Thứ Ba, 15/10/2024 19:21 CH
Đầu năm nhớ bạn
Chủ Nhật, 07/02/2016 10:00 SA

Có lẽ trong số những người cùng trang lứa, tôi là người có ít bạn học nhất. Chẳng cần nói đâu xa, chỉ cần so với vợ là rõ. Vợ tôi, nhất là vào dịp tết, điện thoại réo liên tục, hẹn hò đến nóng cả mặt, nhưng hóa ra toàn là họp lớp, họp trường: nào là cao đẳng Sư phạm, đại học Luật, nào là khóa 76 trung học phổ thông Nguyễn Huệ, nào ban A ban B, trung học cơ sở, thậm chí có lần đi dự đám cưới, có người còn đến ôm hôn, bắt tay vợ rối rít, hóa ra là bạn thời tiểu học. Tôi chạnh lòng, bật ra: bạn thời cởi truồng có không? Vợ bảo, nhiều lắm, chỉ riêng ở thành phố này đếm cũng không xuể. Còn tôi, chỉ có các bạn ở đại học Địa chất Moscow là năm nào cũng tổ chức họp trường ở Hà Nội, nhưng vì đường sá xa xôi tôi không dự được, chỉ gửi lẵng hoa chúc mừng. Tuy nhiên, mỗi lần ra Hà Nội công tác, tôi chỉ cần ới một tiếng là cả nhóm lại tụ tập, chúng bảo, coi như họp lớp vì sự có mặt của tôi là điều kiện cần và đủ.

 

Tranh của FESHIN

Có lần tình cờ lật lại mấy cuốn học bạ thời phổ thông, tôi giật mình: 10 năm phổ thông mà học 5-6 trường, có năm chuyển trường hai lần, mà không chỉ loanh quanh trong tỉnh. Thử hỏi như vậy thì lấy đâu ra bạn “nối khố”. Đất nước - con người nơi mình đã sống, dẫu có thơ mộng đẹp đẽ đến đâu thì cũng như những thước phim lướt qua loang loáng, đa sắc đấy nhưng nhạt nhòa, mờ ảo vì chưa kịp đọng lại trong trí nhớ bằng những kỷ niệm sâu đậm. Họa chăng chỉ có ba năm cấp ba đi sơ tán thời chiến tranh ở một ngôi làng vùng quê Kinh Bắc là rõ nét nhất.

 

Lúc mới tập kết ra Bắc, do điều kiện công tác, chị tôi được gửi vào trường học sinh miền Nam, tôi được gửi cho chú ruột là cán bộ y tế của Công an Hải Phòng, còn cha thì vẫn ở trong quân đội. Ở với chú được gần một năm thì chú được điều động đến Quý Cao. Tôi chẳng biết Quý Cao ở đâu nhưng được đi đây đi đó thích lắm, vui vẻ cắp cặp theo chú. Giờ đây, hơn 60 năm nhớ lại, ấn tượng sâu đậm nhất đối với tôi về vùng đất này là cảnh tôi chạy theo đám trẻ trong làng lấy rổ rá vớt từ mương máng lên những con rươi mềm nhũn như con đỉa, màu sắc sặc sỡ, lại có lông nữa, trông rất sợ, nhưng đổ trứng rất ngon.

 

Sau một thời gian, được tổ chức bố trí làm quan trắc thủy văn trên con sông Luộc ở Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, mẹ tôi đón tôi về sống với mình, tạo nên một gia đình chỉ có hai nhân khẩu. Thế là tôi lại chuyển trường, lại làm quen với bạn mới. Tôi vẫn nhớ, vào những đêm có trăng, mẹ hay dẫn tôi theo xuống bến sông quan sát mực nước trên cây thước sơn các vạch xanh đỏ rồi ghi chép vào sổ. Dòng sông êm trôi, phản chiếu ánh trăng như một dải lụa bạc cứ đọng mãi trong tâm trí. Những đêm mưa gió, mẹ vẫn phải trùm áo mưa ra sông quan trắc theo đúng giờ quy định, tôi chợt thức giấc, nằm một mình trên giường, mắt mở thao láo, vừa sợ ma vừa lo mẹ trượt chân ngã xuống sông, phải chờ mẹ về cuộn mình vào lòng mẹ mới lại thiếp đi.

 

Được một thời gian, dì tôi, cũng tập kết với mẹ, đến thăm, thấy hoàn cảnh hai mẹ con vất vả quá, dì đưa tôi về sống với mình ở Hà Nội. Hồi ấy dì công tác ở Văn phòng Đảng ủy Trường đại học Bách khoa. Tôi lại chuyển trường, trở thành người Tràng An lúc nào không hay. Tôi nhớ, những năm ấy khu tập thể của trường nằm bên con sông Tô Lịch nông choèn, nước chảy lờ đờ, đặc kín bèo tây. Có hôm, không biết tại sao cá chết nổi lềnh bềnh, đám trẻ con chúng tôi dầm mình suốt ngày trong làn nước đục ngầu vớt cá lên ăn.

 

Khi tôi ở với dì được gần một năm, thì mẹ tôi được điều về TP Hải Dương. Thấy công việc có vẻ ổn định, lại sống ở phố, mẹ đón cả hai chị em chúng tôi về. Nhưng khi tôi vừa mới học được cách câu cá trên con sông Thái Bình và Kinh Thầy thơ mộng vắt ngang qua thành phố thì mẹ lại chuyển công tác lần nữa. Lần này, cuộc “di dân” khá là vất vả: vào tận TP Vinh. Ba mẹ con lại gồng gánh nồi niêu xoong chảo “hành phương Nam”. Khổ nỗi, mới chỉ hơn một năm, tôi chưa kịp kết thân với ai thì mẹ lại được điều động ra tận Bắc Giang. Vậy là lại “hành phương Bắc”. Tưởng sẽ “đóng đô” lâu dài ở thị xã, nhưng bụi chuối tôi trồng chưa kịp ra buồng thì bom đạn bắt đầu đì đùng trên toàn miền Bắc, thế là cả cơ quan mẹ lại gồng gánh nhau đi sơ tán tận huyện miền núi Tân Yên, sát với quê hương Yên Thế của Đề Thám. Nhưng cũng chỉ hơn một năm, khi đã ngớt bom đạn, mọi người lại gồng gánh chuyển xuống huyện Việt Yên, gần thị xã hơn. Thử hỏi, cứ chạy như con thoi như thế, tôi thậm chí còn chưa thuộc hết tên bạn bè, nói gì đến kết thân.

 

Ba năm cấp ba sơ tán ở vùng quê miền Kinh Bắc, tôi mới có điều kiện để hiểu kỹ hơn về bạn bè và cũng đủ trưởng thành để trân quý những giá trị tinh thần. Sau này sang Nga, tôi nhận được một bức thư từ Việt Nam. Chiếc phong bì bạc phếch, các góc sờn rách, phải mất gần một năm mới vượt qua được hàng vạn cây số từ chiến trường miền Nam Việt Nam sang tận Moscow. Sau này về nước tôi mới biết, khi bức thư đến tay tôi thì bạn tôi, người viết thư ấy đã thành liệt sĩ. Với thế hệ chúng tôi, những năm tháng ấy là thời kỳ khốc liệt nhất, chúng tôi đã tiễn đưa nhiều bạn vào chiến trường và nhiều người trong số họ đã không trở về, nhưng họ vẫn sống mãi trong tâm tưởng của tôi.

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tìm lại một thời thơ Phú Yên
Chủ Nhật, 14/02/2016 11:00 SA
Dấu xưa
Thứ Bảy, 13/02/2016 18:00 CH
Hào khí Tây Sơn trong tiếng trống oai hùng
Thứ Bảy, 13/02/2016 13:00 CH
Lối xưa xe ngựa
Thứ Sáu, 12/02/2016 14:00 CH
“Cây kéo vàng” sắc xuân
Thứ Sáu, 12/02/2016 13:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek