... Phú Yên vẻ đẹp nguyên sơ/ Như cô thôn nữ sớm trưa tảo tần/ Hỡi ai ra Bắc vào Nam/ Dừng chân ghé lại mà thăm quê mình... Lời ca cổ giao duyên của anh Nguyễn Ðình Thoại mượt mà và giàu sắc thái biểu cảm, như “vẽ” thêm nhiều... không gian để ta nghe, ta cảm thụ.
Đêm cuối năm ở ngôi nhà nhỏ trong con phố nhỏ Tuy Hòa, năm anh em chúng tôi vừa đàn, hát cho nhau nghe nhiều bài tân cổ giao duyên của anh Nguyễn Đình Thoại. Ca sĩ không chuyên Võ Thị Phi Loan hát da diết, hát nồng nàn khúc vọng cổ: Chiều hôm nay dừng chân trên bước đường phiêu bạt, chợt nghe đài báo tin mưa, bão lại đổ xuống quê mình. Thao thức canh thâu lòng lo lắng đêm ngày. Cánh đồng lúa đang đơm bông, trĩu hạt. Nước ngập trắng đồng, bão dập tả tơi. Nhưng dẫu trời kia đã phụ lòng người. Sau cơn bão đất lại đâm chồi nảy lộc. Được bàn tay của con người chăm sóc. Lúa lại vươn mình trải thảm một màu xanh... Ca sĩ Phi Loan cũng đã thể hiện thành công bài này tại Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên lần thứ V nhiệm kỳ 2015-2020 vừa diễn ra vào tháng 12/2015.
Đó là khúc vọng cổ trong thi phẩm “Yêu lắm quê mình” (tân nhạc Ngọc Quang, cổ nhạc Nguyễn Đình Thoại) làm say đắm người mộ điệu và đang “hot” ở Phú Yên. Nhâm nhi ly bia cuối năm cùng ca sĩ Phi Loan và nhạc công tài tử Dương Kim Hoàng, anh Nguyễn Đình Thoại (SN 1956) tâm sự: “Ca cổ dễ viết nhưng muốn viết cho hay không phải là điều dễ dàng. Và tân cổ giao duyên là một hình thức nghệ thuật sáng tạo kết hợp độc đáo giữa cổ nhạc và tân nhạc. Là người “ngoại đạo” nên tôi cứ tự học, tự nghiên cứu và học sáng tác ca cổ ở các bậc đàn anh, bạn bè... Trong sáng tác, tôi cố gắng nắm vững lý thuyết căn bản và quy luật 6 câu vọng cổ, mỗi câu vọng cổ có 32 “nhịp”. Trong đó, câu 1 dứt ở cống, câu 2 dứt ở xang, câu 3 và 4 dứt ở hò, câu 5 dứt ở xề, câu 6 xuống xề và dứt ở liu. Ngày nay, xu hướng sáng tác ca cổ thường lược bỏ bớt câu 3 và 4”.
Anh Nguyễn Đình Thoại sinh ra ở cái nôi cách mạng An Định, huyện Tuy An. Anh từng làm Đội trưởng Đội Thông tin lưu động huyện Tuy An thời kỳ 1981-1989, nên máu văn nghệ, ca cổ ngấm sâu vào lòng. Anh thường lặn lội đến từng thôn, xóm, sáng tác nhiều bài ca về cổ động thông tin nhằm phục vụ công tác tuyên truyền. Từ năm 1989 đến nay, anh lần lượt làm Trưởng phòng Kỹ thuật, Phó Giám đốc rồi Giám đốc Công ty CP In - Thương mại Phú Yên. Dù bận bịu nhiều việc nhưng anh vẫn thường xuyên sáng tác ca cổ. Gần đây, anh lao vào viết thể loại tân cổ giao duyên với nhiều tác phẩm mang sắc thái mới, dạt dào tình cảm, mượt mà từ nhạc điệu, ca từ đầy chất thơ, tính văn học, đong đầy điển tích... đi vào lòng công chúng. Thực tế, tân cổ giao duyên phát triển cực thịnh vào những năm 1960, 1970 ở miền Nam, với nhiều tác phẩm làm say lòng người nghe nhiều thế hệ. Ở Phú Yên có nhiều người sáng tác ca cổ như anh Nguyễn Phụng Kỳ (TP Tuy Hòa), Bình Thảng (huyện Đông Hòa), Huỳnh Trọng Thống (huyện Phú Hòa)... Nhưng sáng tác loại hình tân cổ giao duyên dường như chỉ có mỗi anh Nguyễn Đình Thoại.
Tuy là dân “tay ngang”, nhưng anh Thoại đã sáng tác thành công nhiều tác phẩm như: Thành An Thổ, nơi sinh Tổng Bí thư Trần Phú, Về Tuy An quê tôi, Thương lắm Trường Sa ơi, Âm thanh của đá, Yêu lắm quê mình, Tuy Hòa ngày mới, Tương lai bừng sáng...
Lớp trẻ chúng tôi, nhiều người thuộc lòng câu vọng cổ (câu 2) bài Về Tuy An quê tôi của anh Thoại: Tiếng hát vút cao từ đồng bông An Mỹ, tiếng dương reo từ Long Thủy đợi chờ/ Đồi sắn An Xuân không bến không bờ/ Ai có về An Ninh yêu dấu/ Nơi trưởng thành đội du kích kiên trung/ Đèo Thị hiên ngang vẫn thủy vẫn chung/ Vẫn sớm đón chiều đưa từng chuyến xe qua lại/ Ai có về Thế Hiên, Phong Thái/ Xin gửi tình tôi về nơi xóm nhỏ Vùng Ba... Hoặc vọng cổ (câu 5) trong bài Tuy Hòa ngày mới: Tiếng máy reo vang từ khu công nghiệp khang trang An Phú, từ bốn phương về đây hội tụ, sản xuất kinh doanh xây dựng trời Yên đất Phú đẹp mãi muôn… đời. Thành phố quê tôi mãi mãi rạng ngời/ Nhớ chiến công xưa nơi mả bà Dũ Ký/ Giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ về bưng/ Bình Kiến hiên ngang, bất khuất, kiên trung/ Vang vọng mãi bản “Trường ca làng Phước Hậu”/ Đường Mậu Thân bấy nhiêu năm còn lưu dấu/ Những chiến công xưa rạng rỡ, oai hùng…
Nhạc sĩ Ngọc Quang, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ, ngưỡng mộ khả năng sáng tác tân cổ giao duyên của anh Thoại. Bởi anh là người Phú Yên mạnh dạn đưa tân nhạc vào bản vọng cổ. Sự cách tân này đã nâng tầm vóc mới của bài ca và góp phần làm cho nó quyến rũ hơn, sinh động hơn, tạo “làn sóng” ca hát nhạc tân cổ giao duyên làm say đắm lòng người nghe”.
Thương lắm Trường Sa ơi (Tân cổ giao duyên) Tân nhạc: NGỌC QUANG Cổ nhạc: NGUYỄN ÐÌNH THOẠI
Nhạc:
Mai em về anh có nhớ không Nhớ đất liền chiều chiều em ngóng đợi Hướng về biển Đông dáng anh sừng sững Canh giữ biển trời Tổ quốc thiêng liêng. Mai em về chắc sẽ không quên Chiều Trường Sa sóng rì rào ca hát Đi bên anh dưới tán lá bàng xanh mát Em thì thầm thương lắm Trường Sa ơi.
Vọng cổ câu 1:
Mai em về làm sao anh không nhớ, nỗi nhớ dâng lên theo từng con sóng vỗ, theo hải trình em đi từ biển đảo đến quê… nhà. Nỗi nhớ không nguôi cứ cuồn cuộn dâng trào Nhớ đất liền những chiều em ngóng đợi Nhớ những ngày hai đứa ở bên nhau Nhớ những đêm mình tính chuyện mai sau Em giận dỗi không bàn cùng anh nữa Rồi ngày chia tay em hẹn đợi anh về Và ngày ấy chúng mình sẽ nên duyên đôi lứa.
Vọng cổ câu 2:
Thấm thoát đã mấy mùa xuân như bóng câu qua cửa sổ, em vẫn luôn giữ lời hứa của tim mình. Năm tháng không ngăn duyên số của đôi mình Bởi hai trái tim đang hòa cùng nhịp đập Anh gìn giữ biển trời, em xây dựng quê hương Dù ở quê nhà nhưng em mãi không quên Chiều Trường Sa sóng rì rào ca hát Đi bên anh dưới tán lá bàng xanh mát Nghe lòng mình rộn rã một niềm vui.
Nhạc:
Mai em về anh ở lại biển khơi Canh giữ đảo cho đất liền yên giấc Nhớ nghe anh tình riêng mình gác lại Ngày anh về hạnh phúc sẽ đơm bông Mai em về nỗi nhớ mang theo Nhớ Trường Sa, Phan Vinh, Đá Đông, Tiên Nữ Biển đảo quê mình đẹp như tranh vẽ Mai em về nỗi nhớ nén vào tim. Trường Sa ơi Trường Sa! Chưa đến đã thương, chưa xa đã nhớ Tiếng còi tàu báo giờ về đất liền Em nghẹn lòng… thương lắm Trường Sa ơi! Tiếng còi tàu báo giờ về đất liền Em nghẹn lòng… thương lắm Trường Sa ơi!
Vọng cổ câu 5:
Mai em về anh ở lại biển khơi, canh giữ đảo cho đất liền yên giấc, ngày anh về sẽ là ngày đẹp nhất, ngày đôi ta được vẹn chữ chung… tình. Trường Sa ơi mãi mãi trong tim mình Nơi chưa đến, chưa xa mà sao thấy nhớ Bao năm rồi vẫn giấu mãi trong tim Những Đá Đông, Tiên Nữ, Phan Vinh Những Trường Sa, Cô Lin, Nam Yết Biển đảo quê mình một màu xanh ngát Mà chúng ta đang ra sức vun trồng.
Vọng cổ câu 6:
Sóng cuộn trào, sóng đang dậy biển Đông Nhưng sóng không phủ được màu xanh biển đảo Những cây bàng vuông qua cơn giông bão Vẫn hiên ngang đứng giữa biển trời Nhịp sống thanh bình vẫn nảy nở sinh sôi Từng đoàn tàu vẫn ra khơi vào lộng Em chợt thấy tình yêu và sức sống Đang vươn lên mạnh mẽ ở nơi này Đoàn tàu ra biển chiều nay Sóng to, biển động bao ngày chưa qua Gửi người trên đảo Trường Sa Tình yêu của cả quê nhà thân thương. |
LƯU PHONG