Thứ Năm, 10/10/2024 12:24 CH
Sống lại ông đồ xưa
Thứ Bảy, 01/02/2014 19:00 CH

Hình ảnh ông đồ già của nhà thơ Vũ Ðình Liên đã hằn sâu trong tâm khảm nhiều thế hệ: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Niềm vương vấn chạnh lòng của nhà thơ: “Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?” đã thôi day dứt, bởi tiếp nối những mùa xuân đất nước, những ông đồ trẻ đã làm ấm lòng “những người muôn năm cũ”.

song-lai-ong-do-1.jpg

“Ông đồ” Phúc Văn đang cho chữ.

Ở tuổi 50, “ông đồ” Phúc Văn (tên thật là Nguyễn Quốc Thể) đến với nghệ thuật thư pháp bằng tình yêu và khát khao gìn giữ nét đẹp của thư pháp Việt. Thế nhưng ít ai biết ông vốn là một kỹ thuật viên X-Quang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hòa. Là người gốc Quảng Trị, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, ông Thể vào Phú Yên công tác đến nay đã 30 năm. Ông bắt đầu “lấn sân” bộ môn nghệ thuật đậm nét văn hóa truyền thống này cũng hơn 10 năm. Ông Thể cho biết: “Trong một lần được một người bạn nói đùa “chữ viết của ông này bay bướm quá, làm thầy đồ được rồi đó!”. Lời nhận xét này đã khích lệ tôi tìm đến nghệ thuật thư pháp”. Rồi ông Thể được họa sĩ Chấn Hưng, một người bạn ở TP Tuy Hòa, hướng dẫn làm quen với  nghệ thuật viết thư pháp Việt. Tình yêu dành cho thư pháp lớn dần cộng thêm quyết tâm tìm hiểu, nghiên cứu môn nghệ thuật này đến nơi đến chốn, ông Thể đã khăn gói ra TP Huế “tầm sư học đạo” với các nghệ nhân thư pháp nổi tiếng, trong đó có nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh tại chùa Huyền Không Sơn Thượng - người nổi tiếng khắp cả nước về nghệ thuật thư pháp. Sau khi tiếp thu kiến thức cơ bản, ông Thể tiếp tục vào TP Hồ Chí Minh lĩnh hội bút ý các nghệ nhân viết thư pháp ở các phố ông đồ vào những dịp Tết Nguyên đán.

Thư pháp là một môn nghệ thuật rất khó “chơi”, đòi hỏi sự rèn luyện kỳ công, dù chỉ đơn thuần viết chữ cách điệu, biến chữ thành những hình tượng nghệ thuật, thể hiện ý tứ của tác giả. Do đó, ngoài sự đam mê, có năng khiếu, còn cần cả đức tính kiên nhẫn, sáng tạo mới thành công với nghệ thuật này. “Thời điểm tôi công khai thủ bút là lúc tôi nhận thấy tác phẩm thư pháp của mình đã đạt tầm nghệ thuật, được bạn bè trong giới đánh giá cao về bút thế, tính thẩm mỹ và có phong cách riêng”.

song-lai-ong-do-2.jpg

Một tác phẩm thư pháp của “ông đồ” Phúc Văn.

Những tác phẩm thư pháp của “ông đồ” Phúc Văn bắt đầu thu hút sự chú ý của công chúng yêu thư pháp khi ông vận khăn đóng áo dài, “bày mực tàu, giấy đỏ” tại một vị trí trang trọng ở sân Tháp Nhạn (TP Tuy Hòa) vào những dịp lễ tết gần đây. Ông cũng gây sự chú ý của nhiều người khi xuất hiện vào dịp Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên lần thứ VIII/2013 vừa qua. Và thường xuyên nhất là hơn 3 năm qua tại Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, một vị trí trang trọng ở siêu thị được dành cho ông Thể ngồi viết thư pháp, thường là vào tối thứ tư hàng tuần. Bà Nguyễn Bích Ly, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa cho biết, là một siêu thị thuần Việt, nên siêu thị muốn bố trí một không gian đậm nét văn hóa Việt tại đây để tạo điểm nhấn, do đó Ban giám đốc siêu thị quyết định đặc cách bố trí cho ông Thể viết thư pháp. “Cách làm này vừa có ý giáo dục cho nhân viên về văn hóa truyền thống vừa mang lại cái đẹp cho siêu thị phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa cho khách hàng”, bà Ly nói. Ở gian hàng “ông đồ” Phúc Văn, người ta hay bắt gặp hình ảnh ông đồ cho chữ hay dạy viết chữ cho thanh niên và các em nhỏ yêu thư pháp, chứ không đơn thuần là mua - bán.

Ông Thể cũng cho biết, thời gian gần đây, ông bắt đầu nhận được nhiều cuộc điện thoại. Người thì đề nghị được ông truyền nghề, người thì mời ông xuất hiện tại lễ khai trương hoặc các sự kiện quan trọng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Hai dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn và Quý Tỵ vừa qua, ông nhận lời mời của câu lạc bộ thư pháp tại Tháp Bà Ponagar (TP Nha Trang, Khánh Hòa) để viết thư pháp cho du khách. Cũng tại thành phố du lịch nổi tiếng này, nhân dịp Festival Biển Nha Trang (tháng 6/2013), Nhà sách Phương Nam cũng mời ông đến viết thư pháp tặng khách hàng…

song-lai-ong-do-3.jpg

Nhiều em nhỏ say mê xem “ông đồ” Phúc Văn viết chữ thư pháp  - Ảnh: T.HỘI

Với ông Thể, khi tham gia những hoạt động đó, ông không hề nghĩ đến chuyện tiền nong mà đơn thuần chỉ là để thỏa mãn thú chơi tao nhã của mình. Theo ông, niềm vui khi làm nghề này là được góp phần bảo tồn một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc và hơn hết là qua tác phẩm thư pháp của mình chuyển tải lời hay, ý đẹp của cha ông hoặc tôn vinh những tác phẩm thơ ca kinh điển, nhằm giáo dục chân - thiện - mỹ cho đời. “Tôi thích nhất là được nhận lại những lời cảm ơn, niềm vui và sự trân trọng đối với tác phẩm thư pháp của mình, nhất là đối với các em nhỏ, những du khách nước ngoài, khi được tôi viết tặng thư pháp”, ông Thể tâm tình. Hiện không những tiếp tục kiên trì rèn luyện kỹ năng và học hỏi thêm kiến thức về môn nghệ thuật này, ông Thể còn truyền lửa đam mê và kiến thức về nghệ thuật thư pháp cho một số sinh siên, bạn trẻ yêu thích thư pháp Việt ở TP Tuy Hòa.

Giữa bộn bề cuộc sống hiện đại, khi mà nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một thì những “ông đồ” thư pháp, những người góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, góp phần tôn vinh quốc ngữ bằng cái tâm như ông Nguyễn Quốc Thể rất đáng được trân trọng.

THANH HỘI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek