Thứ Ba, 15/10/2024 19:25 CH
Rộn ràng tháng Chạp
Thứ Sáu, 05/02/2016 15:13 CH

Xưa ở quê, phần lớn bà con theo đạo Phật, làm gì biết tới Noel mà nghĩ như bây giờ, hễ qua Tết Dương lịch, qua Noel là tết cổ truyền đã cận kề. Nhưng đất trời, vạn vật, con người lại có những nét rất lạ lùng, hễ cứ nhìn vào sự chuyển mình của cỏ cây, hoa lá, sự hối hả của mọi người là cũng đủ biết tết tới nơi rồi.

 

Minh họa: HƯNG DŨNG

 

Sau những ngày mưa bão, ở quê bao giờ cũng có một “độ lắng” rất dễ nhận diện. Những dòng sông bao bọc xóm làng đang ắp nước nhưng không còn hung dữ như những ngày lũ lụt. Nước như dùng dằng, lặng lờ chẳng muốn xa làng, xa đồng để xuôi về biển. Những cánh đồng trơ gốc rạ, vài cụm riều rác sau mùa lũ còn neo đậu lại đang chờ những đường cày ải cho vụ hè thu. Những sáng mai, bên hiên nhà với chén trà nóng, các lão nông đang tính toán liệu có còn lũ muộn không để chuẩn bị xuống giống. Bọn trẻ con thì vừa đến trường, vừa bàn tán cho những cuộc vui trong mấy ngày nghỉ tết...

 

Rồi mọi thứ bỗng vụt dậy, rộn ràng như chạy đua với thời gian được tính từng ngày của tháng Chạp. Đôi bò cày không còn thủng thẳng trên đường ra đồng như ngày hè, đường cày của nông dân như nhanh hơn; dáng bà, dáng mẹ đã hiện rõ trong bức họa đồng quê khi sương sớm chưa tan. Trong vườn, những luống tần ô, xà lách, cà chua, khoai mài... được chăm chút ngày một cho kịp tết. Đêm về, từ đầu ngõ đã nghe hương gừng thơm lựng, càng về khuya, tiếng xăm gừng để làm rim, làm cốm như dồn dập hơn...

 

“Ai về nhắn với nậu nguồn,

Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên...”

 

Nậu là một đơn vị hành chính cấp cơ sở xuất hiện từ thời Phú Yên có tên trên bản đồ hành chính. Nậu nguồn chỉ người dân làm những công việc gắn với nơi đầu nguồn, miền núi. Nậu biển là dân ven biển chuyên nghề khai thác, mua bán hải sản. Không biết từ lúc nào, nậu biến âm thành nẫu, và định danh người xứ nẫu chỉ dân cư hai tỉnh Bình Định, Phú Yên ra đời.

 

Vùng miền Tây Phú Yên xưa nay nổi tiếng với các sản vật thơm, mít, chuối... Bây giờ, người ở đồng bằng mua hàng hóa tiêu dùng, đồ biển lên miền núi bán, rồi mua sản vật của rừng chở về. Nhưng những năm đầu sau giải phóng, hễ thấy bà con trên đó gánh gồng hoặc dắt ngựa thồ thơm, mít, chuối... xuống xuôi, là biết bà con đang chuẩn bị kiếm tiền sắm tết. Sắm tết, cái từ gọn lỏn nhưng chất chứa bao nỗi âu lo, bao niềm vui của những người phụ nữ lo vun vén cho hạnh phúc gia đình. Sắm tết là mua sắm nhang đèn, vàng bạc, lễ vật để lo cho ông bà, tổ tiên suốt mùa tết, từ dẫy mả, tất niên, đưa ông Táo về trời, đến giao thừa, tân niên, hạ niêu, cúng tạ... Sắm tết là lo cho chồng con những bộ quần áo mới, đôi dép mới trong ba ngày xuân... Sắm tết là chuẩn bị những món ăn cho cả nhà, nào gà, nào thịt heo, nào bánh, nào cốm...Vì thế mà những phiên chợ tết cứ rộn ràng từ lúc tờ mờ sáng cho đến tận trưa mà chợ vẫn chưa muốn tan.

 

Có một tập quán của người Việt từ ngàn xưa, biểu hiện rõ nhất ở vùng nông thôn, đó chính là chuyện phải kết thúc mọi việc của năm cũ trước giao thừa. Chính vì thế mà ngày cuối năm là ngày rộn ràng nhất, áp lực nhất đối với người dân quê. Chuyện làng, chuyện xã thì lo hoàn tất việc chỉnh trang đường sá, trang hoàng các điểm công cộng như đình làng, trung tâm xã. Nhà nông thì chuẩn bị thức ăn cho trâu bò vì người dân quê kiêng kỵ làm bất kỳ việc gì trong ngày mùng một. Khổ nhất có lẽ là những người phụ nữ, họ vừa lo cho xong các món bánh truyền thống: bánh thuẫn, bánh men, bánh kẹp, rim, cốm… đều tập trung vào 29,30 tết, đồng thời còn phải tranh thủ đi làm đẹp cho bản thân vì quanh năm lam lũ, ai cũng muốn mình đẹp hơn trong ba ngày tết. Việc cuối cùng của nhiều người trong đêm 30 tết là tiến hành các thủ tục để rước ông Táo về, cúng gia tiên trong giờ phút giao thừa…

 

Ngày nay, nhịp sống hiện đại đã làm thay đổi nhiều thứ, việc kiêng cữ trong ngày mùng một cũng không còn như xưa, người dân quê có thể chăm sóc lúa, chăn dắt trâu bò, ra đồng cùng bao việc khác nữa ngay trong ngày đầu năm. Bây giờ, chiều cuối năm vẫn có người rảnh rang ngồi lướt facebook xem bạn bè gần xa đang làm gì, những gì đang diễn ra quanh mình trên thế giới ảo. Nhưng ký ức về những ngày tháng Chạp rộn ràng, những ngày giáp tết, sự lo toan, vất vả để rồi được bù đắp trong những ngày vui như tết, thì vẫn là những kỷ niệm đẹp đối với nhiều người...

 

TRẦN THANH HƯNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tìm lại một thời thơ Phú Yên
Chủ Nhật, 14/02/2016 11:00 SA
Dấu xưa
Thứ Bảy, 13/02/2016 18:00 CH
Hào khí Tây Sơn trong tiếng trống oai hùng
Thứ Bảy, 13/02/2016 13:00 CH
Lối xưa xe ngựa
Thứ Sáu, 12/02/2016 14:00 CH
“Cây kéo vàng” sắc xuân
Thứ Sáu, 12/02/2016 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek