Thứ Bảy, 05/10/2024 14:30 CH
Điêu khắc gia - Họa sĩ Phạm Cung:
Sáng tạo hay là chết!
Chủ Nhật, 05/02/2006 15:24 CH

Điêu khắc gia, họa sĩ Phạm Cung là gương mặt quen thuộc của làng hội họa Sài Gòn. Ông từng góp phần sáng lập phòng tranh từ thiện của báo Công an TP  Hồ Chí Minh. Sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng”, năm 2005 vừa qua ông “tái xuất giang hồ” với hai loạt tranh đầy ấn tượng về phái đẹp “Thiếu nữ” và “Nét kiêu sa”, rồi đầu xuân Bính Tuất này Phạm Cung lại ra mắt loạt tranh về Kiều trưng bày tại phòng tranh thường trực Hội quán PYSA của Hội Bạn trẻ Phú Yên tai TP HCM (78/F2 Cộng Hòa, quận Tân Bình), khai mạc ngày 21-01-2006. Sức lao động nghệ thuật mạnh mẽ và bền bĩ ấy khi bước vào tuổi 70, Phạm Cung như muốn gửi gắm một thông thiệp: sáng tạo hay là chết!

 

Họa sĩ Phạm Cung bên bức tranh " Trời hửng"

 

Phạm Cung là họa sĩ rất say mê lịch sử và văn học. Điều ấy không chỉ thể hiện qua câu chuyện bàn trà rượu, mà còn được phản ánh rõ nét trong tranh tượng của ông. Tại phòng tranh “Thiếu nữ” trưng bày hồi tháng 4.2005, người xem thực sự bất ngờ trước các tác phẩm: Tờ kinh sử, Buồn dị sử, Đội căm hờn, Máu trong tháp, Mùa lửa đỏ,… mà ở đó cảm hứng sử thi thông qua thân phận người phụ nữ đã có sức truyền cảm mãnh liệt đến người xem. Nổi bật nhất là bức tranh Tờ kinh sử. Tờ kinh sử mà không hiện lên chữ nào, vô ngôn, ấy chính là điều làm nên cái “thần” bức tranh của Phạm Cung. Và theo vị họa sĩ mê sử này, từ xa xưa con người khi chưa có chữ viết thì lấy chữ đâu để viết sử; thậm chí khi nhiều dân tộc đã có chữ viết rồi thì lịch sử thường cũng chỉ được ghi lại theo nhãn quan hay quan điểm nhất định nào đó. Bao sự thực lịch sử của hàng ngàn năm nay vẫn còn im lặng, vẫn còn là một bí ẩn mà con người đang tiếp tục khám phá, tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục tái hiện. Trách nhiệm ấy có phần thuộc về những người làm nghệ thuật chân chính. Đó cũng là một trong những nguồn cảm hứng chủ đạo trong tranh tượng của điêu khắc gia- họa sĩ Phạm Cung.

 

Bức tranh " Chị em Thúy Kiều trước mộ Đạm Tiên"
Sau loạt tranh tượng “Thiếu nữ” thiên về cảm hứng nội tâm đến loạt tranh “Nét kiêu sa” tái tạo vẻ đẹp thân thể huyền bí mà đấng tạo hóa ban cho phụ nữ, qua đôi mắt tài hoa và đa cảm của “chàng” nghệ sĩ Phạm Cung. Khó có người xem nào chỉ lướt qua một lần trước “sắc nước hương trời” hiện lên trên các bức tranh: Trời hửng, Ngực trần, Nét kiêu sa, Buồn vời vợi, Buồn vào hồn, Tìm trăng sao, Xin cho bình yên, Chân gác trên đầu tượng, Đợi anh một phút trước giờ,… cùng tượng chân dung của những người phụ nữ Chămpa và nước ngoài mà ông yêu quí: Khiakyja Kiru của Pakistan và Ayono Michi (Kim Phụng- Phạm Cung đặt tên Việt) của Nhật Bản. Trong thế giới nghệ thuật của Phạm Cung, vẻ đẹp thiên phú cùng cuộc sống nội tâm của người phụ nữ là một nguồn cảm hứng chủ đạo khác, một “nét kiêu sa” buồn man mác:

 

Mọi định nghĩa về phụ nữ mà tôi biết

Mọi lý luận về cái đẹp mà tôi biết

Chợt trở thành vô nghĩa trước một nét kiêu sa

Chợt trở thành mây khói trước một người đàn bà

Một người đàn bà đích thực!

 

Đối với Phạm Cung, phụ nữ là một món quà thiêng liêng mà đấng tạo hóa ban phát làm đẹp cho thế giới; từ vĩ nhân, anh hùng đến “con đỏ, dân đen” đều do phụ nữ sinh ra và nuôi dưỡng. Xúc cảm trước tranh tượng của Phạm Cung, thi sĩ Bùi Giáng- một đàn anh và là người bạn rất thân thiết của họa sĩ Phạm Cung đã để lại nhiều bút tích, trong đó có hai câu thơ ca ngợi Bà Phạm Cung đề trên tranh rất đẹp:

 

Đời xưa có mụ Tú Xương

Đời này có mụ Bích Sương thương chồng

 

Và đầu xuân 2006 này là loạt tranh Kiều mà Phạm Cung lấy cảm hứng từ Đoạn trường tân thanh của thi hào Nguyễn Du và Đoạn trường vô thanh- hậu Kiều của thi sĩ Phạm Thiên Thư. Một loạt tranh mới mẻ mang sắc thái riêng của Phạm Cung, nhưng có sức lan tỏa đến người xem bằng những đường nét và nội dung có tính phát hiện đối với các tác phẩm văn học nổi tiếng này. Hy vọng bước vào năm mới, người nghệ sĩ tài hoa có tính hơi gàn bướng Phạm Cung sẽ tiếp tục sáng tạo nhiều tác phẩm mới đem lại vẻ đẹp thầm lặng cho cuộc đời!

 

PHAN PHÚ YÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek