Thứ Tư, 27/11/2024 23:55 CH
Tình yêu cổ vật “dựng” nên chữ nghĩa
Thứ Ba, 13/05/2014 14:00 CH

Nhà mê cổ vật Phạm Xuân Hiếu - Ảnh: P.HOÀNG

“Chơi đồ cổ phải có hồn, có tâm, có tiền, có kiến thức và quyết đoán” - người đàn ông khá trẻ so với tuổi giữa lục tuần mở đầu câu chuyện. Không chỉ từ lâu nổi tiếng trong giới chơi đồ cổ, mà gần đây ông còn được biết đến ngày càng nhiều trong giới văn chương khi những truyện ngắn chuyên viết về thế giới đồ cổ của ông xuất hiện đều đặn trên báo chí.

 

TÌNH CỜ MÊ CỔ VẬT

 

Con người đặc biệt ấy là Hiếu “đồ cổ”, tức Phạm Xuân Hiếu, hiện là nhà chơi cổ vật, nhà văn, doanh nhân. Ông sinh trưởng ở Nam Định trong một gia đình có 4 anh em trai đều đi bộ đội, 2 người em hy sinh thời kháng chiến chống Mỹ, 1 người em hy sinh ở biên giới Việt Trung, hiện còn mình ông. Thời chiến tranh, ông là lính phòng không, một lần đón đoàn chuyên gia Liên Xô sang làm việc ở Việt Nam, ông ngạc nhiên khi thấy 1 chuyên gia nước bạn thích những mảnh gốm sứ nằm tung tóe bên bờ ụ pháo đêm qua bộ đội vừa đào bới đắp công sự. Vị chuyên gia Liên Xô nhặt những mảnh vỡ ấy gói cẩn thận vào giấy báo mang về. Tò mò, ông hỏi thì được vị chuyên gia cho biết: đó là các mảnh vỡ sành sứ cổ rất giá trị, nó phản ánh đời sống văn hóa cổ của một triều đại. Từ đó, ông bắt đầu chú ý đến những cổ vật và vẻ đẹp bí ẩn của nó.

 

Sau khi xuất ngũ, Phạm Xuân Hiếu về làm việc trong ngành Xây dựng ở Hải Phòng. Khi đào bới xây các công trình, ông phát hiện được nhiều cổ vật từ lòng đất và mang về làm kỷ niệm, nhiều người đến xem thích, hỏi mua. Từ những mối quan hệ đó kiến thức cổ vật của ông được mở rộng...

 

Luật Di sản ra đời, người chơi đồ cổ tự do mua bán, hội cổ vật các tỉnh được thành lập là chỗ dựa cho những người đam mê cổ vật. Nhiều người mua, nhiều người chơi tạo nên thị trường sôi động. Thiếu cổ vật, nhiều nhà buôn cổ vật đã sang Thái Lan, Campuchia, Hong Kong mua cổ vật về Việt Nam. Gần đây, nhiều nhà chơi cổ vật còn sang Pháp, sang Anh... mua đấu giá cổ vật mang về Việt Nam chơi. Đó là điều đáng mừng. Nó chứng tỏ cái đẹp văn hóa đã “chảy” trở lại Việt Nam thay vì chỉ bán ra nước ngoài như trước đây. Tuy vậy, so với thế giới thì giá trị đồ cổ trên thị trường Việt Nam vẫn chênh lệch rất lớn. Ở nước ngoài, một cái lọ cổ hoặc bình cổ trị giá vài chục triệu, trăm triệu đôla Mỹ, còn ở nước ta một món đồ cổ quý nhất chưa nhà chơi nào chào bán tới giá 1 triệu USD.

 

Cũng từ sau năm 1980, biệt danh Hiếu “đồ cổ” ở Hải Phòng đã được giới thưởng ngoạn cổ vật cả nước biết tiếng. Nhờ sớm đam mê sưu tầm cổ vật, ông có trong tay nhiều đồ quý hiếm, tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm về văn hóa cổ vật. Ông nói: “Muốn chơi cổ vật không phải có tiền là chơi được. Người chơi phải có kiến thức, hiểu biết cổ vật, có tâm có duyên, có cơ hội mới có đồ quý trong tay “quý vật tầm quý nhân”. Vì đồ giá trị ai cũng muốn giữ dù trả bao nhiêu cũng không bán, thì làm sao mà mua được. Có thích thì chỉ ước mơ và chờ thời cơ mà thôi”. Với ông thì cái sự “chờ thời” vì yêu thích một món đồ cổ nào đó mà ông thường xuyên đến chơi, thăm hỏi chủ nhân. Có những cổ vật ông “chờ” từ đời ông, đời cha đến đời con nhưng chủ nhân vẫn không tỏ ý bán.

 

THÚ ĐAM MÊ “DỰNG” NÊN TRANG VĂN

 

“Các loại hoa văn trên cổ vật thường thể hiện nền văn hóa của một triều đại và nét tài hoa của các nghệ nhân. Chất men, chất màu đa dạng, kỹ thuật nung đốt thô sơ tạo thành những tác phẩm hỏa biến vô cùng quý giá”, Phạm Xuân Hiếu tâm sự. Đối với ông, trước đây chỉ có sách của cụ Vương Hồng Sển ở Sài Gòn là cẩm nang kiến thức về cổ vật. Sau này sách báo nhiều, người chơi đồ cổ có thêm kiến thức, hiểu biết hơn. Nhưng đồ thật và đồ giả thì khó phân biệt làm tâm trạng người chơi cổ vật không yên tâm. Trước năm 1975, thị trường đồ cổ không có đồ giả, còn hiện nay do khan hiếm và có giá nên người ta làm hàng giả nhiều, có người sang Trung Quốc đặt làm hàng giả đồ cổ các triều đại mang về Việt Nam bán. Ông cho rằng: “Để xác định được niên đại một món đồ không đơn giản. Người chơi hiện nay chưa có cơ sở chắc chắn để đánh giá, thẩm định một món đồ, phần lớn đều nhìn bằng mắt: xem dáng, xem men, xem cốt, hoa văn họa tiết, cộng với kinh nghiệm. Giá cả cũng vô cùng. Anh cho là đồ thật, quý thì bán đắt, mua đắt. Anh cho nó tầm thường thì mua rẻ, bán rẻ. Tất cả đều phụ thuộc vào trình độ chuyên môn và sự hiểu biết, va chạm trong thương trường. Với trình độ làm giả cổ vật hiện nay mà cứ mang sách với ảnh ra so sánh thì thứ đồ nào cũng đều là của quý cả”.

 

Vào cuối năm 2007, sau một bài viết của Phạm Xuân Hiếu tổng kết về phong trào chơi cổ vật được đăng báo, ông bất ngờ nhận được nhiều chia sẻ, ngợi khen của giới chơi cổ vật và cầm bút. Họ động viên ông hãy tiếp tục viết tản văn cổ vật. Thế là ông hứng khởi viết tiếp. Không chỉ tản văn mà ông còn tiến sang truyện ngắn, chủ yếu về thế giới đồ cổ. Văn phong giản dị, cốt truyện hấp dẫn, đầy ắp tri thức văn hóa cổ vật, truyện ông trở thành “món ăn lạ” nên đều được báo chí chọn đăng. Hai năm sau khi cầm bút, ông đã cho ra đời tập truyện ngắn Người đàn bà và chiếc chén bạc năm 2010. Và mới đây, khi gặp chúng tôi, cũng là lúc ông vừa giao bản thảo tập truyện thứ hai mang tên Cây đèn gia bảo cho nhà văn Trung Trung Đỉnh - Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, dự định sẽ ấn hành giữa năm 2014 này. Truyện ngắn Cây đèn gia bảo được chọn tên đặt chung cho cả tập truyện là câu chuyện xoay quanh một cây đèn dầu cổ là vật gia bảo bị thất lạc của dòng họ quý tộc Mongten bên Pháp. Nhà văn đam mê cổ vật Phạm Xuân Hiếu thổ lộ: “Giữa thời đại bùng nổ thông tin giải trí, người ta tìm đọc truyện của mình là rất quý. Vì vậy, tôi chủ trương truyện viết trước hết phải hấp dẫn, sau đó giúp bạn đọc biết thêm, hiểu thêm và rút tỉa được kinh nghiệm gì mới lạ, bổ ích, giàu tính nhân văn”.

 

PHAN HOÀNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek