Thứ Sáu, 11/10/2024 09:18 SA
Giọt xưa ngân lên tiếng mẹ
Thứ Ba, 09/02/2016 08:00 SA

Hòa tấu đàn bầu trên sông - Ảnh: PV

Ðêm thanh. Phố phường mơ màng ngủ, chỉ còn tiếng gió xao động vòm cây. Từ ngôi nhà cuối phố chợt ngân lên tiếng đàn bầu. Từng dòng âm thanh thánh thót rót vào đêm, biến ảo, mê hoặc. Ðêm xốn xang, thao thức…

 

CÂY ĐÀN MỘT DÂY VỚI ÂM BỒI BIẾN ẢO

 

Không ai rõ cây đàn bầu xuất hiện từ thời kỳ nào, chỉ biết rằng xa xưa đàn bầu là bạn đồng hành của những người mù hát xẩm, nói thay họ tiếng lòng và rong ruổi theo kiếp sống long đong. Thuở cổ sơ, người ta lấy trái bầu khô làm bầu đàn, cắt một đoạn tre làm thân đàn. Dân trong nghề nói rằng, đàn thân tre dễ chế tác và có thể đeo trên người, vì ống tre tròn, gọn. Tuy nhiên, âm thanh của đàn thân tre ít trong và nhỏ. Sau này, đàn hộp gỗ xuất hiện, âm thanh trong và vang hơn đàn thân tre. Được hoàn thiện qua bao thời gian, cây đàn bầu rót những dòng âm thanh mê hoặc lòng người. Nghệ sĩ Mai Hoàng ở TP Tuy Hòa, một người nặng lòng với âm nhạc cổ truyền của dân tộc, hào hứng: “Đàn bầu là nhạc cụ vô cùng độc đáo của người Việt, âm thanh rất đặc biệt. Với cây đàn bầu, người nghệ sĩ tài hoa có thể chơi đủ loại, từ cổ nhạc cho đến tân nhạc”. 

 

Bị quyến rũ bởi tiếng đàn bầu mỗi khi theo người lớn đi xem hát bội, cậu bé Trần Quang Hiếu ở TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) làm quen với nhạc cụ này từ khi học lớp 6. Anh lớn lên trong suối âm thanh biến ảo và trở thành nhạc công của dàn nhạc Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Ngót 10 năm gửi tâm tư trong réo rắt tiếng đàn, nghệ sĩ Quang Hiếu nói: Đàn bầu chỉ có một dây nhưng biểu đạt nhiều cung bậc cảm xúc của con người. Không những thế, cây đàn bầu có thể ngân lên tiếng chuông, phát ra tiếng gió hoặc những âm thanh ma quái… “Kỹ thuật diễn tấu đàn bầu rất khó, lúc mới học thấy rất phức tạp nhưng càng học càng mê đắm”, nghệ sĩ sinh năm 1985 này chia sẻ. Theo anh, khi độc tấu, hòa tấu đàn bầu, người nghệ sĩ sử dụng rất nhiều kỹ thuật. Còn khi hòa thanh cùng dàn nhạc trên sân khấu tuồng, người chơi đàn bầu cần nhấn nhá, luyến láy sao cho tiếng đàn thật tình cảm.

 

Điều thú vị nữa là chỉ một dây nhưng đàn bầu có âm vực rộng tới 3 quãng tám.

           

“CUNG THANH LÀ TIẾNG MẸ, CUNG TRẦM LÀ GIỌNG CHA…”

 

Những người yêu âm nhạc cổ truyền thường đắm đuối tiếng đàn bầu. Âm thanh của nhạc cụ dây này đầy biến ảo, rất gần với giọng người, ngân lên nhiều cung bậc cảm xúc và chạm vào sâu thẳm trái tim. Theo nhạc sĩ Nguyễn Gia Thiện, người có rất nhiều năm gắn bó với các nhạc cụ dân tộc, từ xa xưa, trên thế giới cũng có đàn một dây nhưng rồi loại nhạc cụ này không được phát triển. Riêng cây đàn bầu của người Việt dần được hoàn thiện, trở thành một nhạc cụ độc đáo. Các nhạc cụ khác có phím, người chơi dùng tay trái bấm phím, tay phải gảy đàn. Với đàn bầu, người chơi dùng cườm tay chặn dây và gảy để tạo ra âm bồi đầy biến ảo. “Đàn bầu đặc biệt ở chỗ có âm bồi, cho nên tiếng đàn rất gần với giọng người, dùng đàn bầu để ru con rất tốt, đứa trẻ cảm nhận như là tiếng mẹ. Trong ca khúc “Tiếng đàn bầu”, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc phổ thơ Lữ Giang: “Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha…”. Âm thanh của đàn bầu rất đẹp, trầm ấm thiết tha, diễn tả nhiều cung bậc tình cảm của người Việt và vô cùng quyến rũ. Chính vì thế dân gian có câu: Đàn bầu ai gảy nấy nghe/ Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”, nhạc sĩ Nguyễn Gia Thiện nói.

 

Theo tác giả “Nhịp phách tương giao”, “Mênh mang vó ngựa cung đàn”…,  bị mê hoặc bởi âm thanh quyến rũ nên nhiều người thích học và chơi đàn bầu. Nhiều nhạc sĩ giỏi đã cải tiến, như thay đổi độ dài của que gảy, giúp cho việc diễn tấu linh hoạt hơn, hay điện tử hóa đàn bầu bằng cách lắp mô-bin cảm ứng điện từ, để âm thanh ngân dài, huyền ảo hơn. “Và từ một dây, đàn bầu được cải tiến thành hai, thậm chí nhiều dây. Không chỉ sáng tác, các nhạc sĩ còn chuyển soạn những bản nhạc nước ngoài được nhiều người yêu thích cho các nghệ sĩ đàn bầu, như bài “Havana”, “Mùa hoa anh đào”, “Love story”…, nhạc sĩ Nguyễn Gia Thiện cho biết.

 

Từ cây đàn cổ sơ một dây với bầu đàn là trái bầu khô, thân đàn được làm bằng tre nứa…, đàn bầu dần được hoàn thiện. Nhạc cụ dây độc đáo này cất lên tiếng tâm hồn của người Việt và trở thành một đại diện tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

 

QUỲNH NHƯ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Dấu xưa
Thứ Bảy, 13/02/2016 18:00 CH
Hào khí Tây Sơn trong tiếng trống oai hùng
Thứ Bảy, 13/02/2016 13:00 CH
Lối xưa xe ngựa
Thứ Sáu, 12/02/2016 14:00 CH
Về nơi thờ tự vị Thống soái đất Phú
Thứ Tư, 10/02/2016 11:00 SA
Tân Hội Xưa
Thứ Hai, 08/02/2016 11:00 SA
Câu đối Tết
Thứ Hai, 08/02/2016 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek