Bộ VH-TT-DL vừa tổ chức hội nghị sơ kết công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch 6 tháng đầu năm 2013. Việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu tiếp tục được khẳng định là “bất biến” và sẽ lùi lại ngày cấp đến tháng 4/2014.
Ảnh: Internet
6 tháng đầu năm, ngành nghệ thuật biểu diễn đã có những chuyển biến tích cực. Sai phạm trong quản lý ngành giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái, không còn hiện tượng cấp phép biểu diễn thiếu trách nhiệm, đó là khẳng định của ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL).
Trước việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ biểu diễn đang có nhiều luồng dư luận trái chiều, ông Nguyễn Đăng Chương cho rằng, đây là việc làm cần thiết để chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang có những diễn biến phức tạp. Hiện nay, Cục đang xây dựng đề án, dự kiến sẽ trình lãnh đạo Bộ VH-TT-DL vào trung tuần tháng 8, dự kiến vào 1/4/2014 thẻ hành nghề sẽ có hiệu lực với hai đối tượng ca sĩ và người mẫu.
Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đang xúc tiến xây dựng Đề án cải cách chế độ chính sách đối với văn nghệ sĩ mang tính đặc thù. Đây được xem là đòn bẩy kích thích đội ngũ nghệ sĩ sáng tạo cho biểu diễn nghệ thuật truyền thống.
Nhiều đại biểu cho rằng, 6 tháng qua việc quản lý hoạt động của các thiết chế văn hóa địa phương đang gây nhiều bức xúc cho dư luận. Các thôn, ấp, phường, xã… đua nhau xây dựng nhà văn hóa quy mô, nhưng lại không biết cách quản lý, không có hoạt động gây lãng phí. Việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực hoạt động ngành vẫn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước và yêu cầu thực tiễn đề ra. Đơn cử như Luật Quảng cáo đã có từ đầu năm nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa nhận được thông tư hướng dẫn, khiến công tác triển khai gặp nhiều khó khăn.
Trước những bức xúc của dư luận về công tác bảo tồn, trùng tu di sản như: Đường Lâm, Đàn Xã tắc, thành cổ Luy Lâu… thời gian vừa qua, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản cho rằng, Cục đã tham gia tích cực cùng địa phương để giải quyết các vấn đề. Di sản là nguồn lực nâng cao đời sống của nhân dân địa phương chứ không phải di sản làm nhân dân địa phương nghèo đi. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều địa phương chưa chủ động triển khai các dự án tu bổ di tích.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành văn hóa trong thời gian tới là tập trung đúc kết kinh nghiệm 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đề xuất giải pháp chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
DIỆU TRẦN (tổng hợp)