Thứ Bảy, 05/10/2024 12:18 CH
Tưng bừng lễ hội ngày xuân
Thứ Hai, 06/02/2006 11:11 SA

Ngay trong những ngày Tết Nguyên đán, hàng loạt lễ hội truyền thống độc đáo đậm chất văn hóa đã diễn ra tưng bừng khắp nơi ở Phú Yên. Ở vùng đồng bằng, nhiều lễ hội sông nước, thơ nhạc đã thu hút hàng ngàn người dân đến xem và cổ vũ, ở vùng núi, lễ hội đua ngựa cũng không kém phần hấp dẫn. Những lễ hội độc đáo đó chỉ có trong ngày Tết và chỉ có ở Phú Yên.

 

TP Tuy Hòa, huyện Phú Hòa:

 

Tổ chức đêm thơ nhạc mừng Đảng mừng Xuân

 

Tối ngày 4-2 (tức mùng 7 Tết Bính Tuất), tại Hoa viên Diên Hồng, Chi hội văn học nghệ thuật phối hợp vối Phòng Văn hóa thông tin TP Tuy Hòa tổ chức đêm thơ nhạc truyền thống lần thứ 10. Gần 20 thi phẩm của các tác giả  với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước được trình bày trong đêm thơ nhạc đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng đông đảo người yêu thơ.

 

Đêm thơ nhạc huyện Phú Hòa - Ảnh: Tuấn Lê

 

Trước đó, tối ngày 3-2, đêm thơ nhạc truyền thống của huyện Phú Hòa cũng đã được tổ chức, qui tụ gần 100 tác phẩm của các tác giả trong và ngoài huyện tham gia.

 

Đây là một trong những hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống mừng xuân mới của các huyện, TP trong tỉnh, chào mừng kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2006) và chuẩn bị tham dự đêm thơ Nguyên tiêu truyền thống của tỉnh.

 

KIM CHI

 

Sáng nay (6-2): Hội đua ngựa gò Thì Thùng

 

Lần đầu tiên, hội đua ngựa nổi tiếng gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An) được tổ chức vào mồng 9 Tết thay vì mồng 4 Tết như lâu nay với quy mô lớn, hoành tráng nhằm hướng tới trở thành một hội mang tầm khu vực.

 

Hội đua ngựa truyền thống gò Thì Thùng hàng năm thu hút hàng trăm khán giả từ khắp nơi đến xem và cổ vũ - Ảnh: Kim Sa

 

Theo kế hoạch, 8 giờ sáng nay (6-2), hội đua ngựa Gò Thì Thùng sẽ chính thức diễn ra. Một thành viên Ban Tổ chức cho biết, ngoài 20 ngựa diễu hành trong phần nghi thức khai mạc còn có gần 50 ngựa đua đến từ đoàn chủ nhà An Xuân và các xã lân cận như An Thọ, An Lĩnh, An Nghiệp, An Mỹ; riêng đội chủ nhà An Xuân có 12 ngựa đua. Theo kế hoạch, mỗi đợt đua sẽ có 4 ngựa, chạy 2 vòng gò Thì Thùng (khoảng hơn 1.000m); sau vòng loại sẽ chọn các chú ngựa đạt thành tích cao vào các vòng tiếp theo cho đến vòng bán kết, chung kết.

 

Chiều qua, cộng tác viên của Báo Phú Yên từ An Xuân cho hay, thời tiết mát mẻ, có nắng ấm là điều kiện rất thuận lợi cho hội đua ngựa gò Thì Thùng năm nay.

 

Cùng với hội đua ngựa, những môn thể thao truyền thống khác như bóng chuyền, đẩy gậy, kéo co, nhảy thụng... cũng được tổ chức tại An Xuân trong hai ngày mùng 8 và mùng 9 Tết để VĐV trong xã và các xã bạn giao lưu.

 

KHƯƠNG NGUYÊN

 

Dâng hương tưởng niệm công nhân xây dựng đập Đồng Cam

 

Sáng 5-2, tức mùng 8 Tết, Công ty Thủy nông Đồng Cam tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm những công nhân đã thiệt mạng khi thi công công trình lịch sử này. Tham dự lễ dâng hương có Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Tấn Lộc, các Phó chủ tịch Trần Thị Hà và Lê Kim Anh, các bậc lão thành cách mạng, lãnh đạo các huyện Đông Hoà, Tây Hoà, Phú Hoà và thành phố Tuy Hoà; lãnh đạo các sở, ban ngành trong tỉnh.

 

Du khách tham quan kênh chính nam đập Đồng Cam - Ảnh: D.T.Xuân

 

Đập Đồng Cam là một công trình lịch sử, có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế và văn hoá, được các chuyên gia người Pháp khảo sát, đặt vấn đề thực hiện từ năm 1889. Năm 1924, công trình này chính thức được khởi công xây dựng. Trong suốt 6 năm xây dựng hoàn thành khu đập đầu mối, các chuyên gia và công nhân người Việt đã gặp 20 trận lũ. Khắc phục những trở ngại của thiên nhiên, họ thi công với khối lượng lên tới 19.000m3 đá xây; sử dụng 4 tấn thuốc nổ công phá 22.000m3; xây dựng được 19 km kênh mương phía hữu ngạn và 18 km phía tả ngạn.

 

Ngày 1-9-1929, một chiếc thuyền chở công nhân xây dựng công trình này bị đắm làm cho 52 người thiệt mạng. Trong quá trình xây dựng, có 2 người chết do bắn mìn; hàng ngàn người bị bệnh sốt rét rừng. Đến năm 1930, đập Đồng Cam được đưa vào sử dụng nhưng phải 2 năm sau, công trình mới được khai thác toàn diện, phát huy hiệu quả.

 

Hiện nay, đập Đồng Cam vẫn là công trình thuỷ nông lớn nhất tỉnh Phú Yên, góp phần ổn định nước tưới cho hơn 19.000 ha lúa/ hai vụ của đồng bằng Tuy Hoà; góp phần ổn định, phát triển kinh tế, dân sinh và văn hoá của tỉnh. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, ngày mùng 8 Tết hằng năm đã trở thành ngày dâng hương truyền thống tưởng niệm những người đã chết trong quá trình thi công, thể hiện sự thành kính sâu sắc của thế hệ hôm nay với những người đã làm nên công trình này.

 

LY KHA

 

Sông Cầu: Rộn ràng lễ hội sông nước tam giang lần thứ II

 

Năm nay, “Lễ hội sông nước Tam Giang lần thứ II” được huyện Sông Cầu tổ chức suốt cả ngày 3-2 (mùng 6 Tết Bính Tuất) với phương châm văn hóa - vui khỏe, thu hút sự tham gia của tất cả các xã trong huyện và đông đảo nhân dân đến tham dự, cổ vũ.

 

 

Phần khởi động trên sân khấu khá ấn tượng với các tiết mục ca nhạc và phần biểu diễn múa võ, múa kiếm, múa cờ… của các võ sinh tại thị trấn Sông Cầu.

 

Sau hồi trống lệnh, các hoạt động thể thao dưới nước được người dân tham dự cổ vũ nhiệt liệt. Sôi nổi nhất là các cuột thi kéo co nam – nữ trên mặt nước (ảnh 1). Nhiều cuộc thi khác đậm đà bản sắc của vùng sông nước Sông Cầu được tổ chức sôi nổi, tưng bừng như thi lắc thúng chai (ảnh 2), bơi bộ, bơi phối hợp, bơi thuyền chài và thuyền rồng, đập ấm…

 

Mỗi năm một lần, “Sông nước Tam Giang” thật sự là lễ hội của người miền biển Phú Yên.

 

DƯƠNG THANH XUÂN

 

Hội đua thuyền truyền thống đầm Ô Loan và sông Đà Rằng

 

Sáng 4-2 (mồng 7 Tết), Hội đua thuyền truyền thống đầm Ô Loan được xã An Cư phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tuy An tổ chức tại khu vực cầu Long Phú. 12 xã trong huyện Tuy An đã cử 154 VĐV về tham dự các cuộc thi trên sông nước như: đua thuyền chài nam – nữ, lắc thúng chai, đua sõng chống sào và đua thuyền rồng. Kết quả: giải nhất toàn đoàn đã được trao cho đội đua xã An Ninh Đông, giải nhì thuộc về xã An Hải và giải ba thuộc về xã An Hòa.

 

Đua thuyền trên sông Đà Rằng - Ảnh: N. Lưu

 

Cùng thời gian trên, tại khu vực cuối sông Đà Rằng (phường 6 – TP Tuy Hòa), hội đua thuyền truyền thống sông Đà Rằng lần thứ 10 cũng đã diễn ra. 650 VĐV của 27 đội đua nam – nữ đến từ các xã, phường, đơn vị ở TP Tuy Hòa và xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) đã tham gia tranh tài. Kết quả, xã Hòa Định Đông giành giải nhất toàn đoàn sau khi về đích đầu tiên ở cả hai nội dung đua thuyền rồng nam và nữ; giải nhì được trao cho xã Bình Ngọc và phường 6 nhận giải ba.

 

CHÍ THẠNH – NGUYÊN HÒA

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek