Thứ Bảy, 05/10/2024 20:20 CH
Về Long Thủy xem Lễ hội Cầu ngư
Chủ Nhật, 21/07/2013 14:00 CH

Lễ hội Cầu ngư thôn Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa) được tổ chức từ ngày 11/6 âm lịch hằng năm, là ngày hội của người dân lạch Long Thủy. Lễ hội Cầu ngư cúng Ông (cá Voi được xem là vị thần Nam Hải) và cúng Thu tạ ơn các thần linh đã phù trợ cho dân làng được bình yên trong những chuyến xa khơi bám biển, được mùa tôm cá. Vào dịp này, bà con trong làng, các làng lân cận và cả người xa quê cũng về chung vui.

 

mua-sieu130721.jpg

Múa siêu nghinh thần tại Lễ hội Cầu ngư ở thôn Long Thủy - Ảnh: T.DIỆU

Lễ hội Cầu ngư bao giờ cũng kéo dài từ 3 đến 5 ngày với quy mô lớn nên luôn được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ trong thời gian khá lâu trước đó. Người trong ban lạch họp ngư dân thống nhất thời gian, quy mô tổ chức lễ trước đó khá lâu, lễ vật hiến cúng, mời đoàn hát bội, phương án vận động tài chính để lo hát bội... Sau đó công bố mức đóng góp tiền bạc của từng chủ thuyền.

 

Ông Phạm Cuộc, Phó lạch Long Thủy nói: “Diễn trình lễ hội cầu ngư lạch Long Thủy có từ hàng trăm năm nay gồm hai phần lễ và hội. Phần lễ bao gồm: Khai lễ (cáo giỗ) từ lúc sáng sớm; tiếp sau đó là lễ rước Thần, lễ nghinh Ông. Phần hội: Bà con trong lạch được xem hát tuồng, chơi các trò chơi dân gian đến hết thời gian diễn ra lễ hội”.

 

Phần lễ diễn ra long trọng và trang nghiêm. Trong buổi khai lễ, người lạch trưởng thắp hương khấn bái thần Nam Hải và các vị thần linh về việc tổ chức lễ, cầu mong các vị thần về chứng giám, độ trì cho ngư dân trong cuộc sống và làm ăn. Lễ rước Thần, người trong lạch, từ lão đến ấu, lập thành một đoàn dài rầm rộ đi theo đám rước.

 

Chị Nguyễn Thị Diên, người dân trong lạch chia sẻ: “Lễ hội Cầu ngư bao giờ cũng là ngày hội của người dân nơi đây. Chúng tôi, ai nấy vui mừng mỗi khi đến dịp lễ. Trước đây, có hai lần trong năm cúng thần nay để giảm chi phí và thời gian nên chỉ còn lại một lần tổ chức lễ”.

 

Lễ rước Thần được tiến hành vào khoảng đầu giờ chiều, xuất phát tại lăng Ông đi ra hướng cửa biển, rồi đi đến các đền, miếu, đình trong làng để nghinh rước các thần. Đoàn rước gồm có Chánh tế, Bồi tế, Tư văn, học trò lễ, các chủ gia nghệ, đại diện đoàn hát, chiêng trống, đội nhạc bát âm, đội siêu và 4 người khiêng long đình.

 

Chánh tế, Bồi tế mặc áo thụng xanh, quần lá tọa trắng, đầu đội khăn đóng. Các cụ già và chủ gia nghệ mặc âu phục hoặc áo dài đen, đầu đội khăn đóng. Đội múa siêu ăn mặc theo lễ phục. Trong lễ rước Thần cờ lệnh lúc nào cũng đi đầu, vì đây là cờ của tướng, đi theo sau là cờ chèo, gọi là cờ hầu.

 

Sau khi Chánh tế, Bồi tế miếu thắp hương, đốt đèn khấn vái. Thầy lễ xướng: Chấp sự giả các tư kỳ sự: Chánh tế, Đông hiến, Tây hiến, chiêng cổ, nhạc sanh ứng diện. (Lúc này người đánh chiêng cổ cầm chiếc dùi vào bái lạy thần, xong về vị trí)/ Khởi chinh cổ (Chiêng đánh một tiếng, trống đánh một tiếng và cùng xổ dài, đến khi đủ 3 hồi, chiêng bắt đầu đánh gióng 3 (đánh 3 tiếng) và trống cũng đánh theo)/ Khởi nhạc sanh (Dàn nhạc cổ đánh bài chiêu, sau đó là đánh bài bá lịnh). Đội siêu 5 người bắt đầu nhảy múa, trong đó có 4 người múa chính và một người cầm trống lịnh gõ chỉ huy. Múa siêu gồm 5 bài múa chính: Xuân thiên, Lôi phong, Bể đồng, Lan mã, bài cuối cùng là hát chúc.

 

Liền đó, Chánh tế trong bộ phục lễ đứng trước bàn thờ lâm râm khấn cung nghinh các vị thần quy hồi tại nơi đang hành lễ cầu mong thần linh phù hộ độ trì cho dân vạn lạch. Xong việc, chiêng trống cùng xổ một hồi dài, lễ rước thần tại các đình miếu coi như kết thúc.

 

Tiếp sau lễ rước Thần là lễ nghinh Ông Sanh, đây là một nghi lễ bắt buộc. Lễ nghinh Ông Sanh thường tổ chức theo 2 hình thức: Nghinh Ông ngoài khơi hoặc nghinh Ông tại bờ.

 

Nghinh Ông ngoài khơi: Đoàn đi nghinh gồm có Chánh tế, Bồi tế, đội múa siêu, đội chinh cổ, cờ lễ, 4 người khiêng long đình, chủ tàu thuyền, gia nghệ. Họ xuất phát từ lăng Ông đi ra cửa lạch để lên 2 chiếc thuyền lễ. Khi thuyền ra cách bờ biển khoảng nửa hải lý thì dừng lại và lễ nghinh Ông Sanh bắt đầu. Mở đầu, chiêng trống và dàn nhạc cổ nổi lên. Chánh tế chắp tay khấn vái cầu mong Thủy Thần, Long Vương phù hộ độ trì cho dân vạn lạch được vạn đắc bình an.

 

Lễ cầu ngư năm nay, lạch Long Thủy tổ chức nghinh Ông tại bờ: Đội hình đi rước cũng giống như nghinh ngoài khơi. Khi đến bờ biển, Chánh tế đứng sát mép nước, tay cầm nhang, miệng khấn mời thần Nam Hải về dự lễ. Khấn xong, ông lội xuống nước dùng tay vẩy nước lên cao. Xong việc, đội siêu bắt đầu múa. Kết thúc lễ, 4 người khiêng long đình, hương án vào lăng nhập điện.

 

Xong phần lễ, bà con trong lạch tập hợp xem hát tuồng Ông tế thần thể hiện sự thành kính đối với thần linh và cầu mong an lành, sung túc cho người dân. Liên tiếp 4 ngày đêm sau đó, người dân trong lạch và các làng lân cận vừa xem hát tuồng, vừa chơi các trò chơi dân gian cho đến hết thời gian diễn ra lễ hội.

 

Lễ Cầu ngư thôn Long Thủy đã có từ lâu đời, được bà con gần xa biết. Người dân trong lạch luôn gìn giữ truyền thống và phát triển lễ hội cổ truyền đến thế hệ mai sau.

 

Theo ông Nguyễn Trần Vỹ, Sở VH-TH-DL Phú Yên, Lễ Nghinh Ông tại bờ xuất hiện ngày càng phổ biến, được đông đảo ngư dân đồng tình, vì đây là hình thức ít tốn kém vật chất, thời gian, nhưng vẫn giữ được sự tôn nghiêm của lễ thức.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek