Vẫn là những câu chuyện gắn liền với tuổi thơ được kể bằng chất giọng dí dỏm, Chúc một ngày tốt lành - cuốn sách mới “ra lò” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã dẫn dắt người đọc vào khu vườn ngôn ngữ thú vị. Ở đó, các nhân vật ngộ nghĩnh đã sáng tạo ra trò chơi ngôn ngữ mang những thông điệp ý nghĩa.
Cũng như những quyển sách trước viết cho thiếu nhi, Nguyễn Nhật Ánh luôn biết cách làm cho những ngõ xóm, ngọn đồi, vòm cây và thậm chí là một góc vườn trong ngôi nhà trở thành xứ sở thần tiên. Lần này, với 282 trang sách Chúc một ngày tốt lành, nhà văn đã biến khu vườn nhỏ bé, nghèo nàn của mẹ con bà Đỏ thành một thế giới rộng lớn, đầy sức sống và vô cùng hấp dẫn. Lọ Nồi - một chú heo thông minh cùng em trai là Đuôi Xoăn và các bạn chó Mõm Ngắn, gà Cánh Cụt và bọn gà chip cảm thấy chán nản với cuộc sống hàng ngày nên đã bày ra những trò quậy phá như kêu tiếng của loài khác hay trò chuyện với người bằng thứ tiếng “hỗn hợp”. Lúc đầu, trò chơi ngôn ngữ từ việc chắp vá, pha trộn tiếng kêu ấy gây ra bao rắc rối “dở khóc dở cười”. Nhưng rồi, nó cũng đã mở ra bao điều bất ngờ, thú vị: giới báo chí có chuyện để nói; ông kinh tế, bà y tế, ông du lịch, ông an ninh có việc để làm; bà Đỏ, thằng Cu, chị Mái Hoa, chị Nái Sề không phải lo đến chuyện “hũ gạo”… Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là cuộc cách tân ngôn ngữ đã kết nối mọi thứ lại với nhau. Thông qua ngôn ngữ mới, các loài vật không chỉ trò chuyện được với nhau mà còn có thể giao tiếp với con người; để rồi, cùng phát giác phối hợp bắt bọn trộm bò nhà bà Tươi, giữ gìn cuộc sống bình yên. Truyện cũng không thiếu những “tiếng sét” tình cảm từ cái nắm tay của thằng Cu với con bé Hà, lời tỏ tình của thằng Lọ Nồi với con Đeo Nơ… Nhẹ nhàng thôi nhưng cũng đủ dậy lên trong lòng người những xúc cảm sáng trong.
Đọc Chúc một ngày tốt lành, nhiều người sẽ khó mà chấp nhận cuộc cách tân ngôn ngữ này, khi mà: gô un un là chào buổi sáng; un gô gô là chúc ngủ ngon, un ún ủn un gô chiếp gồ ồ ồ là tôi muốn ở bên em suốt đời i i… Thế nhưng, khi mở lòng với con chữ, bằng một trí tưởng tượng bay bổng, cái nhìn trong trẻo, hóm hỉnh, người lớn sẽ dễ dàng bị cuốn theo những trò chơi của đám trẻ con, để rồi khi gấp cuốn sách lại, chúng ta nhận ra một điều: trong cuộc sống đừng nên quá khắt khe với mọi thứ và đôi khi, ngẫu hứng lại mang đến những niềm vui bất ngờ. Bên cạnh đó, thông qua những câu thoại dí dỏm, Nguyễn Nhật Ánh cũng đã mang đến cho độc giả nhiều thông điệp ý nghĩa về những giá trị sống như: “Tự mình bươn chải kiếm ăn, chính điều đó đem lại giá trị cho cuộc sống. Đó là cách tốt nhất dạy cho em bài học làm người, à quên, bài học làm gà. Là loại bài học mà các em không thể học bằng cách nào khác. Nếu sống mà chỉ ườn ra cho người khác lo liệu thì gần như là không sống” hay “Cuộc sống không phải lúc nào cũng giống như dòng nước phẳng lặng. Đôi khi chúng ta cần quăng một tấm lưới ra thật xa và kéo về một mẻ náo nhiệt, điều đó cũng không tệ lắm đâu”. Và khi gấp cuốn sách lại, độc giả đừng ngần ngại nói “Ăng gô gô” (chúc một ngày tốt lành) với những người mà mình yêu quý.
HÀ MY