Đam mê các loài hoa, chị Hồ Thị Mỹ Lam ở xóm 5, thôn Hòa Đa, xã An Mỹ (huyện Tuy An), đang sở hữu một vườn hoa sứ cả ngàn cây với nhiều loại hoa khác nhau. Không chỉ làm đẹp cho không gian gia đình, vợ chồng chị đã thành lập cơ sở vườn sứ Thảo Nguyên, sẵn sàng cung ứng cho những người yêu hoa sứ trong tỉnh và khắp mọi miền đất nước.
Chị Lam đang chăm sóc vườn sứ của mình - Ảnh: Đ.T.TRỰC |
Tết năm 2014, chị Lam đến các cửa hàng hoa ở TP Tuy Hòa mua hoa về chơi tết. Khi thấy những cây sứ từ miền Nam chuyển ra có hoa đủ sắc màu, chị mê ngay. Lúc đó, chị chỉ mua vài cây về chơi trong dịp tết rồi sau đó lấy bo (đọt) của những cây này đem ghép với các cây sứ ta (sứ đơn 5 cánh) có sẵn trong vườn nhà. Những mầm cây ghép sống sau hai tháng đã cho hoa. Thế là chị Lam làm tới. Ban đầu, chị đi sưu tầm những gốc sứ lớn nhỏ ở nhiều nơi rồi về trồng để ghép, sau đó chị đặt mua cây sứ con nguyên liệu, cùng các giống sứ mới từ miền Nam chuyển về, tự lên mạng tìm hiểu thêm kỹ thuật rồi trồng và ghép. Thời gian đầu còn nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, cây ghép ít thành công do bị thối, hoặc ghép rồi nhưng mầm cây không phát triển tốt, cây cho hoa không đều, rụng và thối cuốn hoa. Sau đó, chị học hỏi nhiều ở sách báo và người quen nên hơn nửa năm, vườn sứ của chị mới thực sự phát triển tốt.
Từ những cây sứ ra hoa đẹp, chị chụp ảnh rồi đưa lên facebook cá nhân “khoe” với mọi người. Không ngờ, những tấm ảnh đó được nhiều người thích, chia sẻ và hỏi mua hoa sứ. Để đáp ứng nhu cầu của bạn bè, vợ chồng chị đã chăm để sứ nở hoa đều, chuyển đến khách hàng những cây sứ đẹp hơn.
Hiện nay, vườn nhà chị Lam có khoảng 1.000 chậu sứ đủ cỡ tuổi với gần 100 loại hoa khác nhau, mà tiêu biểu nhất là các giống hoa mới như: Long Thành, Phúc Tấn, Tấn Hoàng, Đài Loan 12 cánh, Culirosi, Kim Giáp, Thần Tài, Noel 3, Heng Heng… Chính vì thế, điều ấn tượng nhất khi đến vườn sứ Thảo Nguyên là được chiêm ngưỡng nhiều chậu sứ có dáng thế khác nhau và đơm kín nụ chờ đón xuân về.
Nói về kỹ thuật trồng sứ, chị Lam cho biết, sứ nhà chị hầu hết là sứ con được ươm từ hạt. Nguồn hạt có được là do vợ chồng chị thụ phấn giữa các giống sứ với nhau. Theo chị Lam, thời gian bắt đầu thụ phấn đến khi cây sứ con ra hoa thường hơn 1 năm. Thời gian từ lúc đậu trái đến chín khoảng 2,5 tháng, ươm trồng và chăm bón tốt thì chừng 8 tháng sau cây con ra hoa. Khi trồng sứ, chúng ta có thể uốn tạo cây thành nhiều thế kiểng, bon sai với hình thân và bộ rễ như hình người đứng, người nằm, người quỳ gối khác nhau. Kinh nghiệm để tạo dáng cho cây cũng khá đơn giản, đó là vào mùa nắng, ta kết hợp thay đất rồi nhổ cây lên, sau đó cắt tỉa sắp xếp rễ, cũng có thể để thế cây nghiêng ngã rồi trồng lại như ý.
Trồng và chăm sóc được vườn sứ như hôm nay chị Lam thấy rất vui. Tuy nhiên, bên cạnh sự thành công thì cái khó khi trồng loại cây này cũng không ít. Cây sứ chịu nắng, trong khi đó mùa đông ở ta mưa nhiều, thời tiết lạnh nên cây bị bệnh thối nhũn. Vì vậy để sứ ra hoa đều trong dịp tết là không dễ. Hơn nữa, do mới vào nghề nên chị Lam chưa có nhiều; người chơi sứ trong tỉnh chưa nhiều nên gặp khó trong trao đổi kinh nghiệm và bán sản phẩm.
Kết quả, sau hơn 2 năm miệt mài học hỏi và chăm trồng, chị Lam đã xuất bán rất nhiều cây hoa sứ đẹp ở mọi vùng quê của Phú Yên và khắp các tỉnh, thành trong cả nước, mà nhiều nhất là Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Định… Giá mỗi cây hiện nay từ 130.000 đồng trở lên tùy theo thế dáng… Cách bán đơn giản là chị đưa ảnh những cây sứ ra hoa trên mạng, mọi người xem ưng ý thì thống nhất giá rồi chị đóng thùng gửi dịch vụ đến tận nơi. Trong tương lai, vợ chồng chị Lam sẽ mở rộng vườn sứ với nhiều cây và giống cũng như chất lượng nghệ thuật để phục vụ những người yêu hoa sứ.
Nhận xét về kỹ thuật trồng ghép, tạo thế và chăm hoa sứ của chị Lam, bà Phạm Thị Mỹ Tuyết, một người chơi hoa sứ ở phường 9 (TP Tuy Hòa), từng là khách hàng của chị Lam, cho biết: “Sứ trong vườn nhà chị Lam có đủ dáng thế, mỗi thế chị biết chọn ghép những giống có lá và hoa phù hợp với cây. Chị Lam còn rất nhanh trong việc tuyển được những giống mới rất đẹp từ miền Nam về để phục vụ người yêu hoa. |
ĐÀO TẤN TRỰC