Thứ Bảy, 12/10/2024 06:18 SA
Giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa
Chủ Nhật, 17/11/2013 14:00 CH

Trải qua hơn 400 năm hình thành và phát triển, cộng đồng các dân tộc ở Phú Yên đã dày công tạo dựng, vun đắp để hôm nay trên vùng này đất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

 

cong-chieng131117.jpg

Cồng chiêng - sản phẩm văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Phú Yên - Ảnh: T.DIỆU

Theo báo cáo của Sở VH-TT-DL tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 954 di tích (TP Tuy Hòa có 108, TX Sông Cầu có 124, các huyện Tuy An có 263, Đồng Xuân có 86, Phú Hòa có 117, Đông Hòa có 118, Tây Hòa có 103, Sông Hinh có 12 và Sơn Hòa có 7).

 

Từ năm 1998 đến nay, địa phương đã lập hồ sơ trình và được Bộ VH-TT-DL công nhận xếp hạng 8 di tích cấp quốc gia, UBND tỉnh công nhận xếp hạng 18 di tích cấp tỉnh. Nhiều hiện vật có giá trị lịch sử - văn hóa đã được phát hiện như: Bộ đàn đá, kèn đá Tuy An thời tiền sử; 6 trống đồng Đông Sơn có niên đại trên 2.000 năm; một số lượng lớn tiền cổ; sưu tầm và khôi phục có chọn lọc các sinh hoạt văn hóa dân gian ở các địa phương như: Sưu tầm các bài ca dao, các làn điệu dân ca, hò khoan, nghiên cứu hàng trăm sử thi, trường ca các dân tộc Tây Nguyên và chữ viết các dân tộc thiểu số như Chăm, Ba Na; khôi phục và phát triển các lễ hội: cầu ngư, cầu an đình làng, đâm trâu, bỏ mả, về nhà mới…

 

Đến nay, toàn tỉnh có 18 di tích cấp quốc gia, gồm: Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương, Đầm Ô Loan, Chùa Từ Quang, Gành Đá Đĩa, Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên, Nơi diễn ra vụ thảm sát Ngân Sơn Chí Thạnh, Thành An Thổ, Địa đạo Gò Thì Thùng, Tháp Nhạn, Thành Hồ, địa điểm diễn ra cuộc Đồng khởi Hòa Thịnh, Căn cứ của tỉnh Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ, Núi Đá Bia, Tàu Không số Vũng Rô, Bãi Môn - Mũi Điện, Đường 5, Vịnh Xuân Đài và 18 di tích cấp tỉnh.

 

Qua kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các thể loại: tự sự dân gian, diễn xướng dân gian, lễ hội, làng nghề truyền thống, phong tục, tín ngưỡng, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn có một số lượng sử thi khá lớn còn tồn tại trong ký ức của đồng bào dân tộc Ê Đê, Chăm H’roi và Ba Na, nhưng chưa có biện pháp để bảo tồn, phát huy, bước đầu mới trình Bộ VH-TT-DL xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể trò chơi đánh bài chòi, lễ hội cầu ngư; kể, hát sử thi của người Ê Đê và Chăm H’roi.

 

Công tác chống xuống cấp di tích cũng được quan tâm đầu tư bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn ngân sách địa phương, một số di tích cấp quốc gia được tôn tạo, tu bổ, tạo thành các điểm đến thu hút khách tham quan, du lịch, nơi giáo dục truyền thống, vui chơi giải trí của cộng đồng.

Nhìn chung, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Phú Yên ngày càng được chú trọng. Nhận thức về giá trị di sản văn hóa và truyền thống văn hóa ngày càng được nâng cao, tạo được sự đồng thuận và nguồn lực xã hội trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa, nhất là văn hóa của các dân tộc thiểu số, có bước phát triển mới về quy mô cũng như chiều sâu. Nhiều dự án lớn về sưu tầm tư liệu di sản văn hóa được thực hiện thường xuyên đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho cán bộ và nhân dân đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, tâm linh tín ngưỡng và đang trở thành kho tài nguyên vô giá cho việc khai thác du lịch, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.

 

Tuy nhiên, so với tiềm năng và yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; các di tích lịch sử văn hóa luôn luôn đứng trước sự tác động xấu của nhiều yếu tố, kể cả thiên nhiên lẫn con người. Bên cạnh đó, việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa còn nhiều khó khăn như: cần nguồn lực và kinh phí rất lớn; năng lực chuyên môn và trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ của đội ngũ cán bộ làm công tác này còn hạn chế. Nhiều di tích được tôn tạo trong thời gian qua mới chỉ bảo đảm được việc chống xuống cấp. Do thiếu quy hoạch tổng thể và chưa được đầu tư đúng mức nên nhiều di tích chưa thật sự trở thành sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh gắn với phát triển du lịch bền vững.

 

Để bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, ngoài công tác tu bổ, tôn tạo còn nhiều nhiệm vụ quan trọng khác phải được thực hiện đồng bộ liên quan đến hoạt động quản lý di tích như nghiên cứu lịch sử, ý nghĩa, tuyên truyền, quảng bá, thuyết minh, hướng dẫn… Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 5 Trung ương (Khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tỉnh ủy Phú Yên đã đề ra nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để giữ gìn, tôn tạo và khai thác các di sản văn hóa. Đó là việc tổ chức sưu tầm, bổ sung tài liệu, hiện vật mới cho bảo tàng; ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong trưng bày, bảo quản tài liệu, hiện vật; tập trung trùng tu, tôn tạo các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh. Tỉnh cũng sẽ xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực để trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, làm biến dạng môi trường cảnh quan; tạo môi trường văn hóa lành mạnh tại các di tích…

 

MẠNH MINH TÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek