Thứ Sáu, 11/10/2024 08:28 SA
Biếm họa Báo chí Việt Nam:
Loay hoay tìm chỗ đứng
Thứ Sáu, 27/12/2013 08:00 SA

Báo Thể thao & Văn hóa vừa phát động cuộc thi Giải biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần thứ IV (2013-2014). Qua 3 mùa giải, biếm họa báo chí đã phần nào hiển hiện trong đời sống báo chí đương đại như một thể loại báo chí không thể tách rời. Nó báo hiệu một sự trở lại, một sức sống mới, mạnh mẽ, sau nhiều năm thưa nhạt trên các trang báo. Ban tổ chức hy vọng đây sẽ là một sân chơi bổ ích, tích cực, có tính phản biện xã hội trên tiêu chí nhẹ nhàng “cho nhau nụ cười”.

 

Buc-biem-hoa.jpg

Bức biếm họa “Miếng ghép ngược” của Trần Hải Nam, giải nhất Cup Rồng Tre lần III.

1. Nhìn vào lịch sử báo chí Việt Nam, đã từng có những thời kỳ biếm họa đóng một vai trò lớn. Đó là một thể loại báo chí đặc biệt, thu hút nhiều họa sĩ nổi tiếng tham gia. Những họa sĩ lớn như Phan Kế An, Nguyễn Bích, Mai Văn Hiến đều vẽ nhiều biếm họa. Họ là những cái tên quen thuộc với độc giả cùng thời, trên nhiều ấn phẩm báo chí. Tất cả những vấn đề thuộc về đời sống, thời cuộc… đều được các họa sĩ lọc qua con mắt nhìn hóm hỉnh, đầy tính xây dựng và phản biện, để chuyển tải một thông điệp tích cực tới bạn đọc.

 

Họa sĩ Phan Kế An từng chia sẻ, ngoài những bức tranh sơn dầu, những tác phẩm mang tính nghệ thuật thuần túy, ông rất thích được nhìn cuộc sống bằng cặp mắt của một họa sĩ vẽ biếm họa. Ông vẽ nhiều biếm họa là vậy. Một bức biếm họa có khi chỉ nhỏ bằng bàn tay, chiếm diện tích không đáng là bao trên mặt báo, nhưng nó có ý nghĩa, tác động mạnh như một bài báo, một phóng sự. Ở đó, những yêu ghét của người họa sĩ được bộc lộ qua từng nét họa. Quan điểm của họa sĩ về một câu chuyện thời sự, một vấn đề thế thái nhân tình được dồn nén. Họa sĩ lúc đó giống như một nhà báo. Khác chăng là nhà báo thể hiện bằng hình, thay vì bằng chữ.

 

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều tờ báo đã sử dụng biếm họa như một thể loại chủ lực. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhớ lại: “Thời kỳ trước, nhiều tờ báo đưa biếm họa ra trang nhất. Người làm báo thường xác định nó như một thể loại chủ lực, đánh trực diện vào các vấn đề thời sự của đời sống. Nhiều tờ báo ăn khách vì thường xuyên sử dụng biếm họa của các họa sĩ nổi tiếng. Giờ thì không thế. Tôi thấy như người làm báo hiện đại không còn mặn mà nhiều với biếm họa, không coi biếm họa như một thể loại báo chí với sức mạnh đặc thù của nó nữa. Đọc hàng loạt tờ báo để trên mặt bàn, may ra tìm thấy biếm họa trên một vài tờ. Mà thường là rất nhỏ, “bị” đẩy vào trang trong hay trang cuối cùng, lép vế. Hiếm hoi những bức biếm họa có tính phản biện xã hội cao. Riêng những bức biếm họa có nội dung hướng vào những chuyện nhỏ, mang tính vui vẻ, thư giãn thì gần như không còn tồn tại nữa”.

 

Sự thật thì biếm họa, cũng giống như tiếng cười luôn cần thiết trong đời sống, nhất là một đời sống ngày càng tốc độ như hôm nay với những mặt tích cực và tiêu cực ngày càng phức tạp. Một cái nhìn trào lộng có khả năng công phá không kém gì một bài viết phê phán, chỉ trích, đấu tranh. Các nhà tổ chức Giải Rồng Tre đã nhìn thấy sự thiếu hụt của biếm họa trong đời sống báo chí hiện đại. Và việc tổ chức một giải báo chí biếm họa chính là để mỗi người làm báo và độc giả nhìn thấy vai trò của biếm họa trên báo chí. Những mùa giải đầu tiên đều đã tìm ra được những tác phẩm xứng đáng để trao giải.

 

Ban tổ chức kỳ vọng, giải biếm họa báo chí sẽ được đưa vào như một hạng mục chính thức để trao giải trong giải báo chí hàng năm của Hội Nhà báo Việt Nam. Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn còn chưa được thông đồng bén giọt, bởi theo ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá: “Biếm họa chưa được các báo quan tâm thích đáng, chưa dành đất, đúng hơn là chưa tận dụng được phẩm chất độc đáo của biếm họa, hoặc các tác phẩm chất lượng không cao nên các báo không dùng.

 

Hiện nay, ấn tượng về biếm họa trên các báo còn rất ít, rất im ắng. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã bàn tới việc đưa biếm họa vào hệ thống giải thưởng của hội. Nhưng thực lòng là chưa biết xếp biếm họa vào thể loại báo chí nào. Song điều quan trọng hơn là biếm họa chưa khẳng định mình trở thành một thể loại báo chí có chất lượng, có ảnh hưởng to lớn trong đời sống báo chí hiện đại”.

 

Để làm được điều này, theo bà Trương Lê Kim Hoa, Tổng biên tập Báo Thể thao & Văn hóa, Trưởng ban Tổ chức giải Rồng Tre, là các nhà quản lý báo chí cần phải quan tâm sử dụng nhiều hơn các tác phẩm biếm họa trên ấn phẩm báo chí của mình. Việc lôi kéo các họa sĩ danh tiếng, chuyên nghiệp vào công việc báo chí, thông qua biếm họa, là một sự hợp tác tuyệt vời. Biếm họa không thiếu công chúng. Công chúng không bỏ rơi biếm họa. Chỉ có người làm báo là chưa quan tâm thích đáng đến thể loại này mà thôi.

 

Cùng với việc nâng cao chất lượng các tác phẩm biếm họa, có một điểm yếu của các tác phẩm biếm họa hiện nay mà các họa sĩ cần lưu ý, là chú thích của biếm họa quá dài. Nhà báo Hà Minh Huệ thẳng thắn: “Khi họa sĩ “biếm” sáng tác mà còn phải nghĩ lời để chua thêm, thì theo tôi là đừng gửi tác phẩm tới tòa soạn báo. Mà nếu trót gửi rồi thì bảo cơ quan báo đừng dùng nữa, để trả biếm họa về đúng vị thế của nó. Biếm họa phải là hài hước, trí tuệ, thông qua hình và nét, không cần lời… Còn nhiều lời nghĩa là tác phẩm chưa đạt đến độ quyến rũ độc giả, chưa thành công”.

 

2. Ai cũng biết, vẽ biếm họa đăng trên một tờ báo nào đó, nếu để kiếm sống, thì có lẽ là điều không tưởng với một họa sĩ. Bởi vậy, những họa sĩ đến với biếm họa chủ yếu bởi niềm đam mê. Bởi anh ta quá nhiều câu chuyện cần nói, khi nhìn ngắm đời sống, thời cuộc, những vui buồn diễn ra xung quanh. Giống như một nhà báo, đôi khi lăn xả vào một cuộc điều tra, tìm ra sự thật, chỉ ra sự thật, là bởi lòng yêu nghề hay mong muốn đưa một sự thật đến công chúng, làm thay đổi đời sống theo chiều hướng tích cực hơn.

 

Trong biếm họa cũng vậy, rất nhiều họa sĩ khi được hỏi, họ đều nói rằng họ đến với cuộc chơi trong tâm thế của một người muốn thể hiện thái độ của mình trước một vấn đề nào đó. Họa sĩ Trần Hải Nam, giải nhất cuộc thi Biếm họa Báo chí - Cúp Rồng Tre lần thứ III tâm sự, anh chỉ làm biếm họa “tay trái” thôi. Nghề chính để anh sống là đồ họa.

Tham gia vào một cuộc thi biếm họa và được giải, Trần Hải Nam nghĩ nghiêm túc hơn về biếm họa. Nhưng anh vẫn cho rằng, một khi báo chí không mặn mà với biếm họa, không có một cách thức nào đó để khuyến khích ngày càng nhiều họa sĩ đến với biếm họa, thì rất khó để nâng cao chất lượng biếm họa, cũng như khẳng định vai trò của biếm họa trong báo chí.

 

Còn họa sĩ Lê Phương (còn có bút danh LEO), từng giành giải nhì Cúp Rồng Tre lần II, là thành viên Hội đồng giám khảo mùa giải lần thứ IV này thì chia sẻ: “Thực tế thì để thay đổi một câu chuyện nào đó trong đời sống không dễ. Vẽ biếm họa ai đó có thể hiểu, là chê, đả kích, rồi hỏi tôi có buồn không khi cứ chê mãi mà chẳng thấy gì thay đổi cả. Tôi chỉ quan niệm, vẽ là để góp vui cho độc giả là chính. Những câu chuyện tiêu cực biến nó thành một sự suy ngẫm, một sự hài hước là đủ. Còn thay đổi thực tế, tôi không dám nghĩ tới”.

 

Nghĩa là, các họa sĩ “biếm” hôm nay tham gia vào cuộc chơi biếm họa với tâm thế đơn giản hơn các thế hệ cha anh họ thời trước. Tức là niềm tin vào sức chiến đấu của thể loại này trong chính những người làm nghề đã vơi bớt. Vậy, công việc của các nhà quản lý báo chí, Ban tổ chức giải Rồng Tre, những người đang quyết tâm khôi phục, trả biếm họa về đúng vị trí xứng đáng của nó trong đời sống, là phải khơi gợi lại những nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong các họa sĩ. Có như vậy mới có thể tạo ra một đội ngũ họa sĩ “biếm họa” hùng hậu.

 

Nhà báo Trương Lê Kim Hoa - Tổng Biên tập Báo Thể thao & Văn hóa, Trưởng ban Tổ chức giải Biếm họa Báo chí Việt Nam:

 

“Giải Biếm họa Báo chí lần thứ IV sẽ có một số thay đổi về thể lệ như không hạn chế chủ đề, đề tài, tăng số lượng tranh dự thi, đa dạng hơn kích cỡ tranh, nhằm thu hút đông đảo hơn nữa những người làm nghề và yêu thích biếm họa trên cả nước tham gia. Đặc biệt là những họa sĩ biếm chuyên nghiệp tại các tờ báo, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ thêm một bước nữa sự phát triển của thể loại này trong làng báo Việt Nam…”.            

 

VŨ QUỲNH TRANG (CAND)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhà thơ của một thời tranh đấu
Thứ Năm, 26/12/2013 08:00 SA
Chỉ còn chân dài nhún nhảy?
Thứ Năm, 26/12/2013 08:00 SA
Bùi Văn Tuấn còn phía quê nhà
Thứ Tư, 25/12/2013 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek