Trong vòng hơn 1 tháng có tới 3 nhà văn lão thành Nam Bộ nối tiếp từ giã cõi đời, sau hai ông Trang Thế Hy và Thanh Giang giờ tới lượt ông Trần Thanh Giao. Cả ba nhà văn đáng quý này đều có công lao đối với sự phát triển của văn học Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh và cả nước mấy mươi năm qua.
MỘT LỰC ĐIỀN TRÊN CÁNH ĐỒNG CHỮ
Nói tới nhà văn Trần Thanh Giao, tôi hay nghĩ đến hình ảnh người lực điền trên cánh đồng chữ, người âm thầm đi tìm ngọc để dâng hiến cho đời, nhưng không phải lúc nào cũng được bội thu và tìm được của quý. Ông không thuộc hàng xuất sắc nhất trong thế hệ mình, nhưng ông là cây bút thuộc hàng chuyên nghiệp nhất. Ông không phải là ngôi sao sáng nhất, nhưng ông là hành tinh lặng lẽ có cách tồn tại riêng mình bằng hành trình bền bỉ, nghiêm cẩn và đầy tâm huyết trong từng câu văn, con chữ. Đặc biệt, ông luôn quan tâm truyền lửa văn chương đến những bạn trẻ mới vào nghề.
Khởi đi từ truyện ngắn “Câu chuyện một chiều thứ bảy” đoạt giải thưởng báo Thống Nhất năm 1959 ở Hà Nội, gần 60 năm sáng tác, nhà văn Trần Thanh Giao đã xuất bản gần 20 tác phẩm nhiều thể loại, tiêu biểu như các tập truyện ngắn “Dòng sữa”, “Đi tìm ngọc”, “Giữa hai làn nước” hoặc các tiểu thuyết “Đất mới vỡ”, “Cầu sáng”, “Một thời dang dở” và tập nghiên cứu, khảo luận “Văn học TP Hồ Chí Minh 1975-2005”. Nhà văn Trần Thanh Giao hợp cùng những đồng nghiệp gốc miệt vườn Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy, Anh Đức, Viễn Phương, Bảo Định Giang, Mai Văn Tạo, Kiên Giang, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền, Thanh Giang, Võ Trần Nhã, Đinh Quang Nhã, Ngọc Linh, Nguyên Hùng, Minh Khoa… đã làm giàu có thêm văn học Nam Bộ thế kỷ XX. Từ trải nghiệm, ông nhìn nhận: “Thế mạnh của văn chương Nam Bộ là chất hào hùng, phóng khoáng so với thế mạnh ở ngoài Bắc là tinh tế, sâu sắc. Hai thế mạnh này bổ sung cho nhau. Vì mỗi thế mạnh đều có mặt hạn chế cần được bổ sung để thành một tính cách đầy đủ của người Việt. Vấn đề các nhà văn Nam Bộ chưa được đánh giá đúng mức là chuyện có thể hiểu được. Ví như người Nam Bộ thích Hồ Biểu Chánh mà chưa thích Thạch Lam… Đó là do sự giao lưu còn hạn chế, sách in ở miền này, miền kia không có”.
ĐI THEO TIẾNG GỌI CỦA VĂN CHƯƠNG
Trong những lần trò chuyện, nhà văn Trần Thanh Giao hay nói rằng cuộc đời ông là những chuyến đi không ngừng. Lúc còn học ở Cần Thơ, ông đã liên tục đi về giữa Cần Thơ - Mỹ Tho - Sài Gòn để vận động phong trào đấu tranh học sinh yêu nước. Khi vào bưng biền kháng chiến chống Pháp làm báo Độc Lập, rồi tập kết ra Bắc lần lượt làm các báo Nhân Dân, Thống Nhất và sau này là Giải Phóng, ông cũng liên tục xê dịch, vì nghề báo là nghề… đi. Nhờ đó mà ông rèn luyện được sức khỏe, đôi chân thêm dẻo dai, làm việc không biết mệt mỏi. Và chính nghề báo giúp ích rất nhiều cho sáng tác văn học của ông.
Như nhiều cây bút khác, Trần Thanh Giao khởi đầu làm thơ, viết phóng sự từ thời còn học sinh. Đến khi ra Bắc, ông mới viết truyện, với truyện ngắn đầu tay là “Thăm nhà” được đăng trên báo Thống Nhất năm 1958, nhưng truyện “Câu chuyện một chiều thứ bảy” được giải thưởng mới thực sự là “tấm giấy thông hành” cho ông bước vào làng văn. Ông nhớ lại: “Truyện được đánh giá cao nhờ hai yếu tố: thể hiện được sắc thái rừng U Minh và lòng thương nhớ miền Nam. “Câu chuyện một chiều thứ bảy” đứng đầu các giải nhì, không có giải nhất. Bấy giờ, cả nước đang tiến hành cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, nên cuộc thi của báo Thống Nhất đã thu hút được sự tham gia của hầu hết các nhà văn tiếng tăm. Giải nhất được treo rất lớn, tới 300 đồng. Trong khi cuộc thi của các báo khác, như Văn Nghệ chẳng hạn, giải thưởng tối đa là 100 đồng. Mà 100 đồng cũng đã có thể mua được một chiếc xe đạp tốt - niềm mơ ước của bao cán bộ lúc ấy”.
Cả một đời say mê, chăm chỉ, tâm huyết với văn chương, sự ra đi đột ngột của ông để lại niềm thương tiếc cho mọi người, nhất là những bạn văn trẻ từng được ông chăm lo, bồi đắp.
Nhà văn Trần Thanh Giao sinh ngày 19/5/1932, quê ở Ô Môn, Cần Thơ. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh trong nhiều khóa, Phó Tổng Biên tập tạp chí Văn, Trưởng trại Sáng tác và bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ. Ông cũng từng là Phó Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam, Thường trực Văn phòng đại diện phía Nam.
Nhà văn Trần Thanh Giao đã từ trần lúc 3 giờ 15 ngày 19/1 (nhằm mùng 10 tháng Chạp năm Ất Mùi) tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 85 tuổi. |
PHAN HOÀNG