Với sự tranh tài của 10 thí sinh, đêm chung kết toàn quốc phong cách thính phòng - giải Sao Mai 2015 vừa diễn ra tại Thanh Hóa. Các giọng ca nữ tỏ ra vượt trội hơn nam trong đêm thi này.
Mở đầu cuộc đua tranh 4 “chiếc vé” vào đêm chung kết xếp hạng giải Sao Mai 2015 là giọng ca Giàng Thị Hoa. Cô gái H’Mông duy nhất vào vòng chung kết giải Sao Mai năm nay hát Miền xa thẳm của nhạc sĩ Đức Trịnh. Rất tự tin song Giàng Thị Hoa chưa thể hiện được sự tinh tế cũng như chiều sâu của ca khúc này.
Chọn ca khúc “kinh điển” Sông Lô của cố nhạc sĩ Văn Cao để tranh tài, thí sinh đến từ Hải Dương Nguyễn Tiến Hưng khoe giọng ca ấm và khỏe, trong một phần thi phải nói là tròn trịa. Những gì Nguyễn Tiến Hưng thể hiện trong buổi tối 26/7 rõ ràng là nổi trội hơn thí sinh Lê Kim Long đến từ Vĩnh Phúc với ca khúc Đàn chim Việt của Văn Cao và cũng vượt qua giọng ca đất mỏ Quảng Ninh Lê Quang Ước với ca khúc Những ánh sao đêm của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Lê Quang Ước chia sẻ, anh chọn ca khúc này là để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa vừa về cõi vĩnh hằng. Song Những ánh sao đêm đã được quá nhiều giọng ca xuất sắc thể hiện. Với giọng hát chưa có gì nổi trội cùng cách xử lý quá quen, chàng trai đất mỏ chẳng thể ghi dấu ấn với Những ánh sao đêm của Phan Huỳnh Điểu.
Có một điều dễ nhận thấy là các thí sinh chọn hát những nhạc phẩm quen thuộc mang phong cách thính phòng không biết cách làm mới phần thể hiện của mình, khiến người nghe có cảm giác nhàm chán. Một số thí sinh Sao Mai khôn ngoan hơn khi chọn những nhạc phẩm ít người thể hiện, thậm chí là ca khúc mới. Phạm Trung Kiên, đại diện duy nhất của TP Hồ Chí Minh, hát Bà mẹ Gạc Ma, một sáng tác mới, đầy xúc động của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Song cũng như Giàng Thị Hoa, Phạm Trung Kiên chưa chuyển tải đến khán giả cái hồn của ca khúc này.
Chọn Chim Pông Kle của nhạc sĩ Nhật Lai, thí sinh đến từ Nghệ An Bùi Thị Cẩm Huyền mang đến sự rộn rã tươi vui nhưng phần thể hiện không có điểm nhấn. Thí sinh đến từ Quảng Trị Trần Thị Bích Ngọc thể hiện ca khúc có cái tên khá lạ Tiếng chim họa mi hót trên đỉnh Phan Xi Păng của Lưu Hà An. Tuy nhiên, không phải tiếng hát mà chính là gương mặt ưu nhìn của Bích Ngọc đã tạo thiện cảm nơi khán giả. Thí sinh Phạm Thị Vân Anh hát Bên thềm chim én bay của Eva Dell Acqua, do Nam Anh chuyển lời Việt.
Nét mới của giải Sao Mai năm nay là cho phép thí sinh hát những ca khúc nước ngoài ở dòng nhạc thính phòng và nhạc nhẹ. Một số thí sinh lập tức nắm bắt cơ hội này để thể hiện mình. Và họ đã mang đến một làn gió nhẹ nhàng, tươi mới cho đêm chung kết toàn quốc phong cách thính phòng. Nguyễn Bảo Yến đến từ Liên bang Nga, thí sinh duy nhất ở khu vực châu Âu vào chung kết, khoe giọng với Khúc hát đêm nay, một trích đoạn trong vở nhạc kịch Con dơi của nhà soạn nhạc nổi tiếng J.Strauss, do Trịnh Minh Hiền chuyển lời Việt. Được đào tạo bài bản về nhạc kịch, Nguyễn Bảo Yến đã “biến hóa” và thể hiện tốt trích đoạn này.
Tạo nên bất ngờ trong đến chung kết toàn quốc dòng nhạc thính phòng là thí sinh Lê Thị Dung. Đến từ Thái Nguyên, nơi chưa từng là “cái nôi” của những giọng ca thính phòng, song Lê Thị Dung đã khiến khán giả ngạc nhiên khi hát Sông Danube xanh của J.Strauss, lời Việt: Phạm Duy. Với ca khúc này, Lê Thị Dung khoe được giọng ca cao vút cùng khả năng biểu cảm.
Kết thúc đêm thi tài, 4 “chiếc vé” vào chung kết xếp hạng được trao cho Lê Thị Dung, Nguyễn Tiến Hưng, Trần Thị Bích Ngọc và Nguyễn Bảo Yến (xếp theo mẫu tự). Với hơn 2.700 lượt bình chọn, Nguyễn Tiến Hưng đoạt giải Thí sinh được khán giả yêu thích nhất, với phần thưởng 10 triệu đồng.
Vòng chung kết toàn quốc giải Sao Mai 2015 được tổ chức tại Thanh Hóa, quê hương của Trọng Tấn, Anh Thơ, Mai Hoa... Tuy có phần lặng lẽ trước sự “lấn sân” của những chương trình truyền hình thực tế, song Sao Mai vẫn được đánh giá tốt ở góc độ chuyên môn. Đêm chung kết dòng nhạc nhẹ và dòng nhạc mang âm hưởng dân ca hứa hẹn sẽ lôi cuốn những người yêu nhạc.
YÊN LAN