Thứ Bảy, 12/10/2024 09:22 SA
Saranai réo rắt
Thứ Ba, 15/12/2015 09:46 SA

Là nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội của người Chăm, tiếng kèn saranai lúc hân hoan réo rắt, lúc khắc khoải nối đất với trời. Nhạc cụ này được coi là vật quý của tổ tiên, dòng tộc.

 

Nghệ nhân Thiên Sanh Minh thổi kèn saranai - Ảnh: H.AN

 

TIẾNG KÈN CỦA TỔ TIÊN

 

Nghệ nhân Thập Ariza ở xã Phước Thuận (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), cho biết: “Theo quan niệm của người Chăm, kèn saranai tượng trưng cho phần đầu, trống paranưng tượng trưng cho phần bụng, còn trống ghinăng tượng trưng cho đôi chân của con người. Đây được coi là những nhạc cụ thiêng, diễn tấu trong các lễ hội của người Chăm, trong đó có lễ hội của làng diễn ra vào ngày 1 tháng 1 Chăm lịch và lễ hội lớn của dòng tộc, diễn ra trong nhiều ngày đêm”. Tiếng kèn saranai - lúc réo rắt vui tươi, lúc bi ai khắc khoải - thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau và cuốn hút người người đến với lễ hội - nơi bảo tồn một cách sống động âm nhạc cổ truyền của người Chăm.

 

Kèn saranai được coi là vật quý của tổ tiên, dòng tộc. Vì vậy, mỗi lần muốn đem kèn đi diễn tấu trong các lễ hội thì trước hết phải làm lễ, xin phép tổ tiên ông bà. Đó là lý do tiếng kèn rất đặc trưng này chỉ vang lên nơi đền tháp, trong các lễ hội chứ không cất lên trong những ngôi nhà Chăm.

 

Trên thân kèn saranai có 7 lỗ chính ở phía trên và một lỗ phụ ở phía dưới, tương ứng với 5 nốt nhạc, đồng thời tượng trưng cho 5 giác quan của con người. Theo nghệ nhân Thập Ariza, khi hòa thanh cùng các nhạc cụ cổ truyền khác, tiếng kèn saranai vang to khỏe khoắn, như hiệu lệnh mở đầu để các nhạc cụ khác tấu theo. Saranai là nhạc cụ định âm duy nhất và không thể thiếu trong các lễ hội của người Chăm.

 

Hai thầy trò Thiên Sanh Minh và Ức Minh Bình Thiên chế tác kèn saranai - Ảnh: H.AN

 

GÌN GIỮ HỒN CHĂM

 

Có gần 15 năm chế tác và gắn bó với cây kèn saranai, nghệ nhân Thiên Sanh Minh ở xã Phước Hữu (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) dành tình cảm đặc biệt cho nhạc cụ này. Anh cho biết: “Tôi được cha - nghệ nhân Thiên Sanh Thèm - truyền nghề chế tác kèn và dạy cách thổi kèn. Saranai có 3 phần: loa kèn, thân kèn và dăm kèn, được ráp lại với nhau. Loa kèn được làm bằng sừng trâu hoặc gỗ quý; thân kèn làm bằng lõi gỗ; cọc dăm làm bằng bạc hoặc đồng gắn với dăm kèn - tức lưỡi gà - được làm bằng lá buông”.

 

Nói thì đơn giản, nhưng chế tác kèn saranai không hề dễ. Trước tiên phải tìm được lõi gỗ tốt đem về bào cho thẳng, khoan cho rỗng ruột và khoan lỗ trên thân kèn. “Khó nhất là khâu khoan lỗ, mỗi lỗ cách nhau khoảng 2cm. Tiếng kèn hay - dở phần lớn là do hàng lỗ này. Nếu khoan trật thì tiếng kèn không chuẩn, không hay”, anh Thiên Sanh Minh chia sẻ. Nghệ nhân 36 tuổi này mất cả tuần mới làm xong một cây saranai.

 

Chế tác kèn đã khó, tấu một bài nhạc cũng không hề đơn giản vì khi thổi saranai, người thổi không được ngắt hơi. “Chúng tôi ém hơi trong bụng, “để dành” ở hai má, khi nào hết hơi thì hít vào bằng mũi, ém hơi trong bụng rồi tiếp tục đưa lên hai má trước khi thổi”, nghệ nhân Thiên Sanh Minh cho biết.

 

“Gừng càng già càng cay”, nghệ nhân thổi saranai càng lâu năm thì càng hay, bởi họ có kinh nghiệm và đưa hết tâm tư vào tiếng kèn.

 

Âm nhạc, trong đó có tiếng kèn saranai là linh hồn của các lễ hội Chăm, còn lễ hội là nơi bảo tồn âm nhạc cổ truyền. Song có một thực tế là hầu hết nghệ nhân chơi các nhạc cụ đều đã lớn tuổi. Về việc truyền dạy cho lớp trẻ, nghệ nhân Thập Ariza cho biết: “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Quan niệm của ông bà xưa không cho phép dạy chơi các nhạc cụ trong nhà, muốn học phải đem ra ngoài vườn, ngoài rẫy mà học, đó là khó khăn thứ nhất. Tiếp theo, phải có năng khiếu, đam mê và tâm huyết thì mới học được. Việc truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ cổ truyền của người Chăm thường theo kiểu cha truyền con nối, tìm được người ngoài để truyền cũng khó. Mặt khác, các em các cháu bây giờ thích nghe nhạc hiện đại, có tiết tấu nhanh; sự hiểu biết về nhạc cụ dân tộc còn hời hợt…”.

 

Tuy nhiên, vẫn có những người trẻ tuổi đam mê các nhạc cụ dân tộc, Ức Minh Bình Thiên (SN 1995, ở xã Phước Hữu) là một ví dụ. Ức Minh Bình Thiên thổ lộ: “Từ nhỏ, tôi đã theo các anh chị xem lễ hội và yêu thích các nhạc cụ dân tộc, trong đó có tiếng kèn saranai. Cách đây chừng 5 năm, tôi may mắn gặp thầy Thiên Sanh Minh và theo học cách thổi kèn saranai. Lúc mới tập thổi kèn thấy khó, nhưng vì đam mê nên tôi cố gắng, càng học càng thấy yêu thích và gắn bó với cây kèn”. Ngoài saranai, Ức Minh Bình Thiên còn biết sử dụng trống paranưng và trống ghinăng. Bạn trẻ này là người truyền cảm hứng để các nghệ nhân lớn tuổi nỗ lực truyền nghề cho lớp trẻ.

 

HÀ AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Tựa vào văn chương, tôi đứng dậy”
Chủ Nhật, 13/12/2015 14:00 CH
Chờ đợi Phạm Hương tỏa sáng
Chủ Nhật, 13/12/2015 10:06 SA
Megan Fox
Chủ Nhật, 13/12/2015 10:04 SA
Mời cộng tác báo Xuân Bính Thân 2016
Chủ Nhật, 13/12/2015 07:54 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek