ký ức về tết. Tình yêu thương không có mùi nhưng nó là thứ tạo nên mùi vị tết.

 

Và cho dù trong kho ký ức về tết của nhiều người đã tràn đầy; nơi chứa những cái tết xa nhà, những cái tết nghèo khó, nợ nần, cái tết năm mẹ mới mất, cái tết thiếu con, cái tết sum họp no đủ và những cái tết trống trơn tiền bạc, bạn bè...; thì chắc họ vẫn mong tết đến, xuân về!

 

Vì tết là hy vọng! Giá trị lớn nhất của tết là sự khởi đầu, là cái cớ để trông đợi, mong ước cho dù mơ hồ và viển vông nhất. Chúng ta học từ thiên nhiên bài giảng về sự hy vọng, nhẫn nại. Mỗi năm dù thiên tai bão lũ hay thời tiết thất thường thì khi xuân về, tết đến, cỏ cây cũng vội vàng thay lá, khoe hoa. Mùi của tết chính là mùi chồi non, lộc biếc, mùi của niềm tin vào đoàn viên, hạnh phúc!

 

NGUYỄN THỊ THU TRANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tìm lại một thời thơ Phú Yên
Chủ Nhật, 14/02/2016 11:00 SA
Dấu xưa
Thứ Bảy, 13/02/2016 18:00 CH
Hào khí Tây Sơn trong tiếng trống oai hùng
Thứ Bảy, 13/02/2016 13:00 CH
Lối xưa xe ngựa
Thứ Sáu, 12/02/2016 14:00 CH
“Cây kéo vàng” sắc xuân
Thứ Sáu, 12/02/2016 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek