Thứ Bảy, 05/10/2024 14:24 CH
Điện ảnh đã xuất hiện ở nước ta được 100 năm?
Chủ Nhật, 05/02/2006 15:13 CH

Nhà văn Sơn Nam được xem như một cuốn từ điển sống của Nam bộ. Những cuốn sách ông biên khảo về Bến Nghế xưa, Gia Định xưa, Sài Gòn xưa.. đều có giá trị nhất định về lịch sử. Ngay cả những cuốn sách ông luận về cá tính miền Nam hay nếp sống đồng bằng sông Cửu Long đều nhận được sự đồng thuận cao từ phía giới nghiên cứu. Nhân buổi chiếu ra mắt bộ phim “Mùa len trâu” chuyển thể từ tác phẩm của mình, nhà văn Sơn Nam tỏ ra xúc động: “Điện ảnh du nhập vào đất Việt cả trăm năm rồi, bây giờ tôi mới được xem trọn vẹn một bộ phim do người Việt làm một cách hài lòng!”. Một thông tin khá thú vị, mà những ai yêu nền nghệ thuật thứ bảy còn non trẻ ở nước ta không thể thờ ơ, chúng tôi hỏi lại: “100 năm à?”. Ông già Nam bộ gật gù: “Tôi nay đầu đã bạc, tuổi bát thập rồi, nhưng ngành chiếu bóng lại đã ra mắt đồng bào Sài Gòn trước tôi khoảng 20 năm, phỏng định vào năm 1906. Theo tôi tìm hiểu qua các nguồn tư liệu đáng tin cậy thì đến năm 1910 thì tại Cần Thơ – Tây Đô và quận Trà Ôn, chiếu bóng đã được đông đảo công chúng yêu thích!” 

 

Điện ảnh đã xuất hiện ở nước ta được 100 năm? Tôi mang câu hỏi này để tìm đọc nhiều cuốn sách viết về điện ảnh Việt Nam, nhưng hầu như chưa từng ai đề cập đến. Ngay cả cuốn hồi ký “Trên đại lộ thứ bảy” của đạo diễn Lê Dân vừa viết xong, có nhã ý đưa chúng tôi đọc trước, cũng chỉ nhắc đến những rạp chiếu bóng ở Sài Gòn thập niên 1940. Đạo diễn Lê Dân hơn 50 năm gắn bó với màn bạc Việt Nam cho rằng: “Câu chuyện nhà văn Sơn Nam cung cấp cũng là một gợi ý thú vị cho công chúng điện ảnh đấy!”. Những ngày đầu năm 2006, chúng tôi đề nghị nhà văn Sơn Nam đưa “phỏng đoán” của ông ra thành văn bản, và được ông gửi cho bài viết “Người Nam bộ xưa xem hát bóng”.  Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc báo Phú Yên.

 

LÊ THIẾU NHƠN

 

Nhà văn Sơn Nam
Thời bấy giờ giao thông đường thủy tiện lợi và quan trọng hơn đường bộ. Lúa gạo các tỉnh miền Tây chở lên Sài Gòn theo đường thủy, phải đi ngang qua quận lỵ Trà Ôn (xưa kia thuộc Cần Thơ, nay thuộc tỉnh Trà Vinh). Bấy giờ chỉ là hát bóng câm, không có phụ đề hoặc lồng tiếng gì cả! Hát ngòai trời, tòan là phim ngắn, không có màu. Hát ngòai trời để dễ doanh thâu, lượng khán giả vào xem không bị hạn chế. Thọat tiên, đồng bào chưa quen, vì là phim câm chỉ thấy hình nên gọi là “hát hình”. Sau đó bắt chước theo Sài Gòn, gọi hát bóng, chữ chiếu bóng có lẽ xuất hiện về sau, trong dân gian khỏang 1937-1938.

 

Khi tôi học trung học ở Cần Thơ (nay là trường Châu Văn Liêm) thì hát bóng đã có qui mô đáng kể. Cần Thơ là tỉnh lớn, các học sinh trung học với chương trình nặng về Pháp ngữ thì xem chiếu bóng là sự sang trọng (bấy giờ vẫn gọi là hát bóng). Để thu hút khán giả, mặc dầu biết ít nhiều Pháp ngữ, cứ mỗi chiều có chiếc xe ngựa, mang bên hông hai tấm bích chương khá to, chữ Pháp, in đẹp từ bên Pháp đem qua với nhan đề tuồng hát, chụp vài cảnh hấp dẫn trong tuồng. Nhưng tại rạp hát phải phát tờ chương trình, phương tiện in ấn lúc bấy giờ còn sơ sài, một bên chữ Pháp, bên kia chữ Việt, tóm tắt nội dung tuồng hát.

 

Ta nên nhớ rằng và học và đọc tiếng Pháp là một chuyện (cũng như Anh ngữ) nhưng trong đối thọai với nhân vật, vì nói theo giọng bên “chánh quốc” nên khó nghe vì nói nhanh. Bấy giờ, nhiều công chức sưu tầm các tờ chương trình ấy, đóng lại thành tập, xem chơi cho đỡ buồn. Mỗi tuần, ở rạp duy nhất của “thủ đô miền Tây” hát 2 “tuồng”. Thứ năm và chủ nhật thì đổi tuồng mới. Phòng chiếu quá nhỏ, dĩ nhiên chỉ có vài chiếc quạt máy, nhưng ghế ngồi bố trí thưa thớt nên cũng thóang mát. Người xem ngồi im lặng, ít nói chuyện. Nhất là dịp thứ năm hoặc chủ nhật, học sinh nội trú được phép ra ngòai, dạo chợ thì phải mặc áo vét, thắt cà vạt, nóng nực nhưng không dám cởi ra.

 

Sau này tôi mới hiểu đó là những phim hát đã nhão ở Sài Gòn, Chợ Lớn (và từ bên Pháp) nên đưa sang “thuộc địa Nam kỳ”. Nhiều đọan phim bị đứt, khán giả quen rồi, xem đó là sự cố tự nhiên, chẳng ai phiền hà. Phim câm chiếm tỷ lệ đáng kể, nhưng ăn khách vì “một mình một chợ”, và vô địch cổ kim vẫn là phim hài của vua hề Charlot, với cái nón kiểu quả dưa gang, thắt nơ đen, đi chữ bát, râu cứt mũi. Quả là những phim tiến bộ, đứng hẳn về thuyết giai cấp đấu tranh. Thuở ấy, tư bản bóc lột trực tiếp, thô bạo, chủ đánh đập công nhân là sự thường, lớp nghèo thành thị sống không cửa không nhà, bần cùng hóa. Đó là giai đọan mà giai cấp công nhân còn non nớt, chưa có Cách mạng tháng Mười ở Nga. Cái duyên dáng với nội dung sâu sắc của hề Charlot là diễn tả bằng động tác hơi cường điệu, nhưng là sự cường điệu cần thiết cho phim câm. Charlot thất nghiệp bèn nghĩ ra sáng kiến, rủ một người bạn thất nghiệp khác đăng ký đánh võ (quyền Anh). Lúc đầu, đã giao hẹn ngầm với nhau là đánh “cuội”, nhưng rồi khi nhập cuộc, do sự cổ động của khán giả, đành đánh nửa chơi, nửa thiệt, khi bị đánh đau lại đánh thiệt, cho rằng người bạn nghèo đã phản bội sự giao ước từ trước. Thật là nửa cười, nửa khóc. Hoặc đọan phim ngắn, với cảnh Charlot nghèo, nhà ổ chuột nhưng học đòi thói trưởng giả, thấy thiên hạ sáng tập thể dục, đi hồ bơi, bèn bắt chước tập thể dục bên cái ao cạn phía sau nhà. Lúc cao hứng, anh bèn nhảy xuống ao, nhưng ao quá cạn, phải cố gắng chui khỏi vũng bùn, trồi đầu lên mặt nước, bùn lầy lấm lem.

 

 

Bấy giờ đã có phim màu, thỉnh thỏang giá vé gấp đôi, đại khái phim tình ái. Đòan lạc đà qua sa mạc có ca sĩ da đen nhà nghèo, đi theo đòan lạc đà, bỗng yêu cô gái da trắng, là diễn viên trứ danh Marlène Dietrich. Nhưng nàng phụ tình ra đi, riêng chàng ca sĩ than khóc với làn hơi ca giữa sa mạc trơ trọi. Một kiểu Trương Chi – Mị Nương. Lại có phim cô gái Shirley Temple, kiểu thần đồng chừng hơn 10 tuổi, xinh xắn có duyên. Lại có phim khỏa thân diễn tả lúc chàng Tarzan tình cờ gặp cô gái Rừng xanh (nữ diễn viên Dorothy Lamour). Lại còn nữ diễn viên được ái mộ người Pháp là Annabella. Nói rằng khêu gợi, khỏa thân nhưng lúc ấy mặc kiểu áo tắm dính vào cái quần cụt. Trai gái hôn nhau chỉ là chạm môi trong nửa phút, và khi yêu nhau, họ tặng nhau những mẫu khăn nhỏ thêu, để cho chàng dắt vào túi trên, của chiếc áo vét, chữ thêu để lú ra ngòai, thường là thêu tên chàng và nàng với hai chữ ngóeo  vào nhau.

 

Ảnh minh tinh nam nữ được in từ bên Pháp, chưa có ảnh màu, bán ở các hiệu sách, nam sinh và nữ sinh mua gởi tặng nhau, lắm khi ảnh được in trong tấm thiếp (kiểu bưu thiếp) với hình trái tim. Phim Cánh đồng ma của Việt Nam đóng, nhưng do hãng Hồng Kông quay, tuy lạ nhưng không ấn tượng gì cả! Phim này có nhà văn Nguyễn Tuân đóng. Có đọan phim tư liệu của Richard Nguyễn (người Việt) quay về cảnh đẹp của cố đô Huế với núi Ngự sông Hương.

 

Điện ảnh Tây phương mang “đôi hài bảy dặm”. Bấy giờ, tôi còn nhớ trước khi vào phim, có chiếu kèm phim tư liệu thời sự ngắn về tình hình thế giới. Hãng phim Pathé của Pháp dùng logo con gà, xòe cánh gáy ò ó o. hãng M.G.M của Mỹ dùng logo con sư tử đầu boom, nhe răng gầm lên một tiếng dài…

 

SƠN NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Năm 2006, họ sẽ làm gì?
Thứ Năm, 02/02/2006 12:00 CH
Tuất + chó +cẩu + khuyển = CẦY
Thứ Năm, 02/02/2006 11:44 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek