Thứ Ba, 15/10/2024 19:25 CH
Một ngày cuối năm
Thứ Sáu, 05/02/2016 08:00 SA

Minh họa: P.V

1. Một ngày như mọi ngày

 

- Những ngày này đi mua sướng thiệt. Nói nhiêu bán nhiêu, không ai ý kiến!

 

- Đồng nát chứ có phải vàng thẻ đâu mà thách. Có người kêu vô, bảo lượm sạch nhà chuẩn bị đón Tết kia!

 

Hai chị ngồi phân hàng, tay làm miệng nói, tôi tham gia bằng giọng rầu rầu:

 

- Với em thì ngày nào cũng như ngày nào. Chắc tại mình phước mỏng nên xưa giờ chỉ gặp mấy gia chủ “cao thủ” thôi. Trời ạ! Ngồi xắn tay áo lên đếm lại từng vỏ lon rồi dày thưa kêu mua đắt bán rẻ! - Tôi nói bằng giọng thua buồn. Vừa dứt câu thì cả hai chị Xuân và Liên thấp giọng chia sẻ:

 

- Số mày đen đó! Tụi đây xưa giờ chỉ gặp những “khổ chủ” tốt bụng!

 

- Mấy chị nói nữa em khóc á! - Tôi nói xong thì cười như mếu.

 

Sao gì chiếu mệnh mà đời tôi nó khốn nạn thế này không biết. Không nói quá một chút nào. Bà con nghe thử như vầy đã đủ khổ chưa nhé. Nhà tôi thuộc hạng bần nông, “khạc ra tro, ho ra bụi” ấy. Chị em tôi ăn cơm độn củ sung củ ráy mà lớn. Dù nghèo hơn cả sự nghèo nhưng mẹ quyết cái đầu phải có chữ. Cảnh nhà cùng cực, tôi học hành sáng dạ, mẹ đặt niềm tin nơi tôi. Tôi sao nỡ phụ lòng mẹ. Đậu tú tài, đủ điểm vào Trường cao đẳng Sư phạm Nha Trang cũng là lúc mẹ bạo bệnh qua đời, tôi trở thành trụ cột gia đình. Không còn nước mắt để rịn ra nữa. Nếu ông Tú bảo thi hỏng là “đệ nhất buồn” thì thi đậu mà phải nằm nhà là cái buồn bình phương cái buồn “đệ nhất”. Không đi học thì đi làm. Vậy là te te theo dì Bảy buôn thúng bán bưng (đi buôn rau củ, ra ngoài soi thu mua rồi đem ra chợ bán), đồng được đồng mất, có hôm lời một thì cũng có hôm lỗ tới hai. Phải kiếm cái gì khá hơn mà làm chứ cả nhà chỉ dòm chừng vào thúng rau thì đói xạc họng mất. Tôi và dì Bảy đổi nghề, đi mua ve chai, người nơi đây gọi dì cháu tôi là “bà nhôm nhựa”.

 

“Bà nhôm nhựa”, quá đúng luôn, 39 tuổi, quanh năm đi mua ve chai, tôi thấy giá trị của mình rẻ như đồ nhôm nhựa. Không bạn bè, không trai gái, chỉ nhựa nhôm và nhôm nhựa. Nghề nhôm nhựa, nghe mắc cười đúng không? Nhưng nếu chịu khó mà cảm thông, thì đó cũng là một cái nghề vậy. Loanh quanh thu

 mua, miệt mài thu mua, cần mẫn thu mua… ngày nào cũng làm nhiêu đó thì là nghề chứ gì nữa.

 

Công việc của tôi là đạp xe khắp các hóc hẻm, cứ thấy chỗ nào có nhà là tới. Tôi hay nói vui với “đồng nghiệp” đây là cái nghề lượm mót. Đúng là nghèo thành hèn, đang đi trên đường mà thấy đồ nhôm nhựa bên lề thì sà xuống như con chim đói thấy sâu. Có hôm được tổ đãi (không biết nghề này có ông tổ không nhưng tôi nghĩ bách nghệ đều có “ông tổ”) mua được ôi thôi là nhiều. Vậy là gói ghém lên xe, chỗ nào móc được, chất được là làm. Nói vậy chứ hơn hai mươi năm trong nghề, những lần như thế đếm không đủ đầu ngón tay. Kệ, thu nhập từ nghề này khá hơn bán rau. Tiền lời cũng đủ sống, nói chính xác là đủ trang trải những chuyện đơn đơn như ăn cơm rau, mặc áo lành. Còn như ăn vặt thì không, những món xa xỉ như hoa tai, quần jean, áo thun… thì càng không nữa. Mà nếu có tiền cũng không mua, đi mua nhôm nhựa cả ngày, chiều về mồ hôi bê bết, ăn uống tắm rửa rồi lăn đùng ra thở pheo pheo ngủ, bảnh mắt ra đã lật đật đạp xe đi. Đàn bà mà không son phấn, áo quần? Không có gì lạ cả. Có bà nhôm nhựa nào lại mặc đồ mới đi “tác nghiệp”, làm điệu nữa thì càng lố bịch. Nỗi bất hạnh của đàn bà có lẽ là không được làm đẹp. Không, bất hạnh lớn nhất của đàn bà là không được làm đẹp, làm duyên, làm bạn với đàn ông. Hề hề hề…, tôi cười nghe như tiếng khóc.

 

2. Một ngày không… như mọi ngày

 

Đó là một ngày cuối năm.

 

Tôi và mấy đồng nghiệp nhôm nhựa như được uống thuốc thần, trèo trẹo đạp xe không biết mệt. Mua và mua. Cuối năm mà, ai cũng khẩn trương, cặm cụi. Cứ như sang năm mới, không phải lao động nữa vậy! Nghề của tôi, cuối năm thường kiếm được nhiều tiền. Năm cũ khép lại, ai cũng lo dọn dẹp nhà cửa và không muốn rác rưởi có mặt trong nhà vào năm mới. Ba ngày Tết không cầm chổi, thế là cuối năm, cắm đầu cắm cổ mà dọn, tụi tui trúng mánh. Rồi lại được thưởng cuối năm cao nếu ai mua được hàng nhiều.

 

Tôi thấy cơ thể có dấu hiệu “bất trắc”. Ủa, mới có mùng 10 tháng Chạp, chắc là ảo giác, tôi tỉnh bơ rao to “Ai nhôm nhựa không?”. Không thấy ai kêu, tôi dừng ào lại trước một căn nhà. Nghe đâu nhà này là của một con gà trống nuôi con. Ngôi nhà to nhưng luộm thuộm. Nghe chị Liên kể, gia chủ này lười bán nhôm nhựa nhưng nếu chui ào vào hỏi thì trúng mánh. Tôi bèn đủng đỉnh vào, miệng kêu có bán nhôm nhựa không - vẫn im lặng. Nhà cửa trống trải, nồi niêu xoong chảo nằm ngổn ngang.

 

 Mấy lon bia vứt lăn lóc. Nhìn thấy chủ nhà ngủ say trên nền đất. Ngay lúc này, không biết có con ma nào chỉ đường dẫn lối, tự dưng trong đầu tôi không có một ý nghĩ nào khác ngoài mấy lon bia và hai cái xoong. Tôi rón rén cho hết vào giỏ và lẳng lặng… đi. Mới ra tới xe, chưa kịp móc cái giỏ lên thì nghe: “Lấy cái gì quý một chút bán nhiều tiền hơn!”. Bị bắt quả tang rồi. Nhục chưa? Tôi đứng tái xanh tái xám, trời ơi, ông thương tui thì hãy làm đất nứt toác một lỗ để tôi lao đầu xuống cho rồi. Tôi bẽ mặt, lóng ngóng xổ trả trên nền nhà. Anh nghiêm mặt:

 

- Tui có thằng em làm công an xã nhà bên cạnh, tui dắt cô qua hỏi xem vô nhà người khác tùy tiện lấy đồ thì có tội không nha?

 

Tôi cứng họng, đứng chôn chân. Trời ạ, nếu nói được thì tôi sẽ bảo, thôi, anh lấy cái dao sắc một chút rồi làm một dao cho tôi chết đi. Tôi vừa sượng, vừa mắc cỡ, bộ dạng tôi lúc đó chắc mắc cười lắm.

 

- Xin… lỗi… anh!

 

Tôi phải rặn è è mới nói được đấy, nói xong thì quay xe, bỗng nghe:

 

- Tôi có mấy bộ đồ con em gái hôm qua xuống chơi bỏ quên kia. Ngoài nhà tắm ấy, cô ra tắm rửa thay đồ đi!

 

- Gì vô duyên vậy trời! - Tôi trố mắt tròn ủm còn anh thì tủm tỉm tiếp:

 

- Ra nhà tắm rồi sẽ hiểu tôi nói gì!

 

Tôi không có kinh nghiệm về đàn ông nhưng tôi hiểu người này đang không nói đùa. Bỗng thấy khó chịu. A, hiểu rồi, lại sự cố đàn bà. Sao mà khổ dữ khổ dằn, kiếp sau có đầu thai thì xin được làm con gà, người ta nuôi lớn rồi cắt cổ đi cho khỏe thân, tôi quyết không làm người nữa mà có làm thì cũng xin được làm giống đực. Khốn khổ thân tôi, kinh nguyệt không đều nên chẳng biết đâu mà lần. Chưa chồng con mà cứ trông mãn kinh cho khỏe. Tôi lùi lũi bước ra nhà tắm, mặt méo xệch.

 

Lần đầu trong đời tôi được mặc bộ đồ đẹp cỡ này. Lén dòm qua gương, tôi thấy mình cũng thuộc dạng nhìn được. Chui ra khỏi nhà tắm trong bộ dạng thẹn thùng. Tôi bước tới sân, định bụng sẽ hạ quyết tâm cảm ơn “khổ chủ” nhưng thấy ngôi nhà đã khóa cửa. Chắc anh không muốn làm tôi khó xử đây mà. Tôi đứng nhìn túi nhôm nhựa khi nãy được lượm lại và móc trước giỏ xe mà mặt đỏ lựng…

 

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tìm lại một thời thơ Phú Yên
Chủ Nhật, 14/02/2016 11:00 SA
Dấu xưa
Thứ Bảy, 13/02/2016 18:00 CH
Hào khí Tây Sơn trong tiếng trống oai hùng
Thứ Bảy, 13/02/2016 13:00 CH
Lối xưa xe ngựa
Thứ Sáu, 12/02/2016 14:00 CH
“Cây kéo vàng” sắc xuân
Thứ Sáu, 12/02/2016 13:00 CH
Người lưu dấu ca cổ
Thứ Năm, 11/02/2016 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek