Thứ Sáu, 11/10/2024 09:20 SA
Về nơi thờ tự vị Thống soái đất Phú
Thứ Tư, 10/02/2016 11:00 SA

Lễ hội đền Lê Thành Phương hàng năm - Ảnh: TẤN TRỰC

Vùng đất Tuy An có nhiều danh thắng, di tích nổi tiếng như: đầm Ô Loan, địa đạo Gò Thì Thùng, chùa Từ Quang, gành Ðá Ðĩa, thành An Thổ... Trong đó gợi nhớ tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, niềm tự hào về đất và người nơi đây phải kể đến di tích mộ và đền thờ vị Thống soái Lê Thành Phương tại thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp.

 

CHÁU ĐỜI THỨ NĂM KỂ CHUYỆN CHA ÔNG

 

Theo một số tài liệu, đời Gia Long, cha Lê Thành Phương là Lê Thành Cao rời Thanh Hóa vào định cư ở Phú Yên, sinh ra Lê Thành Phương cùng 7 người con khác. Lê Thành Phương sớm yêu nước. Tháng 8/1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Lê Thành Phương cùng nhiều quan lại, sĩ phu đồng lòng đứng lên chống giặc giữ nước. Ông bị địch bắt và chém đầu vào ngày 20/2/1887 tại bến đò Cây Dừa, phủ Tuy An.

Tháng Chạp, chúng tôi về lại nơi di tích mộ và đền thờ vị Thống soái Lê Thành Phương ở thôn Mỹ Phú 1 trong không khí ấm áp giữa tiết trời lập xuân. Ngồi tại ngôi nhà riêng, bà Lê Thị Côi (cháu ngoại đời thứ năm của Lê Thành Phương) cùng chồng là ông Nguyễn Tấn Bản (SN 1951) tâm sự: “Nếu mai này, tôi và em Thủy mất đi thì coi như dòng dõi Lê Thành Phương không còn ai cả, bởi cả hai chị em đều là nữ”. Là cháu gái đời thứ năm nhưng hiện nay các công việc thông tin dòng họ, thờ cúng, giữ gìn truyền thống gia đình, vợ chồng bà Côi đều trông lo vì bà Thủy ở xa.

 

Mấy trăm năm qua, con cháu cụ Tú Phương giờ chỉ còn hai người là bà Lê Thị Côi và Lê Thị Thu Thủy. Theo bà Côi thì cụ Lê Thành Phương sinh ông Lê Thành Bính, ông Lê Thành Bính sinh ông Lê Châu, ông Lê Châu sinh ba người con là bà Lê Thị Có, ông Lê Thành Thao và ông Lê Lược. Trong đó, bà Lê Thị Có sinh ra Lê Thị Côi năm 1953, ông Lê Thành Thao không có con đã mất năm 1995, ông Lê Lược sinh được Lê Thị Thu Thủy năm 1974, cả bà Có và ông Lược đều mất năm 1993. Hiện tại, bà Côi sống tại thôn Mỹ Phú 1, gần khu mộ và đền Lê Thành Phương; bà Lê Thị Thu Thủy sống tại Tây Sơn, Bình Định, được gia đình xem là cháu nội ngũ thế tôn.

 

Ông Nguyễn Tấn Bản, chồng bà Côi, hương khói bàn thờ - Ảnh: TẤN TRỰC

 

Hiện nay, ông Nguyễn Tấn Bản là người trông coi chăm nom quét dọn, hương khói, giữ gìn khu di tích. Ngôi đền nằm tựa lưng vào sườn núi, quay ra vuông đất rộng rãi. Bên trái là một cây me dáng quỳ ba ngọn cổ thụ, một cây mã tiền gốc vài người ôm oằn trái và một cây cốc to. Bên phải là ngôi chùa Vĩnh Phước tôn nghiêm, sân đền có cây ngũ mộc hợp sanh khoảng 350-400 tuổi do năm cây gồm đa, bồ đề, sộp, duối dây và duối thường hợp lại thành một gốc to với đường kính chừng 7m.

 

Theo ông Bản, vào khoảng năm 1971, chính quyền Sài Gòn cho xây dựng đền Tú Phương. Người đại diện họ tộc là cụ Lê Thành Thao cùng họ hàng đã chọn vị trí này bởi nơi đây có một ngôi miếu cổ, nhiều cây đại thụ linh thiêng và tôn nghiêm. Đền làm đơn sơ, sau khi đất nước thống nhất mới được trùng tu sửa sang lại...

 

LỄ HỘI CỦA LÒNG DÂN

 

Bà Lê Thị Côi, cháu ngoại đời thứ 5 của  Lê Thành Phương - Ảnh: TẤN TRỰC

Sau hơn 40 năm giải phóng, làng quê Mỹ Phú đã thay đổi, đời sống nhân dân phát triển đáng kể. Cùng với những đổi thay vật chất, lễ hội đền Lê Thành Phương cũng được các cấp chính quyền xã, huyện và tỉnh quan tâm tổ chức ngày càng quy mô hơn. Hàng năm, dù làm gì, ở đâu, đến ngày 27, 28 tháng Giêng, người dân khắp nơi lại tề tựu về đây dâng hương tưởng nhớ vị Thống soái anh hùng hy sinh vì nghĩa lớn.

 

Năm nay dù đã 75 tuổi, ông Huỳnh Kim Bông (xóm Bến, thôn Mỹ Phú 1)  vẫn được người dân xem là người giữ hồn cho lễ hội đền. Từ năm 1976 đến nay, ông là bầu trưởng, huấn luyện chính và là người chấp lệnh trong đội múa siêu tại lễ hội. Ông Bông tâm sự: “Để làm được điều đó, tôi phải một mình lặn lội đi khắp nơi học kinh nghiệm xây dựng đội siêu. Các khâu từ chọn người, tập luyện, trang phục, một mình tôi lo liệu. Đó cũng là niềm vui và trách nhiệm đối với quê hương”.

 

Bà Đỗ Thị Khánh (68 tuổi) ở cạnh đền thì vui vẻ trông đến ngày giỗ cụ Tú Phương vì khi đó: “Bà con cả xã háo hức chờ ngày được thắp nén nhang tưởng nhớ vị anh hùng quê hương. Việc tổ chức lễ hội vừa khơi lại truyền thống hào hùng vừa được vui chơi giải trí nên ai cũng trông đợi”. Số đông học sinh các cấp ở Tuy An đều tự hào về truyền thống lịch sử quê hương mình. Em Phạm Nhật Bản, lớp 11A1, Trường THPT Lê Thành Phương, cho biết: “Em rất vinh dự được học ở ngôi trường mang tên Lê Thành Phương. Mỗi khi đến ngày lễ hội đền, chúng em đều thành kính biết ơn công lao to lớn của cha ông”.

 

Mỗi năm một lần, lễ hội đền Lê Thành Phương được xem như một món quà tinh thần đầy ý nghĩa của quê hương.

 

ÐÀO TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Dấu xưa
Thứ Bảy, 13/02/2016 18:00 CH
Lối xưa xe ngựa
Thứ Sáu, 12/02/2016 14:00 CH
Tân Hội Xưa
Thứ Hai, 08/02/2016 11:00 SA
Câu đối Tết
Thứ Hai, 08/02/2016 07:00 SA
Hơn 1.000 học sinh tham gia
Thứ Hai, 01/02/2016 07:53 SA
Hari Won - cô gái ngọt ngào
Chủ Nhật, 31/01/2016 17:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek