Bên bờ biển lộng gió, những giai điệu, lời ca hào hùng vang lên, đưa người nghe trở về với những năm tháng vô cùng gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của dân tộc, tái hiện không khí tưng bừng khi quân và dân ta làm nên chiến thắng chấn động địa cầu.
Tối qua (7/5), tại sân khấu phía đông Quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa), Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển biểu diễn chương trình nghệ thuật Ký ức Điện Biên kỷ niệm 60 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014). Chương trình được mở đầu bằng không gian Tây Bắc rực rỡ sắc màu, với tiết mục hát múa Đường lên Tây Bắc (nhạc sĩ Văn An).
Lửa chiến tranh lan đến, những chàng trai cô gái vui bên nương lúa, lưng đồi bịn rịn chia tay nhau, lên đường ra trận. Ca sĩ Thanh Vân và Minh Khương xuất hiện trên sân khấu, ngọt ngào hát Lời người ra đi của nhạc sĩ Trần Hoàn.
Nhằm tái hiện công cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến, bên cạnh không gian Tây Bắc hùng vĩ, phần 1 Theo lời Bác gọi còn có không gian Liên khu V và Phú Yên sục sôi khí thế kháng chiến, được thể hiện trong tốp ca nam nữ Diệt đồn (nhạc sĩ Nhật Lai) và Đánh giặc tăng gia (nhạc sĩ Văn Cận).
Trong phần 2 Từ Át-lăng đến Điện Biên, không khí khẩn trương chuẩn bị trận đánh lớn được tốp ca nam tái hiện trong bài hát Hành quân xa (nhạc sĩ Đỗ Nhuận). Trên những cung đường quanh co hiểm trở dẫn đến Điện Biên, từng đoàn dân công gánh gồng, từng đoàn xe thồ tiếp lương tải đạn. Câu sli câu lượn dân công - ca khúc mới toanh của nhạc sĩ Cao Hữu Nhạc - đưa khán giả trở về với không khí khẩn trương, chuẩn bị cho chiến dịch.
Chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, quân và dân Phú Yên đập tan chiến dịch Át-lăng trong kế hoạch Na-va của quân Pháp. Niềm vui đó được tác giả Huỳnh Xê thể hiện trong ca khúc Chiến thắng Át-lăng, do tốp ca nam nữ trình bày.
Khói lửa chiến tranh trùm lên các làng quê thanh bình, những người con tạm biệt mẹ già, tạm biệt mái nhà thân yêu, lên đường ra trận. Bằng giọng ca cao vút đầy nội lực, ca sĩ Lê Mỹ Như hát Làng tôi của nhạc sĩ Hồ Bắc khiến người nghe xúc động.
Trở lại với không gian Điện Biên, chuẩn bị cho trận chiến một mất một còn với quân xâm lược, quân ta kéo pháo lên những trận địa trên núi cao để dội xuống tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ca khúc Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân và Giải phóng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận vang lên náo nức lòng người.
Phần 3 Điện Biên in bóng hình Người có 2 tiết mục: đơn ca Đại tướng (nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên) và Nhớ ơn Hồ Chí Minh (nhạc sĩ Tô Vũ), tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người đã chỉ huy quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy.
Sạch bóng quân thù, bản làng Tây Bắc hồi sinh; những bản tình ca ngọt ngào được viết lên trong lao động sản xuất, như Tình ca Tây Bắc. Qua 60 mùa hoa ban, Điện Biên - vùng đất đi vào lịch sử - có rất nhiều đổi thay, vươn lên cùng cả nước. Phần 4 Điện Biên Phủ - 60 mùa hoa ban là khúc hoan ca tràn đầy tình yêu cuộc sống, tràn đầy lạc quan, với những tác phẩm âm nhạc mới sáng tác của các nhạc sĩ người Phú Yên: Về Điện Biên (Tấn Phát), Từ Điện Biên đến chiến dịch Hồ Chí Minh (Ngọc Quang), Đất nước ngày vui (Thanh Hải).
Nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Cao Hữu Nhạc, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển, chỉ đạo nghệ thuật chương trình Ký ức Điện Biên, nói: “Quân và dân Phú Yên đã đập tan chiến dịch Át-lăng, chia lửa với chiến trường chính Điện Biên Phủ, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi. Từ dấu son đó, nhà hát xây dựng kịch bản chương trình nghệ thuật Ký ức Điện Biên đan xen 2 không gian: Điện Biên và Phú Yên, thể hiện những tác phẩm âm nhạc về Điện Biên Phủ, về việc quân và dân Phú Yên đã góp phần vào chiến thắng oanh liệt này”.
YÊN LAN