Nhà thơ - dịch giả người Tày Triệu Lam Châu vừa có tác phẩm mới ra mắt bạn đọc: tập thơ song ngữ Việt - Tày Ba vỉa hồn ngầm (Slam Phjể khoăn d’ăm). Có thể nói, gần 30 bài thơ trong tập thơ này là những niềm thương nỗi nhớ mà tác giả gởi vào ba vùng đất mình đã gắn bó.
Bìa tập thơ song ngữ “Ba vỉa hồn ngầm” - Ảnh: Y.LAN |
“Sớm tháng ba bất chợt sương mờ
Nhà với phố ảo huyền ẩn hiện
Không thấy ánh bình minh trên biển
Cả đất trời lãng đãng sương mai…”
Đó là đoạn mở đầu bài thơ Thành phố biển mờ sương. Thành phố biển ở đây là TP Tuy Hòa - nơi có Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (trước đây là Trường trung học chuyên nghiệp Địa chất 2) mà Triệu Lam Châu gắn bó từ năm 1980 với vai trò giảng viên môn Địa chất công trình, Địa chất thủy văn. Cũng tại mảnh đất này, Triệu Lam Châu được biết đến là một dịch giả, với những tiểu thuyết, tập truyện ngắn dịch: Nàng dâu (Ka-rax-la-vốp), Hoa nở muộn mằn (Sê-khốp), Lửa tình đã cạn (I-ưn-đư), Túp lều lá bên sông (Ga-lêk), Vương quốc chim họa mi (Pau-xtốp-xky)... Mảnh đất này cũng đã khơi nguồn cảm xúc để Triệu Lam Châu sáng tác văn học và ra mắt độc giả các tập thơ: Trăng sáng trên non, Ngọn lửa rừng, Giọt khèn, Thầm hát trên đồi… Nhà thơ - dịch giả người Tày từng thổ lộ: “Tuy Hòa - Phú Yên là quê hương thứ hai của tôi”.
Sâu nặng nghĩa tình với Phú Yên, song Triệu Lam Châu chưa bao giờ vơi nỗi nhớ quê hương Cao Bằng yêu dấu. Bởi vậy, trong một sớm tháng ba “giữa thành phố biển đồng bằng”, ông cảm nhận:
“... Lòng như nghe tiếng thú ngân dài
Cùng tiếng suối trong lành bên núi
Loáng đỏ sắc hoa đào vời vợi
Ngờ đâu: Đây phố biển ban mai…”
(Thành phố biển mờ sương)
Nếu ví phố biển Tuy Hòa là một “vỉa hồn ngầm” ăm ắp của nhà thơ - dịch giả Triệu Lam Châu, thì Cao Bằng là vỉa hồn ngầm không bao giờ vơi cạn. Bản Nà Pẳng, rừng núi Cao Bằng thường xuyên ẩn hiện trong các thi phẩm của Triệu Lam Châu. Trong thơ ông, hình ảnh quê hương hiện lên sao mà thân thương gần gũi, bởi nơi quê xa ấy không chỉ có hồi ức tuổi thơ, hồi ức về một thời hoa niên mà còn đăm đắm kỷ niệm của mối tình đầu.
“Từ thác Nặm Thoong lên đèo Kiéo Pỉt
Nhìn về phía đông: Núi biếc giăng thành
Bỗng lại thấy gương mặt buồn quyến rũ
Thuở xa mờ… huyền ảo sương giăng…
Em ở nơi nào mà vụt đến cùng anh
Qua thăm thẳm tháng, năm… thăm thẳm núi
Như một ánh sao chiều sắp chìm vào xa vợi…”
(Qua đèo Kiéo Pỉt)
Tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu lứa đôi và tập tục của người Tày hiện rõ trong những bài thơ thấp thoáng hình ảnh non ngàn, lấp loáng ánh trăng. Nỗi niềm của một người con xa xứ được tác giả gói ghém trong bài thơ Thú tội:
“… Con có tội với lời sli trong trẻo
Trải dài theo các ngả đường rừng
Trong những buổi chiều hôm hò hẹn
Tan chợ nguồn, bịn rịn cả lòng thung…”
(Thú tội)
Từng là học sinh giỏi Văn, học ở trường chuyên… Toán của tỉnh Cao Bằng, rồi Triệu Lam Châu đến với ngành Mỏ - Địa chất. Trong những năm tháng học tại Trường đại học Mỏ - Địa chất Lêningrat, ông có nhiều kỷ niệm với nước Nga, với bạn bè Nga. “Vỉa hồn ngầm” ấy khơi gợi trong ông nhiều cảm hứng sáng tạo. Những kỷ niệm bật lên thành câu chữ:
“Mùa thu lại đến rồi
Rừng phong có rực vàng như buổi ấy
Nét tươi trong có lại tụ về nơi đáy suối
Giọt sao ngời như ánh mắt em xa
Ôi miền rừng Turơbada
Đêm vũ hội trong ngần quanh đống lửa
Mỗi nhịp múa trào sôi đàn gió
Hương ngàn thơm ngây ngất ánh trăng thơm…”
(Mùa thu lại đến rồi)
Thơ của Triệu Lam Châu mộc mạc, trong trẻo như chính tâm hồn nhà thơ - dịch giả người Tày. Nó thấm vào lòng người đọc bởi sự tươi tắn rất riêng và nhẹ nhàng “chảy” giữa những xô bồ của cuộc sống…
YÊN LAN