Thứ Năm, 10/10/2024 10:23 SA
Hát giữa Trường Sa
Thứ Bảy, 01/02/2014 11:00 SA

Là phóng viên đầu tiên của Báo Phú Yên may mắn được đặt chân đến Trường Sa thân yêu, một trong những ấn tượng mãi mãi in đậm trong ký ức tôi là được làm “ca sĩ bất đắc dĩ” hát phục vụ những người lính đảo.

 

hat-giua-truong-sa-1.jpg
Đảo An Bang (quần đảo Trường Sa Việt Nam).

Mỗi năm có ít nhất 18 chuyến tàu từ đất liền ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở quần đảo Trường Sa. Khoảng tháng 4, tháng 5 - biển yên, sóng lặng là thời điểm thích hợp nhất trong năm để những người con của đất liền ra thăm đảo và một dịp khác là trước Tết Nguyên đán. Trên những chuyến tàu ra thăm đảo, một thành phần không thể thiếu là các ca sĩ, nhạc công và nhà báo. Chuyến vượt trùng khơi đến với Trường Sa tháng 4/2005 có khoảng 10 nhà báo trong cả nước và 10 ca sĩ, nhạc công, diễn viên múa là sinh viên Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội.

 

Ngay trong đêm đầu tiên khi tàu vừa rời cảng Cam Ranh ra đảo, những người trên tàu đều bất ngờ và say sưa với ca khúc Nơi đảo xa (của nhạc sĩ Thế Song) do chính một chiến sĩ hải quân trình bày trong chương trình giao lưu với các sinh viên Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Đã có rất nhiều ca sĩ thành công với bài hát được cho là viết hay nhất về Trường Sa này, nhưng nghe người chiến sĩ hải quân đứng hát trên boong tàu thật tuyệt vời làm sao. Nơi anh đến là biển xa/Nơi anh tới ngoài đảo xa/Từ mảnh đất quê ta giữa đại dươ­ng mang tình thươ­ng quê nhà/Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa/Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua v­ượt qua… Dù đến thời điểm viết ca khúc này, nhạc sĩ Thế Song chưa hề đặt chân đến Trường Sa, nhưng với tình yêu dành cho những người lính đảo, qua những lời kể của nhiều người, ông đã khắc họa hình ảnh một người lính - một Trường Sa và Hoàng Sa yêu thương, ruột thịt như đã từng gắn bó.

 

hat-giua-truong-sa-2.jpg

Ca sĩ Thu Huyền song ca cùng một chiến sĩ Hải quân.

Khi tàu cập cảng đưa đoàn vào đảo Trường Sa Lớn, sau vài phút ổn định là tiếng đàn, tiếng hát lại cất lên. Đêm đến, một chương trình giao lưu văn nghệ được tổ chức ngay dưới chân cột mốc chủ quyền Trường Sa. Mặc dù còn chếnh choáng do say sóng sau khi vượt qua hải trình hơn 250 hải lý với hơn 36 tiếng đồng hồ trên biển, nhưng các nữ ca sĩ, diễn viên múa xinh đẹp của đoàn đã nhanh chóng nhập cuộc, đem đến cho quân, dân trên đảo những tiết mục văn nghệ đặc sắc và liên tục nhận được những tràng pháo tay, những bông hoa dại chỉ có ở đảo. Không khí thật sôi nổi, gần gũi, ấm áp bên chân sóng, nơi đầu ngọn gió và dường như không có khoảng cách giữa khán giả với ca sĩ, người hát… Càng về khuya, trời càng lạnh nhưng không khí đêm giao lưu văn nghệ càng “nóng” lên, nhất là khi cả người hát, người nghe hòa thành một sân khấu lớn, hòa nhịp Hát mãi khúc quân  hành hát vang bài ca Chúng tôi là chiến sĩ… tưởng như không bao giờ dứt:

 

…Bạn hãy vui cùng những người lính trẻ,

Rất yêu đời và luôn mơ ước, ước mơ được giữ trong tim mình

Những tháng năm đồng đội bên nhau

Đời lính có khi thật nhớ nhà, nhờ gió đem lời yêu thương.

Gửi tới nơi quê nhà, nơi có những vì sao đợi mong.

Đời lính có cây đàn tâm tình, hòa tiếng khi lòng buồn vui. 

Đàn theo ta đi khắp nơi, theo bước chân hành quân suốt cuộc đời.

Nào cùng nhau ta hát lên. Chúng ta là chiến sĩ

Nào cùng nhau ta hát lên. Chúng ta yêu cuộc đời.

 

Đến các đảo Phan Vinh, Đá Tây, Tốc Tan… mặc dù không có sân khấu và thời gian dừng lại trên đảo không nhiều nhưng chương trình giao lưu văn nghệ vẫn chiếm phần lớn thời gian. Ưu tiên để các ca sĩ từ đất liền ra hát là chính, nhưng nhiều chiến sĩ bộ đội Trường Sa cũng không chịu lép vế, tự tin bước lên “sân khấu” góp vui bằng những tiết mục “cây nhà lá vườn”. Thiếu tướng Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Bình (nay là trung tướng), Giám đốc Học viện Quân Y và nhiều tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong quân đội khác cũng lên “sân khấu” cùng hát, cùng say với mọi người.

 

hat-giua-truong-sa-3.jpg

Càng về khuya đêm giao lưu văn nghệ càng “nóng” lên - Ảnh: XUÂN HIẾU

Một “sự cố” ngoài ý muốn của chuyến ra Trường Sa lần ấy là khi tàu đến đảo An Bang bỗng dưng sóng lớn bất ngờ khiến các ca sĩ không thể nào lên được đảo. Chuẩn đô đốc, Chính ủy Quân chủng Hải quân Trần Thanh Huyền (sau đó là Phó đô đốc) quyết định cho các ca sĩ hát qua máy bộ đàm được gắn ở cabin tàu. Ở trên đảo bộ đội quây quần bên chiếc loa để nghe. Theo yêu cầu của nhiều chiến sĩ trên đảo, ca sĩ Thu Huyền hát bài Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long. Mới hát vài câu, vì quá xúc động, cô ca sĩ xinh đẹp mang quân hàm thiếu úy này đã bật khóc nức nở, làm các ca sĩ hát phụ họa cũng khóc theo. Không để cho ca khúc gián đoạn lâu, tôi dừng ngay việc tác nghiệp, đưa chiếc máy ảnh cho một đồng nghiệp ở Đài TNVN và hát tiếp ca khúc cho đến lời ca cuối cùng. Dù là giọng “nam rè” nhưng kết thúc bài hát, vẫn tràn ngập những tràn pháo tay và lời đề nghị “hát tiếp”, “bis, bis..”  Có lẽ vì “thành tích” đột xuất nổi bật này mà kết thúc chuyến đi này tôi được Chuẩn đô đốc Trần Thanh Huyền tặng, gắn Huy hiệu của Quân chủng Hải quân.

 

“Tôi đã hát ở rất nhiều nơi, nhiều sân khấu lớn, nhỏ nhưng chưa bao giờ hát có “lửa” và “cháy” hết mình như khi hát giữa Trường Sa. Tôi mong có dịp trở lại Trường Sa để được hát cho đồng đội nghe”, ca sĩ Thu Huyền thổ lộ sau chuyến đi.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek