Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan (1949), Núi Đôi của Vũ Cao (1954), Quê hương của Giang Nam (1960) và Bài thơ về hạnh phúc của Dương Hương Ly (1969) là những tuyệt phẩm sống mãi trong lòng bạn đọc. Cả bốn bài thơ đều ra đời trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, đều viết về sự ra đi của người vợ, người yêu.
Các nhà thơ không chỉ đề cập đến một hiện thực phũ phàng của thời chiến mà đọng lại ở đó là cả một tấm tình, một tiếng lòng chua xót, một tiếng khóc trước sự ra đi của người mình yêu.
Màu tím hoa sim ra đời năm 1949, được bạn đọc đón nhận như một trong những bài thơ tình hay nhất của thế kỷ XX. Nhân vật trữ tình trong tác phẩm là một người con gái ở làng quê có chiến tranh. Cấu tứ bài thơ được đặt trên dòng hồi tưởng qua hình ảnh người con gái và màu tím hoa sim hòa quyện đan cài, trải dài từ lúc “tóc nàng đang xanh” đến khi “nàng” vĩnh viễn ra đi. Hình ảnh “kép” hiện lên trong từng câu thơ như một ẩn khuất, đau lòng. Hạnh phúc ngắn ngủi, nỗi đau lớn; nỗi đau đó lại “vận” vào “người gái nhỏ hậu phương” nên khó nói hết trong lời thơ. Cả bài thơ là sự đối lập giữa hạnh phúc ngắn ngủi và nỗi đau dai dẳng, nó cứ day dứt miên man trong niềm tiếc nhớ. Người đọc dường như thấy buồn, trống trải, cô đơn nhưng lại cảm nhận được sự lung linh tỏa sáng của một mối tình trong thời chiến:
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh…
Núi Đôi của Vũ Cao ra đời khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc. Bài thơ nói về một chuyện tình bi tráng dựa trên một câu chuyện tại làng Xuân Dục, Đoài Đông. Tác giả hoài niệm về thuở tuổi thanh xuân của “bảy năm về trước”, thời mà “em mười bảy”, “anh mới đôi mươi trẻ nhất làng”. Đọc những câu thơ tài hoa trên, người đọc như bước vào không gian tuyệt đẹp của làng Xuân Dục, Đoài Đông, với núi Đôi làm “nhân chứng” cho cuộc hẹn ước, chia tay, đợi chờ và vĩnh viễn mất nhau của họ. Người con trai ra trận, người con gái ở lại làm du kích. Ngày ngừng bắn, anh trở về thăm quê thì được tin người con gái đã ngã xuống trên mảnh đất này. Cái chết không đến với người chiến sĩ mà đến với người du kích hậu phương. Sự ra đi của người con gái trong bài thơ đã nhân lên thành nỗi đau của quê hương đất nước. Hình tượng người con gái trong Núi Đôi hy sinh đã thành “hoa trên đỉnh núi”, bất tử trong lòng bạn đọc.
Ở Bài thơ về hạnh phúc, Dương Hương Ly viết về sự ra đi của nhà thơ liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý tại thời điểm cao trào của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tình cảm vợ chồng đã được nhà thơ đẩy lên thành tình yêu đất nước bằng những dòng thơ thống thiết, xót thương. Sau những ngày gian khổ với “cái mùa mưa đói quay đói quắt” xen lẫn niềm vui, hạnh phúc “ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi”, người con gái đã vĩnh viễn ra đi “với mắt cười thanh thản”. Tình cảm trong bài thơ bao hàm cả tình yêu đôi lứa, vợ chồng, tình đồng chí và cao hơn, tình yêu đó đã hòa chung vào tình yêu của dân tộc.
Quê hương của Giang Nam cũng nói về sự hy sinh của người con gái trong chiến tranh. Người đọc như bị ám ảnh lòng mình trong từng câu chữ. Bàng hoàng, đau đớn, nước mắt trào ra trên từng trang giấy. Trước đó, nỗi đau này cũng được Giang Nam thể hiện cảm động trong bài Lá thư thành phố viết năm 1958 ở vùng đất đỏ miền Đông:
Anh gục đầu trên dòng chữ nhỏ
Mà lòng thổn thức suốt canh thâu
Tưởng thấy bóng em sau cánh liếp
Đêm đêm nghe gió rít qua đầu.
Sự giống nhau của bốn bài thơ là đều nói về sự “ra đi” của người con gái trong chiến tranh. Tuy nhiên, điểm riêng còn được các nhà thơ thể hiện trong từng chi tiết nhỏ. Ba bài thơ Màu tím hoa sim, Núi Đôi và Quê hương nói đến sự hy sinh của người con gái làm du kích, bị địch bắt, giết chết ở hậu phương. Bài thơ về hạnh phúc nói về sự hy sinh của người con gái khi đang cầm súng chiến đấu trên chiến trường. Và cả trong sự giống nhau đó còn có những điểm khác biệt, tạo cho mỗi bài thơ có một sức sống, một cái hay trong từng hoàn cảnh. Nếu như ở Màu tím hoa sim, Hữu Loan không nói nguyên do của sự “ra đi” mà chỉ viết: “Nhưng không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương”. Người đọc sẽ ngầm hiểu người con gái ấy “ra đi” vì bom đạn kẻ thù. Viết như vậy, âu cũng là để giảm bớt nỗi đau, bớt đi sự bi lụy, đau thương trong những ngày đầu đất nước có chiến tranh. Ngược lại, hai nhà thơ Vũ Cao và Giang Nam đều nói rất rõ về nguyên nhân cái chết của người mình yêu. Với Vũ Cao, ngày trở lại quê hương cũng là ngày nhà thơ nhận được tin sét đánh: “Giặc giết em rồi dưới gốc thông/ Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa”; còn Giang Nam, sau phút giây bàng hoàng nhận hung tin, nhà thơ viết: “Giặc bắn em rồi, quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích em ơi”. Dù “Giặc giết em rồi dưới gốc thông” hay “Giặc bắn em rồi, quăng mất xác” cũng đều nói đến sự tàn ác dã man của kẻ thù, sự mất mát lớn của ta. Có thể nói, đây là những cái chết đớn đau mà nhân dân ta phải gánh chịu dưới bom đạn phi nghĩa của kẻ thù. Cũng chính vì thế, mỗi nguyên nhân về cái chết, dù trực tiếp hay gián tiếp đều tạo thành sức mạnh khơi dậy lòng yêu nước của con người Việt Nam đứng lên chiến đấu. Các nhà thơ đã tạc được những tượng đài về hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh, hiên ngang, sừng sững.
Như vậy, cả bốn bài thơ đều nói đến sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam. Tình yêu riêng đã hòa chung trong tình yêu quê hương. Cá nhân và dân tộc đã gặp nhau trên chiến trường. Vì thế, dù chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng các thi phẩm đó vẫn hấp dẫn người đọc và hình tượng người phụ nữ trong kháng chiến vẫn còn sống mãi. Các tác giả đã nói lên được tiếng nói thành thực của người nghệ sĩ trước vòng quay của lịch sử, của một thời đã đi qua. Người đọc hôm nay chợt hiểu ra rằng: thơ ca kháng chiến đâu chỉ có niềm vui. Bên cạnh cái hùng trong phạm trù thẩm mỹ luôn có cái bi song song tồn tại.
ĐÀO TẤN TRỰC