Thứ Sáu, 11/10/2024 09:18 SA
Tân Hội Xưa
Thứ Hai, 08/02/2016 11:00 SA

Sắc phong Thiên Y A Na năm Tự Đức thứ 5 (1853) - Ảnh tư liệu

Họ Nguyễn vào sinh sống ở Phú Nông Tân Hội (nay là thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, cùng với họ Lương, họ Cao, họ Lê là tiền hiền của làng Phú Nông.

 

Năm 1597, Lương Văn Chánh nhận sắc chỉ của vua khai khẩn vùng đất từ Cù Mông đến đèo Cả và lưu dân từ các vùng Thanh Nghệ, Thuận Quảng đến Trấn Biên khẩn hoang trên vùng đất mới là châu thổ của sông Đà Rằng, Bàn Thạch phì nhiêu nhưng còn hoang hóa… Năm 1720, Nội tán Nguyễn Khoa Đăng là vị tướng đã dẹp yên bọn cướp ở truông Nhà Hồ thuộc phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, được chúa Nguyễn ủy thác đưa dân di cư vào 2 tỉnh Quảng Ngãi và Phú Yên. Ông đã đưa một số người dân ở xứ Đàng Ngoài vào khai khẩn vùng đất Phú Yên và thành thủy tổ các dòng họ, như thủy tổ họ Đoàn vào lập nghiệp ở Vĩnh Phú vào khoảng năm 1736…

 

Tổ chức hành chánh buổi đầu có dinh, phủ, huyện, tổng, xã, thôn do tri phủ, tri huyện, chánh tổng và tri thâu (năm 1802), xã trưởng (năm 1807) và năm 1820, Minh Mệnh nguyên niên, chức danh xã trưởng đổi thành lý trưởng và giúp việc có các trùm chức, câu hương, câu đinh, biện lại, hương chủ, hương hào… Và cũng năm này, thôn Phú Nông có Cai đội Thủ Ngữ Thuận Hòa hầu (phái 3 họ Nguyễn) quản thủ hai xứ Ma Linh và Hòn Yến, về sau (1825) coi giữ cửa biển Phú Sơn, xã An Ninh, huyện Tuy An ngày nay. Trích nguyên văn:

 

管守厤灵海燕二處該隊守禦順和候

                                                                                    明命元年四月十玖日

 

Phiên âm:

Quản thủ Ma Linh Hòn Yến nhị xứ Cai đội Thủ Ngữ Thuận Hòa hầu

            Kế

Minh Mệnh nguyên niên tứ nguyệt thập cửu nhựt

Tạm dịch:

Cai đội Thủ Ngữ Thuận Hòa hầu quản thủ hai xứ Ma Linh, Hòn Yến

            Kê

Ngày 19 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ nhất

 

Thôn Phú Nông đã xây dựng đình từ buổi đầu và xây miếu Sông Thờ, còn gọi là Miễu Bà gần bờ sông thờ Thủy long và thờ Bà Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi. Làng Phú Nông ngày nay còn lưu giữ được 6 điệu sắc từ thời Tự Đức thứ 5 (1853) đến đời Khải Định thứ 9 (1924).

 

- Sắc phong Thiên Y A Na. Nguyên văn:

 

敕天依阿那演玉妃尊神原贈弘惠普濟,靈感妙通默想上等神護國

毗民念著靈應肆金丕應.耿命緬念神庥可加贈弘惠普濟靈感妙通

莊徽上等神.仍準綏和縣富農村依舊奉事神其相佑保我黎民,欽哉

                                                                                    嗣德五年拾壹日貳拾玖日

 

Phiên âm

 

Sắc Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi tôn thần nguyên tặng Hoằng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tưởng Thượng đẳng thần, hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi ưng. Cảnh mạng miến niệm thần hưu khả gia tặng Hoằng Huệ Phổ Tế Linh Cảm Diệu Thông Trang Huy Thượng đẳng thần. Nhưng chuẩn Tuy Hòa huyện, Phú Nông thôn y cựu phụng sự thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai.

 

Tự Đức ngũ niên thập nhất nhật nhị thập cửu nhật

 

Hàng năm vào tháng 2 ngày rằm rước sắc từ đình và lẫm làng về miếu Sông Thờ để tế thần rồi chiều ngày 16 lại rước sắc thần về lẫm làng  thờ phụng. Lễ tế thần và cúng Tiền hậu hiền trước năm 1945 có đến 3 hoặc 4 heo. Những năm chiến tranh, nhất là khi đình miếu bị hư sập sau năm 1975 thì việc rước sắc, tế thần không được thường xuyên nữa. Tuy nhiên, làng vẫn còn cúng vào dịp xuân kỳ thu tế tổ chức kết hợp dưới hình thức cầu quốc thái dân an.

 

Ba họ làng Phú Nông quản lý đất soi từ lâu đời đã thành quy ước dẫu chẳng thành văn mà vẫn duy trì hàng trăm năm không gặp khó khăn trở ngại. Các vị thủ chỉ - người quyết định chính, cùng với 3 trưởng phái đứng đầu họ tộc đã phân chia trên 300 mẫu đất phù sa và chăm lo bảo quản cũng chừng ấy đất cát dọc lòng sông và bờ bãi nay bồi mai lở. Các vị được bầu lên theo khả năng và tuổi tác nhưng vẫn phải luân phiên nhiệm kỳ 3 năm từ thuở lập làng.

 

Con trai của 3 họ, hễ đến 18 tuổi được thành “tráng” (người có đủ sức khỏe - trai tráng - được lý hương trong làng công nhận, được hưởng quyền lợi về đất ruộng và phải có nghĩa vụ với làng họ) thì dù ở bất cứ địa phương nào, hễ đến ngày giỗ lề, lạp về lại cúng tổ tiên và trình báo với trưởng phái của họ mình, đến tháng 11 năm ấy được chia phần đất soi trồng trọt hoặc cho thuê mướn. Từ buổi đầu đến trước năm 1945, mỗi tráng được 2 đám soi khoảng vài mẫu ta. Về sau, diện tích nhận được ít hơn vì số tráng tăng dần. Sở dĩ phải chia 2 đám soi là để có đám tốt, đám xấu và phần đất ấy thuộc quyền sở hữu cho đến khi qua đời và mãn tuần tự 3 năm mới thu hồi lại. Với người tuổi đời từ 60 trở lên đã thành lão, thì phải trả lại một phần đất...

 

Ngày “thả phán” là ngày không còn cấm bò và người ra soi nữa nên không khí trong làng rộn ràng vui vẻ. Tiếng người ồn ào, tiếng trẻ con la ó mừng vui. Tiếng bò “ù” nghé “ọ”. Đó là ngày hội của dân làng, của trẻ con chăn bò trong làng và các làng lân cận nữa.

 

Soi Phú Nông không những mang lại nguồn lợi của con cháu 3 họ Nguyễn, Lương, Cao mà còn cho cả con dân trong làng nữa. Nhiều gia đình ngoài số ruộng cày cấy 2 vụ ở ngoài đồng, họ trồng mía, khoai nơi đất thổ vườn nhà và thuê mướn soi trồng dưa, bí, mướp… Cung cách làm ăn có khác nhau tùy theo thời điểm và các thế hệ kế thừa, nhưng nhiều gia đình đã ba bốn đời giàu có nhờ soi 3 họ.

 

NGUYỄN ÐÌNH CHÚC

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Dấu xưa
Thứ Bảy, 13/02/2016 18:00 CH
Câu đối Tết
Thứ Hai, 08/02/2016 07:00 SA
Hơn 1.000 học sinh tham gia
Thứ Hai, 01/02/2016 07:53 SA
Hari Won - cô gái ngọt ngào
Chủ Nhật, 31/01/2016 17:00 CH
Hoan ca mừng Đảng mừng xuân
Chủ Nhật, 31/01/2016 15:00 CH
“Cơn sốt” mang tên “Southside With You”
Chủ Nhật, 31/01/2016 13:42 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek