Thứ Bảy, 05/10/2024 22:21 CH
Nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh:
Lặng lẽ trên con đường riêng
Thứ Năm, 18/07/2013 14:00 CH

Là “con nhà nòi” nên Phạm Hoài Thanh đến với nhiếp ảnh rất sớm. Cũng như hai cụ thân sinh, anh quan tâm đến việc tạo nét riêng cho các tác phẩm của mình. Song nếu đôi nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tuệ - Đan Quế nổi tiếng với những bức ảnh đời thường như Trồng cây gây rừng, Đường về Đồng Văn, Lương y kiêm từ mẫu, Được mùa… thì con trai thứ của họ lại hướng ống kính vào nhóm người dễ bị tổn thương - những người vẫn bị coi là “dưới đáy xã hội”…

Doi-mat-voi-ma-tuy130718.jpg

Một tác phẩm trong bộ ảnh “Đối mặt với ma túy” của nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh

Nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh cho biết anh đang thực hiện bộ ảnh về những phụ nữ “sống trong bóng tối”. Công việc này quả thật khó khăn bởi tâm lý chung của những phụ nữ này là càng giấu giếm kỹ thân phận càng tốt, để tránh sự khinh miệt của người đời. Phạm Hoài Thanh tiếp cận họ qua các giáo dục viên đồng đẳng, bằng cách riêng: chân thành và thẳng thắn. “Tôi không hứa hẹn mang đến cho họ lợi ích vật chất. Tôi nói cho họ hiểu công việc mình đang làm và thuyết phục họ cộng tác với mình” - nhà nhiếp ảnh sinh năm 1963 này chia sẻ.

Để “kể” với người xem câu chuyện bằng hình ảnh về những phận người chìm nổi, Phạm Hoài Thanh đã lặn lội từ Bắc vào Nam, gặp gỡ, trò chuyện với những người dễ bị tổn thương, lắng nghe và hiểu được nỗi day dứt đớn đau của họ. Sau đó anh mới bấm máy. Nhân vật trong ảnh thật như chính họ, ở ngoài đời.

Hơn 10 năm qua, kiên trì và lặng lẽ, Phạm Hoài Thanh làm công việc ít người làm. Trong khi những người cầm máy khác mải mê ghi vào ống kính bao vẻ đẹp dễ nhìn thấy thì con trai của đôi nghệ sĩ nhiếp ảnh danh tiếng Phạm Tuệ - Đan Quế đến với những người nhiễm HIV và ghi lại cuộc sống đời thường của họ. Thời điểm đó, nhiều người rất sợ khi tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS và những nạn nhân của đại dịch này bị kỳ thị, xa lánh. Ngay cả Phạm Hoài Thanh cũng e dè khi một trong những nhân vật mời anh dùng cơm. Nhưng rồi càng làm việc với họ, anh càng nhận ra nhiều điều, đặc biệt là vẻ đẹp ẩn sau bao gian nan đau đớn và nghị lực của họ. Hai triển lãm ảnh, hai tập sách ảnh về người nhiễm HIV mang tên Cuộc sống vẫn tiếp diễn (năm 2005, 2008) là tiếng nói mạnh mẽ, góp phần thay đổi cái nhìn về người nhiễm HIV/AIDS. Giống như bao người khác, bệnh tật giáng xuống và họ đã vượt lên nỗi đau về tinh thần lẫn thể xác để đối mặt với nhiều khó khăn, để tiếp tục sống và sống có ích. Họ là những người dũng cảm, đáng được trân trọng.

Sau Cuộc sống vẫn tiếp diễn 1 2, cái tên Phạm Hoài Thanh gắn liền với cuộc thi “Dấu cộng duyên dáng” dành cho những phụ nữ nhiễm HIV, diễn ra vào tháng 10/2010. Ngoài việc hỗ trợ kỹ thuật giúp cho chính những người có HIV tổ chức cuộc thi, anh còn là tác giả của bộ ảnh gần 70 bức ảnh chụp các thí sinh tham gia cuộc thi rất đặc biệt này. Bộ ảnh đã lột tả phần nào vẻ đẹp của những phụ nữ này từ cuộc sống ngày thường cho tới vẻ đẹp rực rỡ của họ khi tham gia một lễ hội.

Và rồi Phạm Hoài Thanh tiếp tục hành trình đầy chông gai: chụp ảnh người nghiện ma túy. Chẳng ai muốn cho người khác biết rằng mình nghiện để rồi nhận lấy sự khinh miệt, xa lánh. Nhưng Phạm Hoài Thanh có cách riêng - cách làm việc chân thành và xem nhân vật như những cộng sự. 50 nhân vật. 50 câu chuyện về con đường vướng vào ma túy với bao ê chề. Song điều khiến người xem xúc động là cuộc chiến đầy khó khăn của các nhân vật với mong muốn thoát khỏi “cái chết trắng”, tìm lại những niềm vui đơn sơ và hạnh phúc bình yên. Diễn ra vào tháng 6/2011, triển lãm ảnh “Đối mặt với ma túy” của nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh trở thành một điểm nhấn trong Tháng hành động phòng chống ma túy năm đó. Trong lễ khai mạc triển lãm, ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) phát biểu: “Tôi đã làm việc trong lĩnh vực này 20 năm, đã gặp không biết bao nhiêu người sử dụng ma túy, nhưng xem triển lãm tôi thấy được nhiều góc nhìn tham khảo để đưa vào công việc của chúng tôi nhằm cải thiện công tác phòng, chống ma túy”.

Sau khi ra mắt công chúng tại Hà Nội, “Đối mặt với ma túy” được đưa xuống Hải Phòng, vào TP Hồ Chí Minh, sau đó đưa sang nước ngoài.

Phạm Hoài Thanh luôn bận rộn. Anh ngập trong núi việc ở Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng và Công ty Truyền thông Ngày Mới. Đó là chưa kể các lớp bồi dưỡng do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) mở tại các tỉnh thành, và anh tham gia với vai trò giảng viên thiết kế, trình bày báo. Những khi có thể “rứt” ra khỏi công việc, Phạm Hoài Thanh lại khoác ba lô, mang máy ảnh và mê mải lên đường. Đi, gặp, lắng nghe và chụp. Niềm say mê đó cũng lớn như niềm say mê công việc thiết kế - đồ họa. Và từ những chuyến đi, những lần gặp gỡ, chuyện trò với các nhóm người dễ bị tổn thương, nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh cảm nhận được nhiều điều mà những người thờ ơ lướt qua họ không thể nào cảm nhận được.

Kiên trì và lặng lẽ, con trai của đôi nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Tuệ - Đan Quế đi trên con đường riêng, tìm kiếm vẻ đẹp từ những xù xì, thô ráp của cuộc sống.

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek