Mừng nhà văn Vũ Hạnh thượng thọ 90 tuổi, nhìn lại sự nghiệp phong phú và sôi động, nhất là qua những trước tác, rõ ràng ông không chỉ là nhà văn mà còn là nhà hoạt động văn hóa và xã hội tiêu biểu, với tài năng và nhân cách đáng quý.
“Sông nước mênh mông nhắc nhớ ngàyVượt thác
Bút máuchưa khô tim vẫn rực Lửa rừng
Chín mươi mùa xuân - Một chặng đường bút mực
Chất ngọcdâng đời giá trị sống của cha ông”.
Đó là bốn câu thơ do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tặng nhà văn Vũ Hạnh trong lễ mừng thượng thọ 90 tuổi của ông vào cuối tháng 7/2015. Bốn câu thơ được một nữ hội viên giấu tên xúc cảm trước những tác phẩm của ông mà chị yêu thích: Sông nước mênh mông, Vượt thác, Bút máu, Lửa rừng, Một chặng đường bút mực, Chất ngọc. Tất nhiên, nhà văn Vũ Hạnh còn nhiều tác phẩm có giá trị khác như: Mùa xuân trên đỉnh non cao, Con chó hào hùng, Cô gái Xà Niêng, Đọc lại Truyện Kiều… và đặc biệt là Người Việt cao quý đến nay tái bản 50 lần.
Có thể nói, lễ mừng thọ trân trọng nhà văn Vũ Hạnh là một hành xử ý nghĩa của Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh khóa VII ngay sau khi nhận nhiệm vụ, cho dù chưa hoàn toàn kịp thời, vì ngày sinh của ông là 15/7/1926. Tuy nhiên, theo nhà văn Vũ Hạnh, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời ông được tổ chức sinh nhật và ngày sinh thực sự của mình chính ông và gia đình cũng không thể xác định. Giữa tình cảm ấm áp mà các đồng nghiệp, bạn bè và các cơ quan ở Trung ương lẫn TP Hồ Chí Minh dành cho mình, nhà văn Vũ Hạnh đã xúc động ôn lại nhiều kỷ niệm về cuộc đời đầy thăng trầm…
Sau khi từ Đà Nẵng ra Huế học thi đậu tú tài 1 thì Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), ông bỏ học quay về quê nhà tham gia Mặt trận Việt Minh, thành lập Đội võ trang tuyên truyền, tiến tới Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền. Quân Pháp tái xâm lược, ông lập đoàn kịch kháng chiến và làm công tác giáo dục ở vùng tự do Liên khu 5.
Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954, ông ở lại miền Nam tham gia đấu tranh đòi hiệp thương thống nhất đất nước. Bị địch bắt giam năm 1955, ra tù ông chuyển vào Sài Gòn tiếp tục con đường cứu nước, hoạt động cách mạng đơn tuyến và sống công khai bằng nghề dạy học, làm báo, viết văn. Dùng cây bút và con chữ làm vũ khí, ông trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa trong cuộc đấu tranh vừa mềm dẻo vừa quyết liệt giữa lòng đối phương. 20 năm đơn phương “tả xung hữu đột”, ông đã năm lần vào tù ra khám, cùng gia đình vượt qua nhiều hoàn cảnh cơ cực, hiểm nguy “thập tử nhất sinh”.
Và cũng trong 20 năm ấy, bút danh Vũ Hạnh do ông chọn từ tên của một bạn tù đồng hương yêu nước mà mình quý trọng ở Hội An, đã trở thành một cái tên lừng lẫy của làng văn, làng báo Sài Gòn như một biểu tượng của tinh thần yêu nước, bảo vệ văn hóa dân tộc. Ngoài ra, vì nhiều lý do ông còn lấy các bút danh khác: Cô Phương Thảo, Hoàng Thanh Kỳ, Nguyên Phủ, Minh Hữu và đặc biệt là A. Pazzi, cái tên người Ý đầy giai thoại gắn liền với tác phẩm nổi tiếng Người Việt cao quý.
Không phải bây giờ mà từ khi đất nước mới thống nhất, nhà văn Vũ Hạnh đã được nhìn nhận là một trong số ít những ngôi sao sáng nhất của dòng văn học yêu nước đô thị miền Nam trước năm 1975. Ông cũng từng được giao nhiều trọng trách: Tổng thư ký Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc từ năm 1966, Tổng thư ký Hội Văn nghệ TP Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất… và hiện nay là Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương và TP Hồ Chí Minh. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007 cùng nhiều giải thưởng cao quý khác.
Nhà văn Trần Thanh Giao cho hay, khi đất nước còn bị chia cắt, ngay sau khi truyện Bút máu của nhà văn Vũ Hạnh được in ở miền Nam thì Báo Thống Nhất ở miền Bắc đã đăng tải lại, gây chấn động dư luận và có tác động lớn đến các tầng lớp thanh niên lên đường ra tiền tuyến. Sau này về Nam, có dịp làm việc chung và gần gũi với tác giả Bút máu, ông nhận thấy nhà văn Vũ Hạnh là con người có lập trường kiên định, luôn vững vàng trước mọi sóng gió thời cuộc.
Nhà phê bình Mai Quốc Liên cũng cho biết ông đọc những tác phẩm của nhà văn Vũ Hạnh khi công tác ở Viện Văn học, chuyển từ Sài Gòn qua đường hàng không đến Hồng Kông rồi về Hà Nội. Giới trí thức miền Bắc bấy giờ rất quý trọng những người cầm bút chiến đấu ngay trong lòng đối phương như nhà văn Vũ Hạnh. Ngay sau ngày miền Nam giải phóng, khi gặp nhau tại Hà Nội, GS Hoàng Như Mai đã ôm lấy nhà văn Vũ Hạnh và khóc. Những giọt nước mắt cảm động ấy nói lên nhiều điều!
Nhìn lại sự nghiệp phong phú và sôi động, nhất là qua những trước tác của ông, rõ ràng Vũ Hạnh không chỉ là nhà văn mà còn là nhà hoạt động văn hóa và xã hội tiêu biểu, với tài năng và nhân cách đáng để những thế hệ đi sau học tập. Ông suốt đời chung thủy với lý tưởng mà mình đã chọn: yêu nước, thương dân, sẵn sàng dấn thân vì lẽ phải và sự công bằng!
Ở tuổi 90, sống qua 5 chế độ, rõ ràng nhà văn Vũ Hạnh là một nhân chứng sống quý hiếm của lịch sử hào hùng và bi thương của dân tộc. Mừng ông thượng thọ, xin kính chúc bậc lão thành luôn mạnh khỏe, dồi dào sinh lực lẫn bút lực, tiếp tục có nhiều cống hiến quý báu cho nền văn học và văn hóa đất nước.
Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, chào đời tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống Nho học, giàu có và yêu nước. Nền tảng văn hóa ấy đã sớm hun đúc trong ông niềm say mê cầm bút và tinh thần phản kháng thực dân cướp nước. Điều ấy càng được tiếp lửa thêm khi ông trực tiếp theo học những người thầy tài năng và nhân cách lớn như Cao Xuân Huy, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Tôn Quang Phiệt, Đoàn Phú Tứ,… |
PHAN HUỲNH