Thứ Ba, 15/10/2024 19:22 CH
“Khi người lính lặng im tan vào đất…”
Thứ Hai, 27/07/2015 11:00 SA

Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: D.T.XUÂN

Sáng chủ nhật, Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh chan hòa nắng. Tôi cùng con gái đi thăm ông ngoại và cô chín - em út của ba tôi. Trong chiến tranh, ông ngoại tham gia Ban Kinh tài ở Hòa Bình, cô chín làm giao liên ở An Định.

 

Tôi chỉ biết ông qua rất nhiều câu chuyện mà lúc còn sống, má rưng rưng kể mỗi khi đến nghĩa trang viếng mộ ông vào Ngày Thương binh liệt sĩ. Những lần về nhà ngoại, tôi cảm nhận ánh mắt hiền từ của ông qua di ảnh trên bàn thờ. Cô chín không có di ảnh, tôi chỉ biết cô qua lời kể của bà nội, của ba. Trong một lần làm nhiệm vụ, cô bị phục kích và hy sinh khi mới 17 tuổi. Hồi còn sống, mỗi khi kể chuyện về cô chín, nội tôi đều khóc…

 

Những lần đến nghĩa trang liệt sĩ, cảm xúc thật khó tả! Tôi ngồi bên mộ và cố hình dung gương mặt của người thân đang yên nghỉ nơi này giữa khói hương run run trong nắng sớm. Hàng hàng, lớp lớp mộ chí bình yên trong ban mai. Tôi thử hình dung về cuộc đời của bao người đã ngã xuống trong kháng chiến và nỗi đau của những người còn sống.

 

Vào dịp 27/7, rất đông thân nhân liệt sĩ đến nghĩa trang viếng mộ, thắp hương. Sáng qua, ở nghĩa trang, tôi nhìn thấy một người đàn ông trung niên, da khá trắng, đầu đội mũ cối, trông không giống dân địa phương chút nào. Hỏi thăm mới biết, ông ấy ở Nghệ An, và đây là lần thứ hai ông đến Phú Yên. “Bố tôi vào Nam, chiến đấu ở chiến trường Phú Yên và hy sinh tại Tuy Hòa vào năm 1965. Khi đó tôi mới 3 tuổi. Gia đình không tìm thấy mộ. Tôi đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương… Vậy thôi…”. Người đàn ông ngừng câu chuyện, tôi nghe mắt cay quá thể! Quê hương im tiếng súng đã 40 năm, nhưng nỗi đau do chiến tranh để lại vẫn còn đó, trong đôi mắt người đàn ông trung niên đi tìm mộ bố đã ngã xuống trên chiến trường…

 

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện từ một người bạn văn của nhà thơ - đại tá quân đội Nguyễn Hữu Quý: Có một đôi vợ chồng trẻ từ Bắc vào Nam tìm hài cốt cha. Sau khi tìm được, họ đặt hài cốt vào chiếc ba lô của cha mình. Đó là chiếc ba lô từng gắn bó với người cha trong chiến tranh, sau đó được gởi về gia đình cùng giấy báo tử. Đôi vợ chồng trẻ đưa hài cốt cha trở về Bắc trên chuyến tàu Thống Nhất. Họ đã mua ba tấm vé, hai tấm dành cho người còn sống và một tấm vé dành cho người đã hy sinh. Câu chuyện đó khiến nhà thơ Nguyễn Hữu vô cùng xúc động. Ông sáng tác bài thơ Tấm vé tàu Thống Nhất dành cho Cha, trong đó có những đoạn khiến người đọc rơi nước mắt:

 

“…Tấm vé tàu con mua cho Cha

cũng bình thường như bao tấm vé khác.

Chỉ khác

nó không bị xé đi một góc khi Cha bước lên tàu

suất cơm kèm theo dành cho khách vẫn còn nguyên

ngồi thay Cha

trên ghế mềm

là chiếc ba lô đựng hài cốt!

Chiếc - ba - lô - rưng - rưng

Cha nghe lại cuộc đời

Cha nhận lại một thời trai trẻ

bên ngực trái

phập phồng

tờ nhập ngũ

bên ngực phải

buôn buốt tờ báo tử

và, bây giờ

một - tấm - vé - hồi - hương!

Cha ơi!

Trong hình dung của con

chiếc vé tàu Thống Nhất

là tấm chứng minh thư của người lính chiến trường

ra đi là Cha

 trở về cũng là Cha

không mất!...”

 

Trong một lần đến Phú Yên, nhà thơ Hữu Quý đã chia sẻ về cái tứ của bài thơ này: “Tôi nghĩ tấm vé tàu Thống Nhất không còn là tấm vé bình thường, đó như một tấm chứng minh thư của người lính trở về. Thống nhất đất nước là mong ước, là khát vọng của những người lính ra trận. Người lính chấp nhận gian khổ, chấp nhận mất mát, hy sinh để đất nước thống nhất. Người lính trong câu chuyện đi từ Bắc vào Nam để đánh giặc và có hai cuộc trở về: lần trở về thứ nhất là tờ giấy báo tử; lần trở về thứ hai là trên chuyến tàu Thống Nhất, với đứa con của mình. Tấm vé tàu Thống Nhất như chứng minh thư của người lính ra trận trở về nơi mình đã yêu thương, nơi có sự chờ mong, có những khát vọng của người thân…”.

 

Không như cha của đôi vợ chồng trẻ nọ, cha của người đàn ông trung niên mà tôi gặp hôm 26/7 tại Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác vẫn còn nằm lại ở đâu đó trên đất Tuy Hòa. Có phải vì thế mà những nén hương ông ấy thắp ở nghĩa trang liệt sĩ cứ rưng rưng như nước mắt?

 

“Khi người lính lặng im tan vào đất

Là cuộc đời chảy tiếp những dòng sông”

 

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đã viết như vậy về sự hy sinh của người lính. Họ ngã xuống bằng niềm tin máu xương mình sẽ đắp bồi cho mạch nguồn cuộc sống. Vậy mà tại sao mỗi lần đến nghĩa trang liệt sĩ lại thấy nghẹn trong lòng…

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek