Thứ Ba, 15/10/2024 19:22 CH
Tết quê và nỗi lo tháng Chạp
Thứ Bảy, 06/02/2016 15:00 CH

Tết quê thời nay khác xưa rất nhiều. Sắc xuân bây giờ không chỉ có hoa vạn thọ mà có cả cúc đại đóa, mai, ly, đào, huệ... và hình như đã ít đi không khí rạo rực, rộn ràng chuẩn bị “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ...”, mọi vật phẩm cho tết của từng nhà ngày nay được chuẩn bị sẵn ở chợ và siêu thị. Thời tôi còn trẻ con, có lẽ tháng Chạp là những ngày hối hả, bận rộn và vất vả nhất trong năm; không chỉ nhà tôi mà hầu như cả làng bận tới mức “đầu tắt mặt tối” để chạy vạy sắm sửa cho một cái tết đầm ấm, tươm tất.

 

Minh họa: HƯNG DŨNG

 

Nỗi lo trước tiên của đầu Chạp là phải gặt hái cho xong sớm vụ lúa vàng rộp còn phơi mình trên đồng ruộng rộc. Rạ lẫn trong nước nên cắt lúa phải dùng câu liêm hớt đọt. Từng bó lúa “nhiễm nước” gánh về chất đống bên hiên nhà chờ khô ráo; không kể ngày đêm, cả nhà từ ông bà cha mẹ cho tới con cháu, mỗi người một việc; đàn ông khỏe mạnh thì đảm nhận việc đạp lúa, đàn bà con gái thì giê sảy để làm sạch những hạt lúa lẫn trong rơm rạ.

 

Lúa về nhưng ngặt một nỗi, gặp phải thời tiết cứ âm u, những cơn mưa cải giăng mù trời đất, trời không nắng để phơi lúa. Mẹ tôi cứ rầu rĩ, thở than lo không có gạo để kịp tráng bánh. Lúc này, hạt lúa không chỉ chịu cảnh “một nắng hai sương” mà còn bị trải đều trên nong, nia, hong trên gác bếp, thường gọi là “sấy lúa”. Khi hạt lúa sấy đưa lên miệng cắn tuột vỏ trấu, hạt gạo còn nguyên cũng là lúc được cho vào cối giã. Hì hục giã, chày đôi chày ba, sức trai ra sức giã gạo vã mồ hôi hột, bàn tay chai sạn, lúa mới bật ra những hạt gạo đỏ, cứ thế giã cho tới khi được cả thúng gạo mới thôi.

 

Có gạo rồi, việc tiếp theo phải lo là tráng bánh. Nỗi khổ nhất của người tráng bánh là trời không có nắng. Bánh tráng mà không được phơi nắng thì đu theo nỗi buồn tháng Chạp. Trước tết ông Táo, trời mưa suốt thì buộc dân tráng bánh phải dùng lửa than để sấy bánh. Năm nào phải ăn bánh tráng sấy là biết ngay, bánh thường dày cui, nhăn nhúm và nghe mùi khói… Mỗi khi mời khách ăn bánh tráng, rau sống cuốn thịt, mẹ tôi hay nói đỡ: Năm nay trời không nắng, bánh tráng dày dai không được ngon…

 

Sau khi lo được nuộc bánh tráng, việc kế tới là phải lo bánh mứt, rim gừng. Nhà đã trữ muổng đường, vài chục trứng để đổ bánh thuẫn, bánh men, bánh bò; vài ký nếp quạ để đóng bánh cốm bánh in; trái bí chanh, đám gừng ta trong vườn nhà hái xuống, nhổ lên để rim mứt… Từ mùng mười tháng Chạp, nhà nhà rộn ràng tiếng đánh bột, đóng cốm; đi tới đâu mũi cũng thơm phức, ngạt hương vị rim gừng, mứt bí.

 

Và cái lo to tát nhất, quan trọng nhất và khâu cuối cùng thường được cha tôi sắp đặt đâu vào đấy là rượu, thịt. Ba bảo, ba ngày tết mà không có rượu thì khi khách tới nhà cứ thấy nhạt phèo. Ông đã đặt 5 lít lấy từ lò rượu gạo nguyên chất của ông Năm Nhót rồi. Để rượu bắt mắt là chẻ mấy cây cổ tây lấy từ hòn Mát bỏ vào ngâm, trong vòng ba ngày rượu sẽ có màu đỏ tươi giống màu rượu nho. Cây cổ tây là vị thuốc nam uống vào sẽ giải độc, mát gan, bổ máu.

 

Còn thịt heo, ba bảo năm nay nhà mình ăn thịt heo cùng với nhà bác Hai Mẫm. Thường thịt heo phải có trước ngày cúng tất niên, heo hơi nặng chừng bốn chục cân, khi thịt chỉ còn một nửa. Bốn nhà tham gia chia thịt, mỗi nhà sẽ được một đùi, khoảng năm cân. Mỗi phần đều có xương, thịt, lòng để làm giò chả, canh xương, hầm nhừ, phay lụi… Đêm trước ngày tất niên, tiếng gà gáy canh đầu lẫn tiếng heo la éc éc…, lũ trẻ con quanh nhà bác Hai Mẫm đều thức dậy, xúm nhau coi mổ heo nhưng cái chính là chực được ăn chén cháo lòng và tranh nhau cái bong bóng heo để chơi bóng đá... Có thịt, cha tôi banh ra lo gói món chả đầu heo, mẹ săm soi ngồi gói từng cây bánh tét.

 

Tháng Chạp với bao nỗi lo toan vất vả nhưng ai nấy cũng tươi cười, mọi người, nhà nhà cùng đổ xô hớn hở thi nhau đón tết!

 

MẠNH MINH TÂM 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tìm lại một thời thơ Phú Yên
Chủ Nhật, 14/02/2016 11:00 SA
Dấu xưa
Thứ Bảy, 13/02/2016 18:00 CH
Hào khí Tây Sơn trong tiếng trống oai hùng
Thứ Bảy, 13/02/2016 13:00 CH
Lối xưa xe ngựa
Thứ Sáu, 12/02/2016 14:00 CH
“Cây kéo vàng” sắc xuân
Thứ Sáu, 12/02/2016 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek