Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2000-2015) và 10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội (2005-2015) huyện Sông Hinh, nhiều đại biểu đã trăn trở, bày tỏ lo ngại về sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
NHỮNG TRĂN TRỞ
Huyện miền núi Sông Hinh là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc đan xen tạo nên một vùng đất Sông Hinh đa sắc màu văn hóa. Tuy nhiên, tín ngưỡng người bản địa, đan xen với văn hóa người miền xuôi và tôn giáo từ các nền văn hóa khác truyền vào đã tạo nên một sự pha trộn, hòa tan. Cùng với sự phát triển kinh tế và quá trình hội nhập, văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc nơi đây đang dần phai mờ bản sắc. Các lễ hội truyền thống mang tính cộng đồng ít được người dân quan tâm, trong khi đối với tâm thức của đồng bào nơi đây, các lễ hội cộng đồng gắn liền với môi trường tự nhiên là phần văn hóa tâm linh không thể thiếu.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ea Ly, chia sẻ: “Các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp; sự cấm kỵ, linh thiêng của những khu rừng, dòng sông, con suối nhằm hạn chế sự phá hoại của con người đối với môi trường sinh thái nay đã phai nhạt. Các tục thờ thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối cũng vì thế mà ít được người dân chú trọng, để ý nên kéo theo đó là tệ nạn phá rừng bừa bãi, ô nhiễm các dòng nước nguồn”.
Trang phục và các sản phẩm thủ công là nét đặc trưng tiêu biểu tạo nên bản sắc riêng của người dân tộc thiểu số vùng đất Sông Hinh. Thế nhưng, hiện nay, tình trạng mất dần nghề dệt thổ cẩm đã trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với người dân nơi đây. Thanh niên không mặn mà với việc mặc quần áo của dân tộc mình ngay cả trong những ngày diễn ra lễ hội là thực trạng chung đang diễn ra.
Già làng Lê Mô Y Mỹ ở thôn Suối Dứa, xã Sông Hinh, ngao ngán nói: “Như trong thôn của tôi bây giờ, người Ba Na tham gia biểu diễn văn nghệ thì đi thuê trang phục truyền thống của người Ba Na bên huyện Đồng Xuân. Dù có tốn kém, chúng tôi cũng phải chịu chứ không lẽ mình biểu diễn tiết mục văn nghệ truyền thống của dân tộc mình lại đi mặc đồ của người Kinh thì coi sao được. Hiện nay, người già biết dệt vải trong thôn thì không còn, người trẻ thì không biết dệt.
Lễ hội mà không có trang phục để mặc thì ngày thường làm sao mà có người mặc quần áo của dân tộc mình. Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na ở thôn Suối Dứa coi như mất hẳn”.
Kiến trúc nhà ở thay đổi, người dân chủ yếu làm nhà ngói theo phong cách của người Kinh chứ không làm nhà sàn; thanh niên nhiều địa phương không mặn mà với việc học đánh cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống… là những vấn đề mai một giá trị văn hóa cổ truyền được nhiều đại biểu dân tộc thiểu số trăn trở.
Già làng Ma Hia ở xã Ea Lâm, cho biết: “Một số cán bộ công tác ở vùng dân tộc, trong đó có cả người dân tộc thiểu số không hiểu nhiều về phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào. Điều này gây khó khăn trong công tác tuyên truyền để người dân hiểu biết giá trị vốn có thuộc về bản sắc của dân tộc mình. Công tác vận động để người dân tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vì thế càng trở nên khó thực hiện”.
CẦN LẮM NHỮNG CON NGƯỜI TÂM HUYẾT
Hiện nay, thôn Tân Lập, xã Ea Ly, có câu lạc bộ hát then tập hợp hầu hết người Tày, Nùng và cả bà con các dân tộc khác trên địa bàn xã tham gia sinh hoạt. Câu lạc bộ này trở thành đại diện tiêu biểu của phong trào văn nghệ quần chúng huyện, tham gia các hội diễn văn nghệ trên địa bàn tỉnh. Ông Triệu Văn Tan, Trưởng thôn Tân Lập, chia sẻ: “Tôi luôn xác định hát then chính là phần hồn của người Tày, Nùng trong thôn. Vì thế, tôi tìm đến nhà những nghệ nhận giỏi hát then và đàn tính để tập hợp họ lại rồi chọn ngày sinh hoạt. Khi hoạt động trở nên thường xuyên thì thu hút được nhiều người tham gia, trong đó có các bạn trẻ. Hát then hiện nay được coi trọng trong các hội diễn văn nghệ quần chúng nên nhiều người đã ý thức về giá trị của loại hình nghệ thuật dân tộc mình và của dân tộc khác”.
Buôn Bầu, xã Ea Bá, có đến 90% gia đình được công nhận là gia đình văn hóa. Trong đó, số hộ gia đình văn hóa được công nhận trên 3 năm chiếm 70%. Già làng Ma Thiêng cho biết: “Buôn Bầu chủ yếu là người Ê Đê sinh sống. Những người có uy tín trong thôn quyết tâm đưa các nội dung về văn hóa, tín ngưỡng của người Ê Đê vào hương ước. Hương ước quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh, bãi bỏ các hủ tục như: nối dây, ép cưới, thách cưới, tảo hôn. Việc khuyến khích con cháu học hành, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống đều được ghi vào hương ước. Người già, người có uy tín trong làng chấp hành trước và nhiều người trong thôn thấy thế noi theo”.
Ông Trần Trung Dũng, Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Sông Hinh, cho biết: “Thực tế cho thấy, phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản và các nghệ nhân dân tộc thiểu số sẽ nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Ở địa phương nào, cán bộ ngành Văn hóa được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên thì ở đó văn hóa truyền thống sẽ được giữ gìn và phát huy. Ngành Văn hóa sẽ chú trọng hơn nữa công các bồi dưỡng, tập huấn nhóm hạt nhân này, đồng thời nhân rộng vai trò nhóm hạt nhân tới nhiều thôn, buôn hơn nữa trên địa bàn huyện.
Hiện nay, UBND huyện Sông Hinh đẩy mạnh triển khai đề án Phát triển du lịch văn hóa tại buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng. Từ đề án này, ngành Văn hóa huyện hỗ trợ xây dựng các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan; phục dựng các lễ hội truyền thống tạo sân chơi và khuyến khích tinh thần, khả năng sáng tác của mọi tầng lớp nhân dân; hỗ trợ kinh phí để nghệ nhân mở các lớp dạy cồng chiêng... Phát triển kinh tế gắn liền với phát huy văn hóa của mỗi dân tộc là hướng phát triển lâu dài trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng đất Sông Hinh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn |
DIỆU ANH