Thứ Bảy, 05/10/2024 16:17 CH
Một thời đói cơm lạt muối
Thứ Năm, 26/01/2006 15:11 CH

Năm tháng trôi qua, mỗi độ Tết đến xuân về, lòng tôi lại bồi hồi nhớ về một thời “đói cơm lạt muối” nhưng đầy ắp kỷ niệm ở Tiểu ban văn nghệ giải phóng khu 5.

 

Tiểu ban văn nghệ giải phóng khu 5 tổ chức Đại hội vào ngày 10-10-1967. Đồng chí Võ Chí Công (hồi đó mọi người thường gọi là anh Năm Công), Bí thư Khu ủy đến dự và phát biểu chỉ đạo đại hội. Nội dung được tập trung thảo luận là chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong văn học nghệ thuật. Đại hội thống nhất cao: Văn nghệ kháng chiến có sức mạnh diệu kỳ trong việc bồi dưỡng ý thức, nhiệt huyết cách mạng trong quần chúng. Sức mạnh kỳ diệu ấy bắt nguồn tự sự gắn bó mật thiết giữa người làm văn nghệ với cuộc chiến đấu hào hùng của quần chúng nhân dân.

 

Bữa cơm liên hoan diễn ra trong các lán lợp bằng nilon, khi cơn mưa rừng ầm ầm đổ xuống. Cơm gạo rẫy, thứ gạo “bọc thép” đã để lâu năm, vừa sượng, vừa bùi lại hâm hẩm ăn với thịt trâu, ngày nay chắc chẳng ai thèm ăn, nhưng thời ấy thì… ngon nhất hạng. Ấn tượng hơn cả là đêm bế mạc Đại hội với buổi giao lưu văn nghệ có một không hai. Sau khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đóng vai “anh bộ đội lên đường” trong tác phẩm múa “Khúc hát chia tay” của nữ nghệ sĩ múa Phương Anh (nay là NSƯT), Thu Hoài trích đọc tiểu thuyết “Rừng Xà Nu” của Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành). Khán giả lặng im, hào hứng theo dõi. Tiếp theo là nhà thơ Thu Bồn đọc một đoạn thơ trong “Bài ca chim chơ rao” của anh.

 

Hát tuồng

 

Tổ chức được một Đại hội ở chiến trường gian nan ác liệt đã khó, nhưng để ra được tờ tạp chí càng khó hơn nhiều. Thời ấy, nhiều bận nhà in chưa có giấy, bản thảo lên makét rồi phải nằm chờ, các anh Hải Lê (nhà thơ Vương Linh), Cao Duy Thảo, Chu Cẩm Phong, Nguyên Ngọc, Chí Trung, Dương Hương Ly, Phan Huỳnh Điểu… đề nghị cứ điện minh ngữ ra Đài Giải phóng dùng và giới thiệu bài vở rút từ Tạp chí Giải phóng Trung Trung Bộ số mấy. Những năm 1969- 1970, tờ tạp chí của chúng tôi số thì in trên giấy vở học trò, số thì in trên giấy “bình dân” đen xỉn làm từ bột nứa nghiền chưa kỹ. Tập I cuốn tiểu thuyết “Đất Quảng” của nhà văn Nguyễn Trung Thành cũng được in bằng thứ giấy ấy. Nhiều trạm giao liên đã treo các tờ Tạp chí văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ, Văn nghệ giải phóng Quân khu 5, tiểu thuyết “Đất Quảng” và tập ca dao động viên sản xuất của Nguyễn Mỹ lên dây quanh vách trạm, khách vào ra trên đường Trường Sơn, khi dừng chân tại trạm cứ tự nhiên lấy đọc rồi treo lên chỗ cũ.

*    *

 *

Thời ấy, cái đói triền miên, gay gắt. Còn nhớ, có một buổi họp chi bộ đã phải ra một nghị quyết như sau:

 

1-Tổng số gạo hiện còn: 17 lon.

Chủ trương sử dụng:

- Dự trữ: 10 lon.

- Bồi dưỡng cho người đang bệnh nặng: 1,5 lon.

- Dùng cho cả cơ quan 5,5 lon/tháng.

 

2- Quyết vượt qua cái đói bằng:

- Tích cực chăm sóc rẫy rừng non ở Đak Bui.

- Phát thêm một rẫy rừng già ở Đak Nghêu.

- Phấn đấu đến mùa rẫy mỗi người có được nửa lon gạo/ngày.

 

Bấy lâu nay văn nghệ luôn mang tiếng sản xuất kém, nay có cớ thể hiện khả năng này. Rẫy sắn lên xanh, hứa hẹn sắp thoát được cái đói kinh niên vì địch đánh phá ngày càng ác liệt lên vùng căn cứ – thì một buổi sáng bỗng nghe tiếng máy bay C47 rù rù bay tới và xè xè lướt thấp. Một thứ nước trắng đục như sữa, mùi cay nồng phát lộn mửa tưới xuống ướt đẫm cả lưng những người làm cỏ sắn chúng tôi. “Chất độc! Chất độc!” Ai đó kêu lên. Nước mắt nước mũi dàn dụa, chúng tôi chạy nhanh ra suối dầm mình gột rửa. Ngó lại, chao ơi! Cả một rẫy sắn đang xanh tươi bỗng nhũn lá như vừa bị luộc nước sôi. Vậy là tiêu tan công sức bốn tháng trời quần quật. Và, đói lại càng đói!

 

Những ngày ở Đak Bui đã xảy ra một chuyện cười ra nước mắt. Cơ quan chúng tôi nuôi được một con heo đã khá lớn bỗng nhiên nó bỏ đi mất. Một hôm vào lúc chập choạng tối, thấy một con heo rất bự lông vàng hườm sục vào bếp. Nhiều người bảo nó giống con heo nhà mình bỏ đi hoang. Vài bữa sau, vào lúc bảy giờ sáng chú trư lại ìn ịt trong bụi gai mây. Sau khẳng định rằng đây là heo nhà mình, nếu không thì cũng là heo rừng, cuối cùng thì thủ trưởng đồng ý cho chúng tôi bắn. Con heo nhanh chóng bị xả thịt, hầu hết ướp muối để dành, chỉ có bộ lòng và một ít thịt dùng để… liên hoan. Cả năm trời không biết đến mùi thịt, thật khó tả xiết cái cảm giác của những người vừa đói ăn, vừa thèm “đặc sản”. Đang sảng khoái bỗng thấy anh chàng Mon, một thanh niên người Kà Dong ở nóc cách cơ quan ba mươi phút đi đường, trên lưng anh ta địu một cái lẹp (gùi mây thu nhỏ và mỏng) trong là một cây rựa dài. Mon im lặng ngồi xuống một gộp đá. Chúng tôi mời Mon cùng ăn, nhưng anh chỉ rút tẩu thuốc ra khỏi miệng, nói bằng giọng Kinh lơ lớ: “Mình không ăn! Mình đi tìm heo. Mình thấy rồi!”. Có người trong chúng tôi lo lắng. Thôi chết, trong nóc cũng có một con heo đi hoang, hay là…?

 

Nhiều người khác gạt đi: “Heo đồng bào nếu đi hoang sao đi xa thế? Không phải đâu. Đây là heo nhà mình. Yên chí, cứ ăn đi!”. Cao Đình Cựu nói thêm: “Anh ta nói đi tìm heo, nhưng đã thấy rồi. Đừng lo!”. Lúc này Mon cũng đứng lên và nói: “Đúng, mình thấy rồi. Ăn xong rồi họp”. Và Mon lặng lẽ ra về. Còn chúng tôi tiếp tục bữa tiệc.

 

Khi mọi người đang mơ màng trên võng bỗng giật mình bật dậy vì những tiếng hú rùng rợn. Bên ngoài chừng bốn năm chục người trai gái trẻ già, người thì súng CKC, kẻ lăm lăm AK (do cách mạng trang bị) còn lại là những mác dài sáng loáng dưới sự điều khiển của một ông già Kà Dong. Mặt họ phừng phừng tức giận huơ tít những ngọn mác và hú lên vang động núi rừng. Chúng tôi đinh ninh mình sẽ bị đâm và chết thảm hại như những con thú rừng xấu số. Vừa lúc Chu Cẩm Phong và Võ Ngọc Anh nhanh chóng có mặt. Phong nói với họ một tràng tiếng Kà Dong (anh rất thạo tiếng miền Tây Quảng Nam, vì đã từng sống với đồng bào). Ông già nói gì đó với Chu Cẩm Phong rồi xông vào bếp vác đi những gùi muối và những bao mì chính mà chúng tôi dự trữ cho mùa mưa. Phong bình tĩnh chỉ cho họ lấy những gì họ muốn. Anh giải thích cho chúng tôi rằng, đúng là mình đã bắn nhầm con heo đi hoang của đồng bào, phải để cho họ xiết đồ thôi, mai anh sẽ vào nóc thương lượng xin lại nửa gùi muối và nửa bao mì chính về ăn đỡ rồi liệu sau. Một kỷ niệm hú vía, nhớ đời!

 

Một thời chúng tôi đã hoạt động văn nghệ như thế đấy. Nguyễn Mỹ, Chu Cẩm Phong, Cao Đình Cựu, Vương Linh và nhiều đồng đội khác đã về với thế giới vĩnh hằng. Tôi biết, các anh không đòi hỏi gì mà chỉ cầu mong thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay và mai sau phải sống thật tử tế với nhau, phải sống xứng đáng trên nền hạnh phúc đã được dựng xây bằng máu xương của bao người đã khuất!

 

PHẠM NGỌC SƠN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tiếng hát Sô Ly Hương
Thứ Năm, 26/01/2006 15:02 CH
Tập trung 12 nhiệm vụ trọng tâm
Thứ Tư, 25/01/2006 14:42 CH
Nhớ Phương xích lô
Thứ Bảy, 21/01/2006 07:56 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek