Thứ Sáu, 11/10/2024 06:28 SA
Bây giờ cưới hỏi thoáng hơn xưa
Thứ Bảy, 28/12/2013 08:00 SA

Tôi nghe anh Trần Kim Bang (cán bộ hưu trí khu phố Phú Hiệp 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa) kể lại một câu chuyện thật hy hữu và ấn tượng.

 

Le-hoi.jpg

Chuẩn bị cho lễ ăn hỏi - Ảnh: MINH CHÂU

Năm 1957, anh Bang đi đưa đám cưới tại Lạc An (huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa). Khi họ trai đến nhà họ gái trước giờ giao hẹn mười lăm phút, nhà họ gái không tiếp đón mà ngoài trời thì đang đổ mưa. Thế là người anh trai (làm chủ hôn) quyết định cho họ nhà trai trở về. Trên đường họ trai quay về mưa nặng hạt, họ phải ghé vào trụ sở thôn trú mưa, gặp người chuyên mổ heo là anh ruột người yêu cũ của chàng trai đi cưới vợ bị nhà gái “hắt hủi”; anh ta cười bảo: “Thằng Tân đi cưới vợ sao để cho nhà họ gái bắt bẻ, không tiếp đón vậy em? Hay là em cưới con Thắm em anh cho rồi?”. Tưởng đâu lời nói vui, không ngờ người anh trai (làm chủ hôn) của Tân ứng tiếng: “Được đấy! Em đồng ý nghe Tân! Sẵn đây ta làm đám cưới luôn nhé?”

 

Tân và đoàn họ nhà trai hoàn toàn bất ngờ trước diễn biến sự việc. Vốn đã yêu Thắm từ lâu, nhưng duyên tình không thành, giờ được người anh “quyền huynh thế phụ” tuyên bố như vậy, Tân mừng rơn trong bụng, nét mặt hiện lên sự hoan hỉ: “Anh dạy sao em út nghe vậy!”. Thế là anh chàng mổ heo dùng thịt có sẵn trong nhà hối làm cỗ đãi họ trai. Còn Thắm hạnh phúc đến quá bất ngờ khiến cô ngây ngất men say, chọn bộ áo dài mới nhất để ra mắt họ nhà trai, cả nhà rộn ràng vui sướng.

 

Trong lúc họ trai đang vui vẻ ở nhà họ gái “không hẹn mà gặp” thì nhà họ gái không tiếp họ trai kia chạy đến xin lỗi, nhưng không được chấp nhận. Tân và Thắm đã sống hạnh phúc tại Lạc An cho đến bây giờ họ đã tuổi thất thập, thành ông bà nội ngoại, con cháu đề huề.

 

Cách đây khoảng 5 năm, ông Võ Phước (khu phố Phú Hiệp 2, thị trấn Hòa Hiệp Trung) đi cưới vợ cho con phải chuẩn bị 5 quả lễ vật, cau một buồng, trầu một quả… hết sức rườm rà, khó khăn. Buồn thay! Chỉ trong một thời gian ngắn con ông đành phải ly hôn với cô vợ mà đi cưới thách cưới giống như chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh.

 

Ngày tôi còn bé thơ, anh tôi đi cưới vợ, chị tôi đi lấy chồng lễ vật thật đơn giản, nhưng các anh chị tôi đã sống rất hạnh phúc. Cho đến bây giờ người miền quê Phú Yên đi nói, đi hỏi cũng chỉ hai quả lễ vật. Trong lễ vật cưới hỏi ngoài đường, bột, rượu, trà, hoa tai, nhẫn cưới còn có một ít trầu cau tượng trưng xưa anh em nhà họ Cao một lòng thủy chung.

 

Đám cưới bây giờ, hai họ không bắt bí nhau từng câu, từng chữ như xưa, mà họ nói với nhau bằng những lời nói chân thành, cốt lõi là hai bên gia đình cùng nhau dạy dỗ con dâu, con rể nhanh chóng hòa nhập thành thành viên chính thức của gia đình.

 

Bà Nguyễn Thị Hân (80 tuổi, quê ở Hòa Phú, Tây Hòa) say chuyện với tôi về tục lệ cưới hỏi ngày xưa. Thời con gái bà Hân từng được mời làm họ gái hàng trăm đám cưới. Sau này lập gia đình, sinh con đẻ cái, bà Hân vẫn tiếp tục đi đưa đám cưới. Bà rất lão luyện trong vai trò làm chị, làm mẹ khi đưa đám. Nhiều lần bà Hân dùng lý lẽ sắc bén đấu khẩu với họ nhà gái, khi họ trai bị bắt bẻ chuyện nọ, chuyện kia và bao giờ cũng được thắng thế. Họ trai họ gái ngoài việc đưa những lý do để bắt bẻ, vặn vẹo nhau hết sức vớ vẩn, còn dàn dựng những cái bẫy tức cười để chơi nhau, làm bẽ mặt trong tiệc cưới. Chẳng hạn lấy ớt xiêm nhét vào cọng hành làm người ăn mất cảnh giác nhai vào cay xé miệng, cho nước mắm vào cái gói lá dừa ai không biết mở sẽ đổ tràn ra bàn quê kệch, hoặc bí mật lấy cây kim cài tà áo dài lại với nhau để khi họ gái đứng dậy rời cỗ, áo dính chùm nhũng nhẵng làm trò chơi… Nói chung là ngày xưa người ta có hàng trăm mánh khóe sử dụng trong đám cưới để làm bẽ mặt nhau chơi.

 

Cụ Trịnh Thị Mùi (84 tuổi, quê ở phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) cũng là một “chuyên gia đưa đám cưới” ngày xưa. Bà kể một câu chuyện làm khó nhau ở tiệc cưới thật ấn tượng. Hồi đó bà đi đưa đám cưới cho một người bạn gái người cùng quê lấy chồng ở một huyện miền núi Phú Yên. Đoàn nhà gái sau gần nửa ngày từ vùng biển lặn lội về miền ngược đói và khát bã người (trên đường đi đưa đám không ai dám ghé vào nhà người khác). Chủ hôn họ trai chào họ gái xong xuôi rồi hạ giọng: “Không mấy thuở họ nhà gái đi đưa đám lên miền núi, chúng tôi không biết lấy gì đãi tiệc, chỉ có bắp rang, bắp luộc, mời họ gái dùng cho!”.

 

Đoàn họ gái đang đói thấy dọn toàn bắp với bắp, nhất là món bắp rang làm lớ rất ngon miệng (bắp rang xong giã nhỏ trộn với đường đen), cứ chén đã. Khi họ gái ăn no, uống đầy, nhà họ trai mới dọn thịt cá răng dài. Họ gái biết mình bị chơi khăm, nhưng có bắt bẻ cũng chẳng được gì, đành nhìn nhau tức cười.

 Có lẽ Phú Yên là một trong những địa phương ở miền Trung tổ chức cưới hỏi phù hợp với nhịp sống văn minh thời đại. Trai gái tìm hiểu nhau muốn tiến tới xây dựng cuộc sống hạnh phúc gia đình, đầu tiên là nhà trai đi dạm ngõ để “coi mặt” nàng dâu tương lai, hỏi lại tuổi tác của đôi trẻ, lễ vật rất đơn giản: Cặp cá hoặc cặp rượu là xong. Nếu hợp nhau sẽ tiến tới lễ đi nói gồm hai quả đựng bột, đường, trà, rượu. Lễ ăn hỏi, ngoài bột, đường, trà, rượu còn có “nộp tài”, đó là nộp vàng y. Nhà nào nghèo khó cũng phải nộp đôi hoa tai (hai vòng khuyên đeo tai). Nhà giàu muốn nộp bao nhiêu tiền vàng cũng được. Trong lễ ăn hỏi (đại tân khoa), hai bên sui gia hứa hôn chuyện cho con bao nhiêu vàng, bao nhiêu tiền hoặc vật chất khác. Bên nào lúc ăn hỏi hứa cho đã miệng là sẽ cho con cái vật này, vật kia, nhưng khi con cưới nhau về không thấy của cải theo lời hứa dễ dẫn đến tan vỡ hạnh phúc vợ chồng.

 

Ngày đám cưới họ trai cho biết trước ngày giờ đưa đám, nếu vì điều kiện khách quan, họ trai hoặc họ gái đến không đúng giờ cũng không ai nỡ “bắt bí” như xưa. Trong lễ cưới, tiệc cưới lỡ có sơ xuất điều gì thì hai họ “bỏ chín làm mười” tìm sự cảm thông để đôi tân hôn có được niềm vui trọn vẹn.

 

Người Phú Yên hay dùng hai từ “y kỳ” để nói chuyện nhà họ trai đã có lời hứa nộp tài bao nhiêu cho nhà gái thì nộp đủ y như lời hứa. Trong tiệc cưới hai họ vui cười hả hê người ta thường nhắc đến câu: “Làm sui một nhà, làm gia một họ” hoặc “Bà con càng ngày càng xa, sui gia càng ngày càng gần”. Những câu nói cửa miệng ấy không hề cửa miệng chút nào vì trong thực tế cuộc sống đời thường đã có nhiều sui gia sống rất tình cảm, gắn bó với nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục con cái, đả thông những khúc mắc trong cuộc sống vợ chồng, vun đắp cuộc sống cho con cái ngày càng bền vững. Có những đôi vợ chồng sống hạnh phúc bắt đầu từ việc đi đưa đám cưới gặp nhau rồi gắn bó một đời.

 

TRẦN QUỐC CƯỜNG (VHCS)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhà thơ của một thời tranh đấu
Thứ Năm, 26/12/2013 08:00 SA
Bùi Văn Tuấn còn phía quê nhà
Thứ Tư, 25/12/2013 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek