Thứ Sáu, 11/10/2024 06:26 SA
Bùi Văn Tuấn còn phía quê nhà
Thứ Tư, 25/12/2013 14:00 CH

Có một người con đất Phú đi học rồi làm việc xa quê ngót mấy mươi năm ở mảnh đất TP Hồ Chí Minh nhưng lúc nào hình bóng quê nhà cũng chập chờn đau đáu trong tim.

 

BV-Tuan.jpg

Anh Bùi Văn Tuấn.

Mỗi khi nhớ quê, nhất là mùa bão lũ, anh alô cho bạn bè, hỏi đủ điều. Hỏi cho đỡ nhớ, cho yên lòng chứ khó về thăm như bao người lành lặn khác vì đôi chân anh mấy năm nay “bỗng dưng” bị bại liệt. Nằm một chỗ nhưng tình cảm của anh với quê thì vô bờ vô bến, không nói hết thành lời.

 

Người đàn ông ấy là Bùi Văn Tuấn (SN 1967), gốc người thôn Đại Phú, xã Hòa Quang (Phú Hòa). Năm 1986, anh Tuấn tốt nghiệp Trường THPT Trần Quốc Tuấn rồi vào học ở Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Mấy năm đèn sách anh ra trường với tấm bằng Cử nhân kinh tế chuyên ngành Giá rồi ở lại thành phố này làm việc sinh sống.

 

Anh học kinh tế ở cái thời “dân kinh tế hiếm như vàng”. Vậy mà ra trường, anh làm việc cho Công ty Văn hóa Phương Nam, kinh doanh về phim ảnh, sách báo, văn hóa phẩm… và cũng chừng đó năm anh làm cộng tác viên cho Nhà xuất bản Phương Đông. Hiện tại, anh đang kinh doanh lĩnh vực thiết kế, in ấn và quảng cáo tại nhà riêng của mình.

 

Dân kinh tế nhưng anh vốn rất thích văn thơ, đàn ca, ngao du sơn thủy. Tôi biết anh trong “cái duyên nợ văn chương” tình cờ trên mạng. Ban đầu, tôi chỉ biết anh là người Phú Yên vào TP Hồ Chí Minh học đại học rồi ở lại nơi này làm việc và đang yêu thơ. Vậy là thường xuyên trao đổi qua lại, vậy là đủ để chúng tôi là bạn của nhau. Thế rồi một lần năm 2009 có dịp vào TP Hồ Chí Minh, tôi gọi điện thoại cho anh. Anh bảo tôi đến ngay Bệnh viện Bưu điện ở quận 2 để gặp anh. Khi đến nơi, tôi mới biết anh không phải là cán bộ mà là bệnh nhân đang điều trị.

 

Gặp Bùi Văn Tuấn lần đầu tiên, nhìn anh từ diện mạo cao to, khuôn mặt vuông vức, mái tóc bồng bềnh trông rất đẹp trai đến lời nói hào sảng cứ tưởng anh là diễn viên điện ảnh thứ thiệt. Tuy nhiên, anh chỉ là người gửi tình cảm tâm tư của mình vào thơ văn nhạc họa chứ không như người ta tưởng. Lần đó gặp anh, dù trong bộ áo quần bệnh nhân nhưng anh đã chuẩn bị đủ thứ. Anh khoe nào là vịt đồng, muối é, bánh tráng từ Phú Yên gửi vào. Cũng lần đó gặp anh, tôi biết anh là người không còn lành lặn vì căn bệnh suy tủy đã hành hạ mấy năm trời.

 

Dù bệnh nhưng anh luôn vui và tin vào cuộc sống vì bên anh lúc nào cũng có người vợ và hai đứa con yêu thương ân cần. Dù phải đi nạn nhưng cái chất lãng tử luôn thôi thúc “đôi chân” anh bước đi đến những nơi nào anh muốn. Anh đến với bạn bè hào phóng, nhiệt tình. Anh đến với văn chương nhẹ nhàng mà sâu lắng. Những gì anh viết ra đều là máu thịt của mình. Ví như truyện ngắn Thằng Nghẻo anh viết về một đứa cháu của mình bị bại não bẩm sinh suốt 9 năm trời sống đời thực vật. Vì hy sinh cho con mà cha mẹ nó luôn sống trong cảnh lam lũ, cơ cực, nghèo khó tại vùng núi An Nghiệp huyện Tuy An. Trước khi qua đời, nó đã cùng mẹ không ít lần xuôi Nam hành nghề bán vé số. Thương nó tật nguyền, rất nhiều người tốt bụng ở TP Hồ Chí Minh đã mở rộng vòng tay giúp đỡ. Và nó đã giúp cha mẹ trả bớt được nợ nần, đồng thời hai đứa em cũng được cắp sách đến trường mà không phải lo cái bụng sôi lên ùng ục. Anh viết về thân phận bi thương của những con người, như: Thợ mộc già, Người khiêng trống, Bác thợ hòm, Chú hề dĩ vãng… Lối viết của anh gần gũi, mộc mạc, không bóng bẩy, mỹ miều… nhưng lột tả một cách hết sức chân thực về tính cách của mỗi con người, mang đậm tính nhân văn…

 

Ngoài truyện, anh Tuấn còn làm thơ. Người đọc không khỏi chạnh lòng khi đọc những câu thơ anh viết cho quê mình trong những ngày mưa lũ tàn phá quê nhà: “Tháng mười chợt nhớ đến quê/ Liêu xiêu trong gió mẹ về nón nghiêng/ Bóng cha ngồi tựa bên thềm/ Nhìn đồng trắng lũ, chiếc thuyền chông chênh”. Nỗi nhớ của anh không chỉ thoáng trong cái thời sự mưa lũ bời bời mà còn có cả một chuỗi dài kỷ niệm khó quên: “Nhớ nồi cơm thoảng khói rơm/ Quyện mùi rô nướng nồng thơm mặn mòi/ Canh chua sam đất, măng vòi/ Cá trê kho sít chân nồi… giành chan”. Trong thơ, anh còn biết cúi đầu tạ lỗi với quê hương: “Con đi biền biệt mây ngàn/ Xứ người rong rủi bạc hanh mái đầu/ Thức mình trắng cả đêm thâu/ Thương cha vá lưới, mẹ khâu áo sòng… Nắng vàng, mây trắng, trời trong/ Tận phương Nam thấy thắt lòng mẹ ơi”.

 

Năm 2010, người bà của anh qua đời. Tận phương Nam nghe tin nhưng bệnh tật không về được, anh gửi lòng mình vào những câu thơ để tưởng nhớ bà thật cảm động: “Bà đi giữa lúc đông tàn/ Cháu không về kịp tiễn qua bến bờ/ Núi non sương khói phủ mờ/ Suối ru như khóc ầu ơ kiếp người…”.

 

Trong số những tác phẩm thơ văn ấy, có không ít truyện ngắn, bài thơ được in trên Báo Phú Yên, Tạp chí Văn nghệ Phú Yên. Đó vừa là tấm lòng của anh với quê hương và cũng là động lực để một người nặng tình với quê hương và yêu thơ văn như anh đam mê sáng tác.

 

ĐÀO TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Dân ca bài chòi khơi lòng lớp trẻ
Thứ Hai, 23/12/2013 18:00 CH
Nhiều cơ hội cho người trẻ
Thứ Hai, 23/12/2013 11:00 SA
35 tác phẩm đoạt giải vàng
Thứ Hai, 23/12/2013 09:08 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek