Vượt qua sự thiếu may mắn vì bệnh tật, Nguyễn Thị Kim Hòa đã tìm cảm hứng trên trang viết, sáng tạo những tác phẩm xúc động về cuộc sống đời thường ở miền gió cát Nam Trung Bộ. Sau thành công của những tập truyện viết cho người lớn, đoạt giải nhất Cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2013-2014, mới đây chị đoạt tiếp giải nhất thể loại truyện ngắn Cuộc vận động sáng tác Văn học thiếu nhi năm 2013-2015 do Hội Nhà văn Đan Mạch phối hợp với NXB Kim Đồng tổ chức.
Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa - Ảnh: H.PHAN |
* Xin chúc mừng truyện ngắn “Hoàng tử Rơm” của chị đoạt giải nhất văn học thiếu nhi. Lần này, cảm xúc của chị có khác gì so với khi nhận giải nhất Văn nghệ Quân đội?
- Cảm xúc vui mừng và bất ngờ hai cuộc thi mang lại cho tôi đều như nhau. Nếu ở cuộc thi của tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi được thử sức những đề tài mới mẻ với mình như lịch sử, chiến tranh thì ở cuộc vận động sáng tác lần này là thêm một sự trải nghiệm, một “chuyến đi” mới tới một vùng đất khác nữa: sáng tác cho thiếu nhi.
* Được biết, trước đây chị cũng từng sáng tác cho thiếu nhi…
- Đúng vậy, tôi không phải người khách lạ của vùng đất mới này. Quyển sách đầu tiên “Tay chị Tay em” của tôi là một truyện vừa dành cho thiếu nhi. Tôi đã tham gia viết ý tưởng và lời cho 2 bộ sách tranh kỹ năng cho thiếu nhi. Từ khi bắt đầu viết, song song với những sáng tác cho người lớn, tôi luôn dành những phút trong trẻo, nhẹ nhàng cho những sáng tác cho các em. Khi viết cho thiếu nhi, tôi luôn có cảm giác nhẩn nha, thư thả của người được đi chơi. Giải thưởng lần này giống như một món quà dễ thương tôi tình cờ nhặt được bên đường. Tôi không nghĩ sẽ mang nó suốt cuộc hành trình, vì có món quà nào giữ lâu mà không nặng. Tôi không viết để được quà. Tôi viết vì tôi thích.
* Với thế giới tuổi thơ, không phải nhà văn nào cũng có thể sáng tác thành công. Chị thấy đâu là cái khó khi viết truyện cho thiếu nhi?
- Theo tôi, khó nhất khi viết cho thiếu nhi là góc nhìn. Người lớn thường hay áp đặt suy nghĩ mình cho con nít. Trong sáng tác cho thiếu nhi cũng vậy. Dẫu biết một người viết giỏi cũng như một diễn viên giỏi, nhập được tất cả các vai, “diễn” được tất cả mọi nhân vật, nhưng để đóng vai một đứa trẻ, kể câu chuyện của một đứa trẻ, người lớn sẽ khó khăn lắm để tìm được độ “trong”, độ “quái chiêu” của trẻ nhỏ. Người lớn nào cũng đã từng là con nít. Nhưng cặp mắt kính nhìn thế giới của con nít, người lớn đã làm mất lâu rồi. Tìm lại nó đã khó, mà đeo lại nó lên mới càng khó làm sao!
* Có lẽ nhờ thường xuyên tiếp xúc với các học trò nhỏ của mình mà chị thấu hiểu về trẻ em để từ đó thể hiện trên trang viết. Đó phải chăng là thế mạnh của chị?
- Tôi tự thấy mình có thuận lợi hơn nhiều bạn văn khác khi viết cho thiếu nhi. Hàng ngày, công việc cho tôi tiếp xúc và gặp được vô số cặp mắt nhìn thế giới của các em. Ở lớp học nhỏ của mình, tôi không chỉ là cô giáo, tôi còn là một đứa trẻ. Đứa trẻ “người lớn” là tôi láu lỉnh thu nhặt hết những ngộ nghĩnh, trong vắt xung quanh mình đưa vào trang viết. Những học trò nhỏ của tôi không chỉ cho tôi mượn mắt nhìn, các em còn là động lực thúc đẩy khi ngày ngày đòi tôi viết. Tôi có được những độc giả vô cùng tích cực. Tôi có được những “nhà phê bình” nhí cực kỳ khó tính. Chừng ấy thứ bên cạnh cũng đủ khiến tôi trở thành một người viết may mắn rồi.
* Dù xuất hiện chưa lâu, nhưng chị đã dần khẳng định năng lực sáng tác văn học của mình. Điều đó có ý nghĩa ra sao đối với cuộc sống của chị? Từ trải nghiệm của bản thân, chị thấy văn học có ích thế nào đối với con người?
- Văn chương với cuộc sống của tôi có một ý nghĩa đặc biệt. Tôi có một cuộc đời đơn giản, nếu không muốn nói là buồn chán. Số phận không dành cho tôi nhiều ưu ái. Nhưng bù lại, số phận đưa văn chương đến với tôi. Tựa vào văn chương, tôi đứng dậy. Bệnh tật, mệt nhọc đều không tồn tại khi tôi viết. Nhờ văn chương, tôi thoát ra khỏi thế giới nhỏ hẹp của mình, sống được nhiều cuộc đời, nhiều số phận khi sắm vai vào nhân vật. Văn chương đưa tôi đến những vùng đất mà sức khỏe tưởng chừng không cho phép tôi đặt chân. Văn chương trao cho tôi những người bạn, những đồng điệu, yêu thương để tôi hạnh phúc biết rằng: tôi không chỉ một mình.
Tôi cũng luôn tin tưởng vào vai trò của văn chương trong việc hỗ trợ tinh thần và góp phần xây dựng nhân cách con người. Tôi hay khuyên các cô bé, cậu bé xung quanh mình đọc sách. Có những thứ rung cảm tuyệt vời mà chỉ từ trang sách, từ văn chương, ta mới thẩm thấu được. Một đứa trẻ biết rung cảm, biết yêu thương sẽ không thể là một đứa trẻ vô cảm hay hèn nhát. Người ta có thể gán cho văn chương quá nhiều trách nhiệm. Với riêng tôi, văn chương trước giờ vẫn chỉ một mục tiêu duy nhất: vì con người!
* Chị cảm nhận ra sao về những cây bút văn xuôi cùng thế hệ trẻ với mình?
- Văn xuôi chưa bao giờ là lĩnh vực kém thu hút với các cây bút trẻ. Tôi không có nhiều điều kiện để giao lưu, tiếp xúc hay tham gia các sự kiện văn chương. Nhưng văn xuôi trẻ trong nước, tôi cũng khá quan tâm và đọc nhiều người, không chỉ bạn bè. Tôi cho rằng mình có quyền tin văn xuôi trẻ rồi sẽ làm được nhiều điều, không thua kém các thế hệ đi trước. Những tên tuổi như Nguyễn Quỳnh Trang, Lê Minh Nhựt, Văn Thành Lê, Hữu Tài, Tiểu Quyên... lứa tuổi 8X hay Nhật Phi, Cao Nguyệt Nguyên… lứa tuổi 9X đã và vẫn không ngừng khẳng định mình bằng những sáng tác ấn tượng. Luôn có một sự tiếp nối và kế thừa liên tục trong đội ngũ văn xuôi trẻ.
* Cảm ơn chị. Chúc chị có nhiều niềm vui mới trên trang văn và cuộc sống!
HÙNG PHAN (thực hiện)