Giữa mùa hè chói chang, đất trời cũng cảm động dành một đêm mưa gió sụt sùi tiếc thương người họa sĩ tài hoa đoản mệnh.
Người thân, bạn bè cảm nhận sâu sắc nỗi mất mát trước sự ra đi quá đột ngột do bạo bệnh của họa sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng. Một cây đời ngã xuống, để lại một khoảng trống trong lòng người thân, đồng nghiệp, bạn bè và cuộc đời rộng lớn!
Họa sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng sinh ngày 20/12/1966 ở xã Hòa Bình 2, nay là khu phố Mỹ Lệ, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa; là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Phó trưởng phòng Thư ký tòa soạn Báo Phú Yên, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Phú Yên.
Họa sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng trải qua một tuổi thơ cơ cực, cả hai cụ thân sinh đều hy sinh vì nước. Ba tuổi đã mồ côi cha, tám tuổi mồ côi mẹ, Lê Đức Thắng lớn lên bằng tình thương yêu, đùm bọc của bà con thân tộc.
Vươn lên từ thân phận mồ côi cả cha lẫn mẹ, từ thuở ấu thơ, Lê Đức Thắng nỗ lực lao động, học tập và sớm tham gia công tác xã hội ở Phường đội Phước Tiến, TP Nha Trang, Khánh Hòa. Sau đó, anh theo học mỹ thuật, trở thành giáo viên Trung tâm Dạy nghề tỉnh Phú Yên. Những năm 1990-1998, họa sĩ Lê Đức Thắng đóng góp công sức thể hiện nhiều tượng đài, nhà bia liệt sĩ, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và tôn vinh truyền thống của tỉnh.
Từ năm 1998, họa sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng về công tác tại Báo Phú Yên, đảm trách phần trình bày, cải tiến hình thức tờ báo. Diện mạo Báo Phú Yên trong 17 năm qua hằn sâu dấu ấn, đóng góp của họa sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng về nghệ thuật trình bày; góp phần đạt nhiều giải thưởng của Hội Nhà báo Việt Nam về trình bày đặc san trong Hội Báo Xuân toàn quốc.
Với hai tác phẩm hội họa “Tiếng chim”, “Vá lưới” được giải của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam vào các năm 2002-2003, họa sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam đầu tiên của Phú Yên. Họa sĩ Lê Đức Thắng còn tham gia trình bày hàng trăm tập sách của các tác giả trong và ngoài tỉnh.
Những năm gần đây, họa sĩ Lê Đức Thắng dành nhiều thời gian, tâm huyết cùng Công ty TNHH Mỹ thuật - Thương mại và Du lịch Nhân Việt “chắp cánh ước mơ” hội họa cho các cháu khuyết tật Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên. Đặc biệt, với sự động viên, cổ vũ của lãnh đạo tỉnh và nhà tài trợ, họa sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng đã chủ trì mỹ thuật cùng các đồng nghiệp tạc tượng danh nhân Lương Văn Chánh - vị tiền hiền khai mở đất Phú Yên. Họa sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng còn tham gia nhiều hoạt động khác. Cụ thể như cùng các bạn Hàn Quốc yêu Việt Nam xây dựng mảng phù điêu mỹ thuật ở công viên Hòa Bình Việt - Hàn (thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa); tham gia phần mỹ thuật các bia chiến công, phù điêu ở Nghĩa trang liệt sĩ Đông Tác; cùng các đồng nghiệp trong Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Phú Yên tổ chức triển lãm của bốn gương mặt họa sĩ quốc gia của Phú Yên tại TP Hồ Chí Minh; cùng các đồng nghiệp mở lớp dạy vẽ nhằm khơi dậy niềm đam mê cho các học sinh có năng khiếu mỹ thuật.
Cùng các họa sĩ ở quê nhà, họa sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng ấp ủ nhiều dự định cho tương lai như từng bước xây dựng bảo tàng mỹ thuật Phú Yên theo phương thức xã hội hóa, phát huy và lan tỏa dòng tranh khắc gỗ mỹ thuật đến với bạn bè trong nước và quốc tế; hoạt động mỹ thuật phục vụ quảng bá du lịch, góp phần tạo điểm nhấn mỹ thuật ở các thắng cảnh quê hương.
Hoạ sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng (áo ca rô sẫm giữa) tại triển lãm mỹ thuật các họa sĩ hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Phú Yên ở TP Hồ Chí Minh năm 2015 - Ảnh: P.V |
Người họa sĩ, nhà báo tài hoa của quê nhà đã đột ngột ra đi, để lại bao công việc ngổn ngang nhằm nâng tầm mỹ thuật trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Những gì họa sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng đã đóng góp cho đời đủ tạo nên chân dung một nghệ sĩ, một nhà báo tài hoa, trung thực, hết lòng vì cộng đồng, vì công việc, vì đam mê nghệ thuật.
Họa sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng ra đi trong độ tuổi sung sức nhất của sự nghiệp sáng tạo, để lại sự tiếc thương trong lòng người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng. Nỗi buồn thương và sự trống vắng này mãi còn vương vấn trong nhiều năm tháng, khi các con của họa sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng chưa kịp trưởng thành. Sự hụt hẫng thiếu vắng người chồng, người cha trong gia đình không gì có thể bù đắp được. Giới nghệ sĩ, báo chí đã mất đi một đồng nghiệp tài hoa có dấu ấn, phong cách riêng không lẫn vào đâu được. Nỗi buồn này biết bao giờ nguôi!
Họa sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng - người đồng chí, đồng nghiệp của chúng ta hãy yên lòng ra đi. Cuộc đời rộng lớn sẽ tiếp nối và lan tỏa những giá trị sáng tạo mà họa sĩ đã để lại cũng như nỗ lực thực hiện những dự định, ấp ủ của Lê Đức Thắng lúc sinh thời.
Bạn bè thân thuộc sẽ góp sức trong khả năng có thể để tiếp sức cùng gia đình nuôi dưỡng hai cháu học hành, lập thân, lập nghiệp như nguyện ước của người cha quá cố.
Họa sĩ, nhà báo Lê Đức Thắng đã về yên nghỉ vĩnh hằng bên người mẹ kính yêu ở quê nhà.
Như nguyện ước lúc sinh thời, đồng nghiệp đã khắc lên bia mộ: “Tại thế năm mươi về với mẹ/ Gối đầu đất tổ nhớ ơn cha!”
Họa sĩ thân yêu của chúng ta đã đi xa, rất xa, để lại một nỗi buồn mênh mông.
Cả tuần qua, trên mạng xã hội tràn ngập những lời tiếc thương người họa sĩ tài hoa, có cả nhiều vần thơ đưa tiễn. Xin trích một bài trong số đó như một nén hương lòng, góp một chút hơi ấm cho Lê Đức Thắng ở thế giới bên kia:
Một giọt mưa tuôn, vạn giọt sầu
Một cành hoa rụng trôi về đâu
Một con chim lạc bao người khóc
Một kiếp tài hoa ai biết đâu
Thôi nhé chia xa Đức Thắng rồi
Phương này, đời nhớ mãi không thôi
Chiếu chơi đời vắng thêm người nữa
Thêm cánh chim xa lạc cuối trời…
KÝ - BÌNH - HIẾU - QUỚI