Thứ Sáu, 11/10/2024 06:36 SA
Nhà thơ của một thời tranh đấu
Thứ Năm, 26/12/2013 08:00 SA

Đọc thơ Nguyễn Tường Văn, có thể hiểu tâm trạng của một thế hệ học sinh, sinh viên miền Nam trước 1975 và những cuộc xuống đường rùng rùng tranh đấu. Thơ anh có một chỗ đứng vững chãi trong thế hệ làm thơ cùng thời ở miền Nam.

 

Nguyen-Tuong-Van.jpg

Nhà thơ Nguyễn Tường Văn.

Nguyễn Tường Văn vừa trở về sau chuyến du lịch gần 10 ngày. Anh rổn rảng kể: Không nhiều tiền nên vợ chồng quyết định du lịch bằng xe gắn máy. Trên chiếc xe cũ kỹ, lỉnh kỉnh nào quần áo, bánh mì, chà bông, trái cây, nước uống… tiện đâu ăn đó, ngủ nhà bạn bè, vậy mà hai vợ chồng không bỏ sót danh thắng nào ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng. Mục đích chính của chuyến đi vẫn là gặp bạn bè văn nghệ. Qua Nha Trang, anh đến thắp hương cho nhà thơ Liên Nam, nhà văn Võ Hồng, hàn huyên cùng tri kỷ Vũ Trung Uyên. Vào Ninh Thuận, anh tìm Ngô Thế Lý ôn lại một thời làm báo “Tin Tưởng” trong phong trào đấu tranh của sinh viên. Lên Đà Lạt, anh tới thăm họa sĩ Đặng Ngọc Trân, nhà thơ Phạm Quốc Ca… và thăm lại Trường đại học Đà Lạt, nơi ghi dấu một thời sinh viên tranh đấu. Bây giờ thì Nguyễn Tường Văn về hưu đã gần 3 năm, đi thăm bạn bè, anh không phải: Nói dối vợ tao đi công tác/ Báo dối cơ quan vợ ốm nhà… như anh viết từ hồi đi dạy học. Chung quanh bài thơ “Thăm bạn” này cũng có chi tiết thú vị. Ấy là khi bài thơ được chọn đăng trong “Tuyển thơ hay” của báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, có người lý lẽ: Đi thăm bạn, việc gì phải hoắng lên thế! Vậy nhưng nhà thơ Phạm Quốc Ca thì rất khen: “Tôi yêu bài thơ “Thăm bạn” của anh. Bài thơ có cảnh đời, có tâm trạng và chân thực đến tận cùng và đó đúng là thơ tình bạn: Bạn bè cứ tiếc thằng ngay thẳng/ Suốt đời lận đận chẳng gặp may/ Dăm đứa quay quần bên rượu đắng/ Cạn chén cùng nhau tiễn biệt mày…”. Nguyễn Tường Văn bảo, thơ phú, khen chê là chuyện bình thường, miễn là mình viết thật lòng.

 

Nguyễn Tường Văn tuổi thật sinh năm 1949, yêu thơ và làm thơ từ nhỏ. Từ quê nhà Tuy Hòa, anh lên học Đại học Văn khoa Đà Lạt và lập tức hòa mình vào phong trào sinh viên đấu tranh đòi hòa bình, dân sinh, dân chủ. Anh trở thành một trong những thủ lĩnh phong trào đấu tranh của sinh viên Đà Lạt, là Chủ tịch Chi hội Báo chí Đại học Đà Lạt, thuộc Hiệp hội Báo chí Sinh viên miền Nam Việt Nam. Nguyễn Tường Văn kể với tôi chuyện làm tập san “Tin Tưởng” của sinh viên Phật tử Đà Lạt do anh làm chủ bút. Tờ báo độ khoảng 50-60 trang, in ronéo, mỗi kỳ phát hành cả trên nghìn tờ, tới nhiều tỉnh, thành. Ngoài bài vở của anh em sinh viên yêu nước, tập san còn đăng tin, bài và thơ của các nhà thơ Tố Hữu, Giang Nam, Thu Bồn… được chép từ làn sóng Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam. Đặc biệt đây là tờ báo đầu tiên ở miền Nam công khai đăng nội dung tuyên bố 7 điểm của bà Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris. Ra được một số báo là cả một kỳ công và vô cùng nguy hiểm. Để chép được một bài thơ trên đài phát thanh, ít nhất phải phân công 2 người, người chép câu chẵn, người chép câu lẻ rồi ráp lại. In cũng phải ở nhiều nơi, mỗi nơi in một nội dung và đảm bảo bí mật. Vì làm báo và hoạt động trong phong trào đấu tranh của sinh viên mà Nguyễn Tường Văn suýt bị cảnh sát ngụy bắt nếu không nhờ có sự khác nhau giữa bút danh Nguyễn Tường Văn và tên thật là Nguyễn Văn Tường trên thẻ căn cước.

 

Trong những ngày hòa mình vào phong trào sinh viên đấu tranh, thơ của Nguyễn Tường Văn thực sự thăng hoa. Thơ anh có mặt ở các tờ báo có xu hướng đối lập với chế độ Sài Gòn như “Tin Sáng”, “Đối diện”, “Tự Quyết”, “Điện Tín”, “Trình Bày”… Có thể nói, phần lớn những bài thơ hay nhất của Nguyễn Tường Văn được viết ở thời kỳ này. Đó là tiếng thơ của niềm âu lo, sự bi phẫn, của khát khao và chờ đợi, của niềm tin và hy vọng… Thơ đi nhịp lửa, thứ lửa của một chàng trai 20, khi âm ỉ, thổn thức, lúc bùng cháy dữ dội. Tôi cứ ảm ảnh về những câu thơ như thế này: Em thức dậy từ mùa xuân suy tàn/ Ôi mùa xuân bông hoa ung nụ/ Trên cánh đồng nô lệ Đông phương/ Bởi hoa không nở trên lưỡi lê kẻ thù/ Bởi hoa không nở trong nòng súng giặc/ Bởi hoa đã mang về bên kia Thái Bình Dương/ Khi đoàn hợp chủng rầm rộ từ phương Tây kéo đến/ Hoa tím/ Hoa xanh/ Hoa đỏ/ Hoa vàng… Hoặc: Bây giờ là đêm/ Với ngôn ngữ tắt nghẹn/ Thét lên trong bóng tối/ Như cánh hải âu vụt từ bỏ miền trùng dương quen thuộc bay đến vùng trời xa lạ… Và nữa: Đêm nay mưa/ Mưa trên poncho/ Mưa trên cơ thể anh/ Giọt mưa chảy về nguồn hồ lệ/ Mang tuổi trẻ chúng ta vào đêm dài thế kỷ… Đọc thơ Nguyễn Tường Văn, có thể hiểu tâm trạng của một thế hệ học sinh, sinh viên miền Nam trước 1975 và những cuộc xuống đường rùng rùng tranh đấu. Thơ anh có một chỗ đứng vững chãi trong thế hệ làm thơ cùng thời ở miền Nam như nhà thơ Lê Văn Ngăn, người bạn trong phong trào học sinh, sinh viên yêu nước, khẳng định.

 

Nguyễn Tường Văn nói, anh tuổi Sửu nên không được an nhàn. Lấy vợ muộn nên giờ đã ngoài 60 vẫn còn chưa lo xong việc làm cho con cái. Sau giải phóng anh làm nhiều nghề: Thầy giáo, chụp ảnh và cả… ấp trứng vịt lộn. Nghề nào đối với anh cũng đều gắn được với thơ phú. Nghề dạy học cho anh cảm hứng để có bài thơ “Thăm bạn”, “Nói với học trò”… Nghề chụp ảnh cho anh một tứ thơ xinh xinh: Ẩn duyên sau chút bùn lem/ Dừng lau vội để hình thêm đậm đà/ Gánh vàng kĩu kịt em qua/ Bao mồ hôi của quê ta đắp bồi… Riêng nghề ấp trứng vịt lộn, Nguyễn Tường Văn kể, vào cuối những năm 80, nghệ sĩ Nguyên Đạt - cây sáo không thể thiếu một thời của Đêm thơ Nguyên tiêu núi Nhạn - gia cảnh rất khó khăn, hằng ngày phải lấy trứng vịt lộn của Nguyễn Tường Văn về bán ở khu vực ga Tuy Hòa. Từ chuyện trứng sang chuyện thơ văn, hai anh trở thành tâm giao lúc nào không biết. Chính Nguyễn Tường Văn đã khuyến khích Nguyên Đạt viết văn, để sau này Nguyên Đạt ra được 2 tập truyện ngắn và trở thành hội viên Hội VHNT tỉnh Phú Yên.

 

Nguyen-Tuong-Van-1.jpg

Nhà thơ Nguyễn Tường Văn và nhà thơ Phạm Quốc Ca tại Trường đại học Đà Lạt.

Sau những lận đận, cuối cùng Nguyễn Tường Văn cũng tìm được việc làm đúng sở trường của mình, đó là biên tập viên văn nghệ của Đài Phát thanh Phú Yên, nay là Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên. Với mối quan hệ rộng của biên tập viên Nguyễn Tường Văn, chương trình văn hóa - văn nghệ của đài không chỉ thu hút hầu hết giới văn nghệ sĩ trong tỉnh mà nhiều nhà văn, nhà thơ tiếng tăm ở các địa phương bạn cũng gửi bài cộng tác. Nguyễn Tường Văn có duyên ươm mầm những chồi thơ, chồi văn của tỉnh. Rất nhiều cây bút trong tỉnh được Nguyễn Tường Văn chăm chút ngay từ khi mới gửi những bài thơ, truyện ngắn đầu tiên cộng tác với đài, sau này có thơ, truyện ngắn đăng ở các báo Trung ương, xuất bản được sách và trở thành hội viên Hội VHNT tỉnh, Hội Nhà văn Việt Nam. Tác giả Trần Văn Phú, cây bút làm nghề thú y ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân khi ra tập thơ đầu tiên cứ nằng nặc nhờ Nguyễn Tường Văn biên tập trước khi gửi nhà xuất bản.

 

Sau những đình đám trong phong trào sinh viên đấu tranh, Nguyễn Tường Văn trở về cuộc sống đời thường và dường như khuất lấp trong cái yên bình của một tỉnh lẻ. Tính anh khiêm nhường, không đua chen, ngại nơi ồn ào. Thỉnh thoảng bạn văn ở TP Hồ Chí Minh hay Nha Trang, Đà Lạt, Huế… ghé thăm, uống với nhau vài chén rượu, ôn lại kỷ niệm xưa, tôi mới lại được thấy cái sôi nổi một thời trong Nguyễn Tường Văn. Thơ anh cũng dịu đi và lắng đọng hơn. Song cái chất sôi nổi, hừng hực một thời thì vẫn tiềm ẩn đâu đó, chỉ chờ dịp bùng nổ. Và đó là tại một buổi sinh hoạt do Đài Phát thanh Phú Yên tổ chức vào đầu năm 1992. Hôm đó, trong không khí dạt dào văn nghệ, Nguyễn Tường Văn nhảy phốc lên bàn, giành micro, đọc như lên đồng bài thơ “Phóng viên gặp Nguyễn Trãi”. Bài thơ gồm những phối cảnh, vừa đậm chất ký sự vừa dồn nén tâm trạng với những câu thơ thật ấn tượng: Đâu trung thần/ Đâu quân vương/Chỉ có đoạn đầu đài và lầm lì quan đao phủ/ Phóng viên gào như khạc từng mảnh phổi/ Những tuyên ngôn, kiến nghị, điện văn/ Hồi trống kết thúc/ Lưỡi gươm oan nghiệt/ Phóng viên gào bể phổi. Cái cảm hứng đó trong thơ Nguyễn Tường Văn như đang tuôn trào trở lại. Gần đây anh có nhiều bài thơ về biển Đông thật hào sảng…

 

Thỉnh thoảng tôi đến thăm Nguyễn Tường Văn tại ngôi nhà anh ở ngoại ô thành phố. Nhà thơ vẫn nghèo, ngôi nhà cũ mẹ cha để lại chẳng mới thêm tí nào so với lần đầu tiên tôi ghé nhà anh cách đây đã gần 1/4 thế kỷ. Thơ anh vẫn thường xuyên có mặt trên các mặt báo Trung ương và địa phương. Làm thơ nhiều, nhưng anh chỉ mới có điều kiện ra được 3 tập thơ. Nghèo tiền bạc nhưng Nguyễn Tường Văn giàu có bạn bè, được nhiều người yêu quý. Ngôi nhà của anh từ lâu đã là địa chỉ đi về của bạn văn nghệ từ mọi miền đất nước như nhà thơ Hà Cừ (Hải Dương), Phương Xích Lô (Huế), nhà văn Thế Vũ, nhà nhiếp ảnh Phạm Đình Quát (Nha Trang)… Tôi vẫn nói với Nguyễn Tường Văn, hạnh phúc đó không phải ai cũng có được.

 

PHAN XUÂN LUẬT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhiều cơ hội cho người trẻ
Thứ Hai, 23/12/2013 11:00 SA
35 tác phẩm đoạt giải vàng
Thứ Hai, 23/12/2013 09:08 SA
Đêm của vũ điệu và yêu thương
Chủ Nhật, 22/12/2013 14:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek