Chủ Nhật, 06/10/2024 23:10 CH
Khúc tráng ca về những hùng binh
Thứ Năm, 05/06/2014 11:00 SA

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn - Nguồn: dangcongsan.vn

Hơn một tháng qua, trên các trang mạng, những bài hát về biển đảo nối nhau vang lên, dâng tràn cảm xúc về phần máu thịt thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc. Khúc tráng ca biển (nhạc: Vũ Thiết, thơ: Trịnh Công Lộc) là một trong những ca khúc được nghe rất nhiều và khơi gợi biết bao cảm xúc.

 

Hơn một tháng qua, trên các trang mạng, những bài hát về biển đảo nối nhau vang lên, dâng tràn cảm xúc về phần máu thịt thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc. Không chỉ lắng nghe các tác phẩm mới ra đời khi biển Đông dậy sóng, người yêu nhạc còn tìm kiếm những tác phẩm gây tiếng vang từ các năm trước và đã để lại dấu ấn không thể phai mờ. Khúc tráng ca biển (nhạc: Vũ Thiết, thơ: Trịnh Công Lộc) là một trong những ca khúc được nghe rất nhiều và khơi gợi biết bao cảm xúc. 

 

Trước khi được nhạc sĩ Vũ Thiết đổi tên thành Khúc tráng ca biển, ca khúc này có tên Mộ gió. Đó cũng là tựa bài thơ về những ngôi mộ không có di cốt trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), được nhà thơ người Thái Bình Trịnh Công Lộc sáng tác vào tháng 8/2011.

 

Mộ gió đây, đất thành xương cốt

Cứ gọi lên là rõ hình hài

Mộ gió đây

cát vun thành da thịt

Mịn màng đi dìu dặt bên trời…

Mộ gió đây

những phút giây biển lặng

Gió là tay ôm ấp bến bờ xa

Chạm vào gió như chạm vào da thịt

Chạm vào

nhói buốt

Hoàng Sa…”. 

 

Theo nhà thơ Trịnh Công Lộc, ông đã nung nấu tứ thơ này từ rất lâu. Và khi cảm xúc thăng hoa, những câu thơ bật ra, ông viết Mộ gió trong vòng mươi phút, lúc nửa đêm về sáng. Với Mộ gió, nhà thơ Trịnh Công Lộc nhắc lại sự kiện các hải đội ra khơi trấn giữ Hoàng Sa theo lệnh của vua Gia Long. Họ mãi mãi không trở về, thân xác chìm vào lòng biển thẳm. Theo phong tục, những người sống làm mộ gió, cầu an cho người nằm lại nơi biển cả. Nhà thơ nói: “Những nấm mộ tượng trưng được dựng lên để tưởng nhớ, tôn vinh những người hy sinh vì biển đảo… Bởi thế tôi đã viết. “Mộ gió đấy/giăng từng hàng, từng lớp/Vẫn hùng binh giữa biển - đảo xa khơi/Là mộ gió/ gió thổi hoài, thổi mãi/Thổi bùng lên/ những ngọn sóng ngang trời”… - nhà thơ chia sẻ. 

 

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - Ảnh: Internet

 

Sau khi hoàn thành Mộ gió, nhà thơ Trịnh Công Lộc đã chia sẻ bài thơ này với người bạn nhạc sĩ đồng hương Vũ Thiết. Những câu thơ bi tráng ngay lập tức chinh phục nhạc sĩ người Thái Bình. Ông nghĩ: Âm nhạc dành cho bài thơ này phải là nhạc thính phòng. “Tôi cảm thấy một cái gì đó rất rộng lớn, bi tráng ẩn sau những câu chữ rất đắt của tác giả. Tôi viết một mạch và chỉ trong hơn một ngày đã hoàn chỉnh, hầu như không phải sửa bất cứ nốt nào. Sau này tôi đổi tên Mộ gió thành Khúc tráng ca biển vì thấy cái tên này rộng lớn hơn, bao trùm lên cả Mộ gió và cũng bi tráng hơn nhiều” - nhạc sĩ Vũ Thiết chia sẻ trên báo chí. 

 

Điều đáng nói là khi phổ nhạc Mộ gió, nhạc sĩ Vũ Thiết hầu như giữ nguyên lời thơ của Trịnh Công Lộc. Và chất bi tráng của bài thơ được âm nhạc chắp cánh càng thêm ám ảnh. 

 

Khúc tráng ca biển được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí. Và ca sĩ Lê Xuân Hảo - giải nhất dòng nhạc thính phòng Sao Mai 2009 - đã thể hiện xuất sắc ca khúc này. 

 

Cũng trong năm 2011, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Báo Vietnamnet phát động cuộc thi sáng tác thơ, nhạc với chủ đề “Đây biển Việt Nam”. Nhà thơ Trịnh Công Lộc không có ý định dự thi nhưng bạn bè cứ động viên và sau đó, họ nhiệt tình gởi 2 tác phẩm của ông tham dự cuộc thi này, trong đó có bài Mộ gió. Còn nhạc sĩ Vũ Thiết cũng gửi 2 ca khúc dự thi, trong đó có Khúc tráng ca biển.

 

 

Từ hơn 1.000 tác phẩm thơ và hơn 400 ca khúc của các tác giả ở khắp nơi gửi về, Ban Tổ chức cuộc thi chọn 11 tác phẩm thơ và 10 tác phẩm âm nhạc xuất sắc để trao giải. Bài thơ Mộ gió của nhà thơ Trịnh Công Lộc đoạt giải nhì. Thật thú vị khi ở thể loại âm nhạc, Khúc tráng ca biển cũng đoạt giải nhì. 

 

Điều đáng nói là cả Mộ gió lẫn Khúc tráng ca biển đã vượt qua khuôn khổ một cuộc thi, tạo dấu ấn và chinh phục công chúng. Trong 2 năm 2013 và 2014, bài thơ Mộ gió đã vang lên trong Ngày Thơ Việt Nam, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. “Bài thơ ẩn chứa sự đau đớn, cảm phục và tôn vinh một cách toàn bích hình ảnh hy sinh dũng cảm của người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió”. Đó là nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - về Mộ gió. Còn Khúc tráng ca biển cũng không ngừng vang lên, khắc khoải trái tim biết bao người dân Việt - những người vẫn luôn thao thức dõi về biển đảo thiêng liêng.

 

YÊN LAN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek