Thứ Bảy, 05/10/2024 04:06 SA
Về Phước Thịnh nghe cụ bà hát dân ca
Chủ Nhật, 08/06/2014 14:00 CH

Ở tuổi 87 nhưng cụ Lê Thị Lẫy (khu phố Phước Thịnh, thị trấn Phú Thứ, Tây Hòa) vẫn còn khá minh mẫn. Bà vẫn giữ thói quen chép lại lời các làn điệu dân ca một cách tỉ mỉ. Đến nay, cụ Lẫy sở hữu khối “tài sản” hơn 60 tập vở ghi chép các lời ca. Và giờ đây, dù giọng không còn mượt mà như trước, nhưng khi bà cất tiếng hát, cái “tình” thấm đẫm trong từng câu ca vẫn làm lay động lòng người.

 

Cụ bà Lê Thị Lẫy đang chép lại lời dân ca vào vở - Ảnh: T.DIỆU

Thời gian đè nặng lên lưng còng rạp nhưng dường như không hề hấn gì đến đôi mắt tinh anh và trí nhớ tuyệt vời của cụ Lẫy. Chỉ cần ai gợi ý, bà Bảy (tên thân mật hàng xóm thường gọi) hát một bài dân ca nghe chơi thì ngay tức khắc giọng hát ru ngọt ngào của bà được cất lên:

 

Mẹ ru con khúc nhạc ngày xưa/ Qua bao sớm nắng chiều mưa vẫn còn/ Chân trần mẹ lội đầu non/ Gạo mang cơm vắt lưỡi ròn cá xương/ Dãi dầu dưới nắng trên nương/ Thân già chân mẹ băng đường giậm gai/ Vì con áo mẹ bạc phai/ Vì con thao thức thức canh dài nhớ thương/ Lớn từ dạo đó tha phương/ Chân mây góc biển muôn đường vẩn vơ/ Mẹ ngồi tựa cửa trông chờ/ Năm qua tháng đến ngày về của con/ Mai vàng nở sớm đồi non/ Hàng hiên bóng nắng sương còn bao quanh/ Núi cao lên tận non xanh/ Thương con mẹ lội năm canh ngại gì/ Hò ơ… Cụ Bảy hát tới đây như chợt thương nhớ mà buông lời: “Tôi có thằng con đi làm cách mạng rồi hy sinh, nghĩ mà thương con đứt ruột”.

 

Năm 1948, lúc này Nhà nước đã có chính sách mọi người dân đều phải biết chữ. Lính canh ở các cổng chợ, phụ nữ muốn ra vào chợ phải đọc được các con chữ theo quy định thì mới được vào cổng. Cụ Bảy học chữ ở các lớp bình dân học vụ, biết được ít chữ, làm được vài bài toán “rẻ rẻ” để ra, vào chợ. Sau đó do sáng dạ, cụ Bảy học nhanh và biết đọc, biết viết thành thạo.

 

Cụ Bảy kể: “Năm lên 13 tuổi, tôi đã say mê các làn điệu dân ca. Nghe bộ đội hát bài chòi kêu gọi người dân ủng hộ cách mạng, ca ngợi lý tưởng của Đảng, lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại, tôi lầm rầm học theo, tôi còn xin các anh chép lời bài hát ra giấy để về nhà học. Mấy người lớn “hay chữ” trong làng say mê hò hát, tôi đều tìm đến học. Tôi quá yêu quý các làn điệu nên “học lỏm” rất nhanh”.

 

Cụ Bảy hứng khẩu thành lời một bản bài chòi cổ động: Đồng bào ơi đoàn kết một lòng/ Quyết tâm đánh giặc thù chung nước nhà/ Kinh tế tự túc tỉnh ta/ Phải lo cho trọn để mà trừ gian/ Đánh giặc yên ta mới bền gan/ Hết tiền nước mất nhà tan dạo này/ Đồng bào ơi hãy nghe đây!/ Lại quyên kháng chiến kháng rày quyên đi/ Mình còn tiếc của làm chi/ Ôm của giặc tới vậy thì làm sao?/ Kiếm tiền quyên góp nhiều vào/ Kẻ nhiều người ít góp vào việc chung…

 

Không chỉ giỏi hát ru, bà còn thuộc và hát được nhiều bài thơ, bài chòi, hò khoan, vè, ca dao. Những bài hát dài đến vài trang giấy vở học sinh nhưng bà vẫn nhớ không sót một chữ nào. Với “gia tài” hơn 60 tập vở chép tay lời dân ca, ai cũng hết sức ngạc nhiên về khả năng nhớ và sở thích ghi lại các làn điệu dân ca của cụ. Con cháu nhiều khi thấy bà cặm cụi ghi chép lời ca mà “xót” nên ngăn cản, nhưng bà vẫn quả quyết và say mê làm.

 

Bà Trần Thị Lừng, con gái của cụ Bảy kể rằng, bà lớn lên trong tình thương thiết tha của mẹ qua những câu hát ru mượt mà, thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi đức tính thủy chung của người con gái Việt Nam. “Những đêm trăng sáng, mẹ tôi trải chiếu trước thềm nhà, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mẹ và các chị dùng lời ca để quên đi mệt nhọc những lúc đi cấy đồng xa, hay ngồi bên khung dệt vải. Khung cảnh trai gái trao duyên qua những câu hò đối đáp nghe sao mà ý nhị quá. Tiếc thay, giờ lớp cháu chỉ thích nghe nhạc hiện đại, không còn cảm nhận được cái hay, cái đẹp của các làn điệu truyền thống nữa”, bà Lừng bộc bạch.

 

Với vốn dân ca dày dặn, trước đây, khi sức khỏe còn tốt, cụ Bảy thường xuyên được lãnh đạo khu phố Phước Thịnh mời hát trong các lễ cúng đình, hay các hội diễn văn nghệ ở địa phương.

 

Ông Duy Văn Hà, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Hòa cho biết: “Những bậc cao niên còn am hiểu và lưu truyền các làn điệu dân gian ở Tây Hòa còn rất ít. Cụ Lẫy đã già yếu, các làn điệu dân ca mà cụ chép lại rất dễ thất lạc, nếu không có hình thức bảo quản thích hợp, vì vậy rất cần các cấp chính quyền và ngành chức năng có giải pháp bảo tồn”. 

 

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek