Chủ Nhật, 13/10/2024 14:25 CH
Giữ lửa cho câu hát, tuồng tích xưa
Thứ Ba, 24/09/2013 14:00 CH

“Dân ca nhạc cổ đang hồi sinh ở Phú Yên” - đó là nhận định của nhà báo Lê Văn Hiếu - Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, một người rất tâm huyết với các loại hình nghệ thuật này. Anh Hiếu đưa ra dẫn chứng: Các CLB dân ca, bài chòi, tuồng, các nhóm đờn ca tài tử phát triển ở một số địa phương, trở thành sân chơi thú vị của những tâm hồn đồng điệu.

 

Dan-ca-nhac-co130924.jpg

Thành viên CLB Tuồng 10/5 biểu diễn một trích đoạn tuồng - Ảnh: Y.LAN

Nói về dân ca nhạc cổ, không thể không nhắc đến các huyện Đông Hòa, Phú Hòa, Tuy An và TP Tuy Hòa. Đó là những nơi phong trào này phát triển mạnh, có sân chơi được duy trì thường xuyên. Với các giọng ca Ái Phi, Huyền Trang, Trúc Lai… được luyện từ “lò” của nghệ nhân Bình Thảng ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, CLB Đàn hát dân ca huyện Đông Hòa là đối thủ rất đáng gờm tại bất kỳ cuộc thi dân ca nhạc cổ nào. Đặc biệt, sau nỗ lực đưa dân ca vào trường học của Chi hội Sân khấu, Đông Hòa là địa phương thứ hai đưa dân ca vào trường học, mà người có công lớn là ông Bình Thảng - một nghệ nhân say mê dân ca, từng học tại Trường trung học Văn hóa nghệ thuật tỉnh Phú Khánh và là… công an ở thị trấn Hòa Hiệp Trung.

 

Bên cạnh “lò” dân ca Bình Thảng đã được nhiều người biết đến, Hòa Hiệp Trung còn có nhóm đờn ca tài tử Bảy Cảnh, cũng rất thú vị.

 

Ở Phú Hòa, CLB Tuồng 10/5 chính là nơi giữ lửa cho tuồng. Thành viên CLB có những người đã nhiều năm gắn bó với đoàn tuồng, sau đó vì cuộc mưu sinh mà trở về quê, tay cuốc tay cày như chị Đào Thị Thu Sen, song cũng có những người là nông dân trăm phần trăm, vì mê tuồng nên tham gia CLB. Mỗi năm một lần, những người yêu thích sân khấu truyền thống ở Tuy Hòa “gặp” CLB Tuồng 10/5 trong dịp giỗ Tổ Sân khấu. Khi đó, những nông dân lam lũ ở Phú Hòa hóa thân thành những nhân vật lộng lẫy, oai phong trong các tuồng tích xưa. Họ diễn say sưa trong những phút giây thăng hoa trên sân khấu. Chị Thu Sen thổ lộ: “Vì đam mê, chúng tôi luôn cố gắng gìn giữ tuồng và coi đó là món ăn tinh thần của mình. Được biểu diễn trên sân khấu, tôi thấy mình trẻ lại”.

 

Ngoài CLB Tuồng 1/5, nhóm đờn ca tài tử Thái Nông là một điểm sáng khác ở Phú Hòa. Nhóm này có những giọng ca “chiến” như Kim Hồng Cúc, Thanh Kính… Kim Hồng Cúc đi hát từ năm 16 tuổi, từng là đào chánh ở các đoàn cải lương Hòa Tân, Đồng Khởi trong giai đoạn sân khấu cải lương hưng thịnh. Khi đoàn tan rã, chị trở về quê ở Phú Hiệp (Hòa Hiệp Trung) làm nghề uốn tóc nhưng vẫn thiết tha với nhạc cổ và tham gia nhóm đờn ca tài tử Thái Nông. Với chị, mỗi lần lên sân khấu biểu diễn là một lần vui vô cùng. “Được hát trong sự cổ vũ của quý khán giả, tôi thấy rất mãn nguyện” - chị nói.

 

Tuy An có CLB Bài chòi xã An Hiệp, CLB Nông dân xã An Chấn và nhóm đờn ca tài tử ở làng Yến, xã An Hòa; có một gia đình mà niềm đam mê dân ca nhạc cổ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác là gia đình ông Phạm Ngọc Dũng ở làng Yến. Trong thời gian vào Bến Tre mưu sinh, ông Dũng đã tầm sư học nhạc. Sau giải phóng, ông trở về quê hương, thành lập đội văn nghệ Sao Biển với thành viên nòng cốt là những người thân trong gia đình. Đội văn nghệ này được duy trì trong gần 10 năm, từ 1976 đến 1985. Ông Dũng cũng chính là người khơi dậy phong trào đờn ca tài tử ở An Hòa, từ hơn 10 năm trước.

 

TP Tuy Hòa là nơi có nhiều CLB, nhóm đờn ca tài tử nhất. Ngoài CLB Đàn hát dân ca - nhạc cổ thuộc Chi hội Sân khấu và CLB Bài chòi thuộc Hội Văn nghệ dân gian - Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên, Tuy Hòa còn có CLB Dân ca - Nhạc cổ phường 4, CLB Bài chòi xã An Phú và nhóm đờn ca tài tử Sông Ba ở phường 2. CLB Dân ca - Nhạc cổ phường 4 là nơi những người lớn tuổi mộ điệu gặp nhau để cùng tập, cùng hát cho thỏa niềm đam mê. Bà Thanh Thừa, một trong những thành viên tích cực của CLB này, chia sẻ: “Tôi đã ngoài 60 tuổi, vì yêu thích dân ca nhạc cổ nên tham gia sinh hoạt. Giọng hát của tôi chưa hay, nhưng tôi thích không khí sinh hoạt của CLB. Được gặp bạn bè và hát, tôi rất vui”.

 

Những người yêu dân ca nhạc cổ ở TP Tuy Hòa nói riêng, Phú Yên nói chung chẳng ai là không biết đến “lò” luyện của nghệ nhân Mai Hoàng. Đam mê và tâm huyết với dân ca nhạc cổ, nghệ nhân này đã đào tạo nhiều lứa học trò, góp công lớn trong việc phát triển phong trào dân ca nhạc cổ.

 

Những người yêu thích dân ca nhạc cổ đang sinh hoạt tại các CLB, nhóm đờn ca tài tử ở một số địa phương rất cần có những sân chơi để họ giao lưu, học hỏi. Khi niềm đam mê được khích lệ, những tâm hồn đồng điệu sẽ đóng góp nhiều hơn vào phong trào dân ca nhạc cổ ở Phú Yên, góp phần gìn giữ và phát huy vốn quý của người xưa.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek