Thứ Bảy, 12/10/2024 04:55 SA
Nguyễn Đức Mậu và những vần thơ giản dị
Thứ Ba, 19/11/2013 14:00 CH

Trong số các nhà thơ trưởng thành từ kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Đức Mậu có một vị trí riêng với những tác phẩm mang dáng dấp riêng. Thơ ông thiên về tự sự, đầy chất lính và rất giản dị, tình cảm. Nói thì dễ, nhưng làm thơ đạt đến sự giản dị khó vô cùng, nếu không có sự từng trải và đi đến tận cùng.

 

Nha-tho-Nguyen-Duc-Mau13111.jpg

Nhà thơ - đại tá Nguyễn Đức Mậu (bên trái) và nhà thơ Ngọc Khương

Nhà thơ Thanh Tùng, tác giả Thời hoa đỏ, có lần nói: “Người Nam Định lãng mạn toàn phần”. Điều đó đúng với những người Nam Định mà tôi đã gặp, trong đó có nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Ông sinh năm 1948 tại xã Nam Điền (Nam Trực), nhập ngũ năm 17 tuổi. Khi đó, ông đã làm thơ và có những câu rất tài hoa:

 

“Một sớm sông Hồng mười bảy tuổi

Hoa gạo rơi trong nỗi nhớ nhà”

 

Nguyễn Đức Mậu từng là lính ở Sư đoàn 312, chiến đấu trên đất bạn Lào. Đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, bằng sự nhạy cảm và chất thi sĩ trời phú, nhà thơ quê Nam Định đã có nhiều tác phẩm xúc động về người lính, về chiến tranh. Nếu không có chất thi sĩ thì không thể viết những câu thơ như thế này:

 

“Qua nhiều dòng suối sâu tôi tìm được một viên đá nhỏ

Qua nhiều đêm rừng tôi nhặt về khắc khoải giọng từ quy

Qua bãi bom ngổn ngang bới đất sâu tôi tìm được

Cái cúc áo người phá bom trong vàng sắc hoa quỳ”

 

Sau tập Thơ người ra trận (in chung với nhà thơ Vương Trọng, năm 1971), nhà thơ mặc áo lính Nguyễn Đức Mậu đã giới thiệu với bạn đọc cả nước hơn 10 tập thơ, trong đó có Áo trận (1973), Mưa trong rừng cháy (1976), Trường ca sư đoàn (1980), Bão và sau bão (1994), Cánh rừng nhiều đom đóm bay (1998), trường ca Mở bàn tay gặp núi (2008)… Năm 2010, ông có tuyển thơ về chiến tranh Từ trong lòng cuộc chiến với 99 tác phẩm chọn lọc, được sáng tác từ năm 1966 đến 2010. Người ta trả 10 triệu đồng để mua bản quyền trong vòng 1 năm. 10 triệu đồng cho 99 bài thơ mà tác giả đã rút tâm can trải lên trang giấy. Chao ôi! Bạn bè xuýt xoa nhưng nghe nói Nguyễn Đức Mậu chỉ cười. Thì cả cuộc đời, nhà thơ quê Nam Định ấy cầm bút, cầm súng rồi lại cầm bút. Những người sống với thơ nào có tính toán gì!

 

Hãy nghe nhà thơ tự sự khi ngày ngày đi từ nhà ở “phố nhà binh” Lý Nam Đế đến cơ quan - tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Đế:

 

“Từ nhà sang cơ quan chào hai cây đại già

Thả từng chùm hoa rơi trắng đất

Mình đi quẩn quanh ngày này sang ngày khác

Thời gian trôi qua từng đốt trăng gầy

Vậy mà đã cạn năm đầy tháng

Mùa qua mùa, mình có được như cây?”

 

Không chỉ làm thơ, đại tá Nguyễn Đức Mậu còn viết truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận phê bình và đã xuất bản nhiều tập sách với các thể loại này. Song ông luôn được biết đến là một nhà thơ. Ông có những bài lục bát rất duyên được giới thiệu trong tập Thơ lục bát (2007). Nhà thơ chia sẻ: “Thơ lục bát là thơ chông gai nhất, vì nó là “bình cũ rượu mới”. Theo cách nói đó thì nhà thơ mặc áo lính Nguyễn Đức Mậu đã vượt qua chông gai nên mới có những câu lục bát rất tình:

 

“Bến quê một nhánh sông gầy

Một con đò nhỏ chở ngày và đêm

Chở anh về phía không em

Bao xa vắng cứ đầy thêm đò chiều”

 

Trong một buổi trò chuyện về thi ca, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu nói: “Người ta tìm đến thơ là để chia sẻ, giãi bày. Thơ có ở mọi nơi, trừ… những bài thơ tồi”. Theo ông, có nhiều giai đoạn, và mỗi giai đoạn thơ lại khác nhau. Thời kỳ này, thơ cũng có những bước tiến với nhiều đường đi và luôn hướng về cái mới. Tinh hoa có nhưng thơ rác cũng có. Vậy thế nào là một bài thơ hay? Tác giả Trường ca sư đoàn nói rất giản dị: “Thơ hay khi đọc dội vào người nghe điều gì đó về tư tưởng hoặc cảm xúc”. Và ông dẫn chứng: “Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ có nhiều câu thơ hay nhất”.

 

Với những bài thơ đầy chất thi sĩ, từ một người vừa cầm súng vừa cầm bút, Nguyễn Đức Mậu trở thành biên tập viên ở tạp chí Văn nghệ Quân đội rồi vào Trường Viết văn Nguyễn Du (khóa 1). Ông từng làm Trưởng ban Thơ - tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2001, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek